Mới đây, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo Việt Nam đã gia công, đóng gói lô vắc-xin Sputnik V đầu tiên. Ngoài vắc-xin Nga, Việt Nam cũng đã đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ vắc-xin của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, các nước như Ấn Độ, Anh, Úc, Cuba và Đức… cũng đã có những cam kết cụ thể về viện trợ, ưu tiên, hợp tác chuyển giao công nghệ với Việt Nam. Về thiết bị, vật tư y tế và các nguồn lực phòng chống dịch bệnh, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ hết sức có ý nghĩa từ các tổ chức quốc tế uy tín như UNICEF, các nước Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đức, Campuchia, Ả-rập Xê-út.
Bình luận về công tác ngoại giao vắc-xin của Việt Nam trong trong thời gian vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, song song với việc triển khai mạnh mẽ công tác ngoại giao vắc-xin nhằm vận động các đối tác, các nước, các tổ chức quốc tế về khả năng mua và viện trợ vắc-xin phòng chống Covid-19, Việt Nam cũng đã tập trung tìm kiếm các cơ hội hợp tác, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin nhằm đảm bảo nguồn cung lâu dài trong nước, tiến tới khả năng có thể tự chủ vắc-xin của mình.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên vắc-xin và sinh phẩm y tế số 1 (VABIOTECH) đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc-xin phòng chống Covid-19 Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7/2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô khoảng 100 triệu liều/năm. Công ty VABIOTECH cũng đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cho Việt Nam.
Bộ Y tế cũng cho biết cơ quan chức năng đã thảo luận, đàm phán với Nhà sản xuất Hoa Kỳ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19 từ tinh chất mRNA. Nhà máy sản xuất sẽ được đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100-200 triệu liều/năm dự tính bắt đầu sản xuất từ quý 4 năm nay hoặc quý 1 năm tới.
Trong thời gian vừa qua Bộ Y tế đã phân bổ nhiều loại vắc-xin phòng Covid-19 khác nhau như Astra Zeneca, Pfizer, Moderna cho các địa phương, đơn vị để tổ chức triển khai tiêm chủng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, ngay từ khi dịch bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã sớm dự báo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch, trong đó có triển khai chiến lược vắc-xin mà ngoại giao vắc-xin được xác định là một mũi nhọn. Ngoại giao vắc-xin thực chất là việc tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương thông qua các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vắc-xin cho người dân.
Đến nay, chiến lược vắc-xin và ngoại giao vắc-xin đã được triển khai rất quyết liệt, bài bản ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp rất quyết liệt, không câu nệ hình thức, ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế như WHO, các doanh nghiệp sản xuất vắc-xin.
Bộ Ngoại giao đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế về khả năng đàm phán, hợp tác với các đối tác tiềm năng tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Cuba, Israel, Anh, Đức trong chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cũng như thuốc điều trị Covid-19.
Kết quả, Việt Nam đã nhận hơn 14 triệu liều vắc-xin hỗ trợ từ các nước và các đối tác. Nhận từ cơ chế Covax vào khoảng xấp xỉ 7,5 triệu liều. Trong đó có 5.000.100 liều Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ (3 triệu liều cuối cùng đã về đến Việt Nam vào ngày 25/7), 3 triệu liều AstraZeneca của Nhật Bản, Trung Quốc 500.000 liều, Liên bang Nga tặng 1.000 liều Sputnik V.
Các đối tác cũng cam kết tiếp tục ủng hộ vắc-xin cho Việt Nam trong thời gian tới, nổi bật là cơ chế Covax tiếp tục phân bổ cho nước ta hơn 1 triệu liều, Romania tặng hơn 100 ngàn liều, Úc hỗ trợ 1,5 triệu liều.
Bên cạnh đó, nhiều nước như Ấn Độ, Anh, Úc, Cuba, Đức cũng đưa ra cam kết cụ thể viện trợ, ưu tiên, hợp tác chuyển giao công nghệ với Việt Nam. Mỹ cũng đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên nhận viện trợ vắc-xin trong tổng số 80 triệu liều mà nước này cam kết viện trợ cho cơ chế Covax.
Bày tỏ sự hoan nghênh trong việc giúp Việt Nam tiếp cận vắc-xin Covid-19 của nhiều nước cũng như của các tổ chức trên thế giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói: “Việt Nam hoan nghênh và chân thành cảm ơn những sự hỗ trợ giúp đỡ rất kịp thời và thiết thực của các đối tác, các nước, các tổ chức quốc tế trong thời gian vừa qua”.
ĐỖ HỮU/baophunuthudo.vn
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/viet-nam-tang-cuong-cong-tac-ngoai-giao-vac-xin-a10656.html