Bao giờ cũng thế, chúng tôi ngóng ánh trăng Rằm phía xa và ngóng trung thu từ phía mẹ. Quanh năm, mẹ tôi tất tả với chiếc xe đạp, vừa lo đi làm cho kịp vào ca, vừa bươn chải lo toan bên ngoài. Tôi còn quá nhỏ để hiểu những nẻo đường mưu sinh của mẹ, chỉ biết tất cả những hy vọng, bất ngờ đều đến từ chiếc xe của mẹ.
Chiều thu, mẹ ngồi vót những thanh tre. Mẹ kể rằng ngày xưa đi sơ tán trong rừng bạt ngàn tre vầu nhưng chẳng ai dám rước đèn vì sợ máy bay do thám của giặc. Trẻ em chỉ dám đốt ít bông nhỏ trong ống nứa, một chút ánh sáng nhỏ le lói sưởi ấm tuổi thơ.
Mẹ bảo đèn ông sao là hồn vía của đêm Rằm. Tôi nhớ khúc tre bánh tẻ này được mẹ mang về trong lần ra thăm một người bà con ở mạn Hà Đông. Tre vườn óng ả, thấm đẫm nắng mưa, tôi nghe thấy cả tiếng chào mào ban trưa, tiếng gà gáy sớm trong lời mẹ kể. Tôi như chìm vào thế giới ấy cho đến khi 10 nan tre đã được mẹ vót nhẵn. Cứ thế, hai nan tre được buộc chặt hai đầu, úp bụng vào nhau, mười nan tre xếp thành năm cánh cân xứng, được căng lên bằng 5 cái chốt ở các điểm giao cắt.
Sau này, khi xem những bức ảnh người Pháp chụp đèn ông sao được dán giấy bóng kính đầu thế kỉ XX, tôi nhớ lại những tờ giấy bóng của mẹ tôi năm đó. Thời tem phiếu, mỗi tờ giấy như thế là một câu chuyện, một bất ngờ với bọn trẻ. Cả năm trời mẹ nhặt nhạnh từng tờ rồi cẩn thận xếp vào một cuốn sổ to cho phẳng phiu. Mỗi tờ giấy bóng kính màu nhìn như một cô vũ công phải khổ luyện. Đến khi được mẹ tôi đem ra, tất cả đều lộng lẫy như một phép màu. Trong ánh sáng kì diệu của mẩu nến bừng lên giữa mười cái nan tre, một thứ ánh sáng đầy lôi cuốn khiến tôi chìm vào một thế giới kì ảo nơi con ngõ nhỏ. Nép mình bên một Hà Nội leng keng tàu điện và xe đạp vẫn có một Hà Nội nghèo mà vui như thế.
Tôi nhớ cái trống ếch của bác Đông năm đó. Từ chiến trường về, bác lặng lẽ ngồi sửa xe đạp với một cái tay không lành lặn. Nghe người lớn kể, ngày xưa nhà bác trên phố Khâm Thiên, bác lên đường nhập ngũ khi đã có giấy gọi vào đại học. Trong trận bom tàn phá dãy phố ấy, cả gia đình bác không còn ai sống sót. Chẳng ai nhớ bác đã sống ở ngõ này từ bao giờ. Một trưa không ngủ, tôi lén nhòm bác bào những mảnh gỗ mít thật khéo, khum khum lại tạo thành một vòng tròn. Ngước lên nhìn thấy tôi bác bảo:
- Thế này gọi là “kín như bưng” cháu ạ. Còn cái mặt trống nữa.
Mấy hôm không thấy bác Đông động tĩnh gì, tôi đâm lo. Nhưng rồi một chiều bác mang từ đâu về miếng da trâu nhỏ chỉ vừa mặt trống. Bác bắt đầu rủ tôi cùng níu, căng để bác dùng nêm tre chốt lại cái mặt trống. Những chiếc nêm tre tưởng mỏng manh nhưng hoá ra khi được đóng chắc vào tang gỗ mít lại vững vàng. Cái trống được phơi trên bậu cửa dưới năng thu, bác bảo phải phơi như thế, mấy nữa đến Rằm mang ra đánh mới vang. Một người đàn ông bình thường lầm lì, ít nói, không vợ, không con nhưng lại rất yêu tụi trẻ trong ngõ. Bố tôi bảo ngoài bác ấy thì chả ai biết cách làm trống mà nếu có làm chắc gì nó đã kêu.
