Là ca sĩ thành danh với dòng nhạc dân ca và và trước sự ngưỡng mộ của khán giả khi gọi anh “nam hiếm” trong dòng dân gian, Đăng Thuật nói, tôi biết ơn và trân trọng khán giả đã danh xưng cho tôi như vậy. Anh cho hay, khi anh đăng ký thi Sao Mai 2007, thầy giáo NSƯT Lê Gia Hội sư phụ của anh cũng đã hướng anh về dòng nhạc dân ca để đi thi. Khi được đi tiếp vào vòng Miền Trung-Tây Nguyên, lúc đó Đăng Thuật mới tập cùng ban nhạc và chọn khung dân gian để hoàn thiện. “Cũng từ đó tôi đã lựa chọn chính thức lối đi riêng cho mình. Hiện tại tôi vẫn cảm thấy yêu dòng âm nhạc dân tộc mà mình lựa chọn” –Đăng Thuật chia sẻ.
Nói về bài hát, có lẽ tạo dấu ấn mạnh nhất của Đăng Thuật là các bài: Giữa mạc tư khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Nhớ về quê mẹ…và đặc biệt sau này khi Đăng Thuật phát hành album thứ nhất thì là bài Bến Xưa, Bến sông xưa. Tiếp theo album thứ 2 là những bài: Mai em về Hà Tĩnh và Điệu ví giặm là em, đã được đồng nghiệp và giới chuyên môn đánh giá là để lại dấu ấn đậm nét. Đây cũng là những ca khúc Đăng Thuật được khán giả yêu cầu hát nhiều nhất trong mỗi lần đi biểu diễn.
Đăng Thuật chia sẻ, với các nữ ca sĩ, hát dân gian là làm thế nào để thể hiện sự mượt mà, sâu lắng, còn với một ca sĩ nam khi hát dân ca, tôi nghĩ rằng khi bước lên sân khấu người nghệ sĩ phải thăng hoa và hát với cảm xúc từ trái tim. Tôi luôn cố gắng làm sao để chọn bài, tìm nhạc sĩ phối khí để cùng hoà quyện với giọng ca của mình. Với mỗi một ca khúc tôi lại tìm cách xử lý khác nhau để tạo nên nét riêng của chính mình. Với tôi việc đặt cảm xúc, tâm tư, tình cảm vào bài hát là điều rất quan trọng.
Có thể nói rằng, con đường sự nghiệp âm nhạc của Đăng Thuật không may mắn cho lắm bởi nam ca sĩ hát dân gian cũng ít khi được lựa chọn, chưa kể đây là địa phận không có lượng khán giả quá hùng hậu. Tuy nhiên, Đăng Thuật vẫn yêu con đường mình đã, đang lựa chọn. Điều lớn nhất để vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong công việc chính là nhờ sự hậu thuẫn và chia sẻ của gia đình, đặc biệt là của người vợ của anh. Chính nhờ sự ủng hộ của hậu phương mà dù lúc cuộc sống còn khó khăn hay đã ổn định, Đăng Thuật vẫn luôn có thể dành trọn vẹn tình yêu và đam mê cho con đường mình đã chọn.
Với gần 20 năm cống hiến cho âm nhạc dân tộc, Đăng Thuật mới cho ra 2 album thì đúng là con số khiêm tốn. Đây cũng là câu hỏi của rất nhiều anh chị em đồng nghiệp cùng khán giả yêu thích đã hỏi Đăng Thuật. Bản thân Đăng Thuật cũng nhiều lần đưa ra các dự án và chương trình riêng cho mình nhưng rồi cơm áo gạo tiền cùng nhiều tác động khác nên mọi thứ đều lắng lại.
Theo anh, trong dòng nhạc dân ca, ca sỹ nam thực sự luôn không thuận lợi bằng nữ ca sỹ về mọi mặt về làm nghề. Đây là điều có thể ai cũng biết và cảm nhận được. Sân khấu ca nhạc hay chương trình nghệ thuật nào nữ cũng được chọn nhiều hơn so với nam, nên mọi công việc đều luôn khó khăn hơn. Hơn thế, hiện tại các ca sỹ ngày càng nhiều, kể cả những ca sĩ chưa được đào tạo cũng có thể trở thành ca sỹ và đi biểu diễn, nên mọi thứ dường như bị bão hoà.
Dù còn gặp nhiều khó khăn, song hiện tại, Đăng Thuật đang ấp ủ nhiều dự định sắp tới cho mình. Đăng Thuật cho hay, điều đầu tiên tôi sẽ thu âm album thử với một vài dòng nhạc trước để xem bản thân đáp ứng cùng khán giả thế nào rồi tính dự định lớn hơn. Cũng mong khán giả luôn yên mến và đồng hành cùng Đăng Thuật để Đăng Thuật mãi được “đắm đuối” với dòng nhạc dân ca của dân tộc.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ca-si-dang-thuat-dam-duoi-voi-khuc-dan-ca-a135063.html