Sáng 23/10, trong phiên họp kỳ 2, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã báo cáo tóm tắt tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Thông tin tại kỳ họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006, và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009. Sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, một số quy định của Luật Điện ảnh không còn phù hợp hoặc đã bị bãi bỏ hoặc được quy định tại luật chuyên ngành khác như: Quy định “Doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim”; Đối với doanh nghiệp sản xuất phim, ngoài việc phải có các điều kiện thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp còn phải có “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp; Quy định về ưu đãi tín dụng, thuế đối với hoạt động điện ảnh .
Một số hành vi vi phạm về sản xuất, phát hành, phổ biến phim, lưu trữ phim, nhân bản không còn phù hợp với tình hình thực tiễn và đã được điều chỉnh cụ thể bằng các văn bản quy phạm pháp luật khác như: Quy định về “Bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm” đã được điều chỉnh tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009; quy định về“Khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điện ảnh” đã được điều chỉnh tại Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2018; quy định “doanh nghiệp sản xuất phim” và “doanh nghiệp dịch vụ sản xuất phim” không tương thích với các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020...
Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Điện ảnh không thể hiện được đặc thù của điện ảnh nên không khả thi: Quy định cấp phép tổ chức chiếu giới thiệu phim Việt Nam tại nước ngoài; Quy định đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài; Chính sách đặc thù đối với các đội chiếu phim lưu động; Tài trợ phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa chưa được quan tâm, thực hiện tại nhiều địa phương. Luật Điện ảnh chưa quy định về mô hình và lĩnh vực hoạt động cùng nguồn thuổn định lâu dài để Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả...
Trong khi đó, thực tế cho thấy có một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật Điện ảnh: Công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; Quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; Quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim.
Vấn đề về cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam; Quy định cụ thể về phân cấp quản lý hoạt động điện ảnh; Hoạt động xúc tiến, quảng bá phim thông qua việc tổ chức các liên hoan phim, chương trình phim, tuần phim, giải thưởng điện ảnh Việt Nam và quốc tế trong và ngoài nước và chính sách tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh.
Công nghiệp điện ảnh hiện nay đã chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ kỹ thuật số. Việc phát hành, phổ biến phim trên mạng lưới băng thông rộng, thông qua các ứng dụng trên nền tảng kỹ thuật số đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên khắp thế giới. Tuy nhiên, Luật Điện ảnh hiện hành chưa cập nhật sự phát triển điện ảnh về mặt kỹ thuật, công nghệ.
THẢO HƯƠNG
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nhieu-quy-dinh-cua-luat-dien-anh-khong-con-phu-hop-khong-the-hien-duoc-dac-thu-cua-dien-anh-a14572.html