Nhưng Hà Nội, còn là kí ức của trái ngọt nơi góc sân nhỏ. Phố phường chật hẹp, có được một ô đất nhỏ để trồng cây thật quý giá. Có nhà trồng một gốc nho, có nhà trồng mấy cành hồng cổ, riêng nhà tôi chẳng biết từ khi nào đã có một cây na. Mẹ bảo cây na bằng tuổi tôi, hễ có chút nước thừa hiếm hoi bon chen được từ vòi nước tập thể, mẹ đều dặn tôi không được hắt ra sân mà phải dành tưới cho cái cây nhỏ bé này. Mấy năm kiên trì nhẫn nại, rồi cây cũng bói quả bằng một trái duy nhất. Tôi ra ngắm, vào ngó ngày đêm mong chờ trái na mở mắt. Một hôm trước đêm Rằm, lúc ngồi ăn cơm mẹ kể: Em Cốm nhà dì Hồng vẫn chưa hết sốt, không biết con bé có kịp khỏe để mấy nữa đi rước đèn không? Dì Hồng và mẹ tôi là hai người hay qua lại giúp đỡ các nhà. Hai người phụ nữ chẳng có họ hàng gì nhưng thân tình như ruột thịt. Ngõ nhà tôi toàn người làm công, ăn lương Nhà nước nên chị em phụ nữ thường đỡ đần nhau khi thì rá gạo, khi ít rau mầm; có khi một củ sắn từ quê gửi ra cũng được cắt thành nhiều khoanh chia cho các nhà để nếm hương vị đồng quê.
Thế rồi, đêm Rằm tháng Tám với bao mong chờ cũng đến. Mỗi nhà góp một thứ để làm nên mâm cỗ. Tiếng trống ếch của bác Đông vang trong ngõ nhỏ. Trăng Rằm Hà Nội lặng lẽ toả sáng xuống khoảng sân bê tông, ánh đèn ông sao của tôi lấp lánh. Với một người phụ nữ lặng lẽ như bà, dù cuộc sống gian khó đến nhường nào thì vẫn cố lo những ngày tiết trong năm cho tươm tất. Có lẽ bà cảm thấy hẫng hụt nhất khi trái na đầu mùa, trái na đầu tiên đậu trong ngõ phố đã biến mất dẫu các nhà đã mang đến cho mâm cỗ mùa thu nào là những hồng, bưởi, cốm, ổi… Mẹ nhìn tôi, tôi cúi mặt chưa biết nói gì thì bất ngờ, em Cốm từ cuối ngõ bước ra, trên khuôn mặt mệt mỏi ánh lên một niềm vui, trên tay em là trái na đầu mùa tôi lén hái mang cho em. Cốm vẫn còn sốt mà nghe tiếng trống Trung thu vẫn muốn dậy đón trăng Rằm cùng các anh chị. Đêm ấy, tôi thao thức mãi, dường như dư âm của đêm Rằm còn kéo dài mãi. Tôi hỏi mẹ:
- Em Cốm sau này có lớn lên như các anh chị hay cứ bé mãi vậy mẹ?
- Có con ạ, em ấy sẽ thành một cô giáo, một cô y tá, hay một cô kĩ sư vì e ấy học giỏi lại rất nhân hậu. Người nhân hậu là người thường biết sẻ chia và luôn được nhận lại.
- Mẹ ơi, bác Đông làm trống ếch giỏi thật mẹ nhỉ?
- Con à, vì hàng ngày bác ấy ít nói, cứ lặng lẽ thế nên tiếng trống mới có thể vang xa, vang đến tận những vì sao lấp lánh…
Một thời, ngõ nhỏ Hà thành đón Trung thu đơn sơ mà ấm áp như thế.
MAI PHƯƠNG/baophunuthudo.vn
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/trung-thu-cua-mot-thoi-a11388.html