Cẩn trọng khi lựa chọn đăng ký các hình thức học online

Sau khi báo Phụ nữ Thủ đô đăng bài “Nhiều bà mẹ bỉm sữa tố cáo bị chiếm dụng tiền từ khóa học bán hàng trực tuyến” (số báo 37 ra ngày 15/9/2021), đã có thêm nhiều bà mẹ trẻ tiếp tục gửi đơn tố cáo Nguyễn Thị Kim Thùy tới cơ quan công an.

Cẩn trọng đăng ký các hình thức học online

Qua quảng cáo trên facebook, fanpage, thậm chí cả sách… nhiều bà mẹ trẻ ngưỡng mộ cô giáo Kim Thùy nhiều kinh nghiệm bán hàng đi lên từ số vốn ít ỏi, chỉ có 1 triệu đồng nhưng có nhiều khách hàng, giúp nhiều người kiếm tiền vài trăm triệu 1 tháng… Với niềm tin như vậy, nhiều người đã nộp tiền tham gia các khóa học và gặp phải… “bánh vẽ”. Kim Thùy không dạy như cam kết mà còn “bẻ lái” sang các hình thức mua hàng hay các khóa học khác. Nhiều người đã ráo riết đòi lại tiền, một số người được trả lại một phần, còn nhiều người vẫn chưa được trả tiền.

Cẩn trọng khi lựa chọn đăng ký các hình thức ‘học online’-dulichgiaitri.vn
Những lá đơn tố cáo Kim Thùy của nhiều bà mẹ bỉm sữa gửi đến cơ quan công an

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, để đánh giá tranh chấp dân sự hay hành vi có dấu hiệu hình sự của một cá nhân cần phải có các chứng cứ, hồ sơ đầy đủ để cơ quan chức năng xác định là lừa đảo hay là tranh chấp dân sự do vi phạm nghĩa vụ. Trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện nhiều ngành nghề mới lạ được hướng dẫn thông qua các clip ngắn như: Dạy học trực tuyến, dạy ngoại ngữ, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn tập luyện thể dục thể thao… Mặc dù theo quy định tại Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, các cá nhân bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp thì không cần đăng ký hộ kinh doanh, trừ một số trường hợp bắt buộc cụ thể do pháp luật quy định như thiết lập mạng xã hội, kinh doanh trò chơi trên mạng viễn thông, Internet.

Tuy nhiên, các cá nhân không đăng ký kinh doanh (thành lập hộ kinh doanh, doanh nghiệp) thì vẫn phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đầy đủ đối với các hoạt động làm việc có phát sinh lợi nhuận của mình. Như vậy, nếu một cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội, mở các khóa học dạy bán hàng trực tuyến, thu tiền từ vài triệu đến vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng mà phát sinh thu nhập vượt mức giảm trừ thì đều phải đóng thuế thu nhập cá nhân. 

Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết, trường hợp không kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đầy đủ đối với cách hoạt động làm việc có phát sinh lợi nhuận của mình thì có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn hoặc xử lý hình sự về hành vi trốn thuế quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự. Đối với hình thức mở lớp dạy online trên các trang mạng xã hội hiện nay không chịu sự quản lý của nghành giáo dục. Các chương trình dạy học và kiến thức này cũng không có sự kiểm chứng về nội dung, do vậy, luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng mọi người cần phải thận trọng khi lựạ chọn các hình thức học như vậy.

Cũng theo luật sư Nguyễn Hồng Bách, đối với những trường hợp đã thỏa thuận về việc học online, để được pháp luật bảo vệ quyền lợi của mình, các bạn cần lưu ý đến những Hợp đồng hay văn bản thỏa thuận, giấy tờ rõ ràng về việc cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, các cá nhân này có quyền khởi kiện dân sự khi cho rằng một bên đã vi phạm thỏa thuận hợp đồng thì bên đó sẽ phải chịu trách nhiệm về dân sự như: Phạt, bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận, trả lại một phần hoặc toàn bộ học phí cho học viên, hoặc nếu cho rằng hành vi thủ đoạn gian dối là nhằm mục đích chiếm đoạt tiền học phí của học viên thì hoàn toàn có thể tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền để đề nghị xem xét về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản các theo quy định tại  Điều 174, Điều 175 Bộ luật Hình sự. 

“Chúng ta khuyến khích việc dạy học và việc học nhưng các chủ thể phải tuân thủ các quy của pháp luật. Có rất nhiều điều bổ ích thu được từ các khóa học ngắn hạn nhưng cũng có những bất cập đang tồn tại. Do đó, trước khi tham gia khóa học, các bạn cần tìm hiểu kỹ các thông tin về khóa học từ hình thức đến nội dung chương trình dạy, giáo trình đào tạo, kỹ năng kiến thức của người diễn giả, các đánh giá thực tế từ những học viên đã tham gia... Trong đó, quan trọng nhất là cần cảnh giác, tỉnh táo, trau dồi kiến thức pháp luật đầy đủ để đưa ra những quyết định sáng suốt trước các thông tin quảng cáo khóa học tràn lan như hiện nay”- luật sư Nguyễn Hồng Bách nhấn mạnh. 

Về vụ việc kiện Kim Thùy, hiện Công an TP Hà Nội đã làm việc với những người làm đơn tố cáo để điều tra. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng điều tra làm rõ thì hơn bao giờ hết mọi người cần nâng cao cảnh giác để tránh “tiền mất tật mang”.

 

 

 HOÀNG VIỆT/baophunuthudo.vn

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/can-trong-khi-lua-chon-dang-ky-cac-hinh-thuc-hoc-online-a11643.html