Nó diễn ra, ta chứng kiến và ghi nhận, nhưng khi ta định đi tìm lời giải cho nó thì luôn bị khựng lại và chịu bất lực ở một điểm nào đó. Chúng ta đành gọi nó là những “bí mật của lịch sử”. Ví như, cho đến tận bây giờ, cả thế giới khoa học cũng chẳng ai lý giải được tại sao ngày xưa, với trình độ khoa học công nghệ còn vô cùng hạn chế thô sơ, mà người Ai Cập xây được Kim tự tháp, người Kh’mer dựng được Angkor kỳ vĩ đến như thế. Hay những công trình ấy là do người ngoài hành tinh kiến thiết chăng?
Thu hẹp lại, trong đời sống văn học nghệ thuật, đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam, đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam ngay thời điểm hiện tại, cũng có không ít “bí mật của lịch sử”. Tôi chỉ xin lấy một ví dụ: bộ phim điện ảnh “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn.
Đây là một bộ phim do nhà nước đặt hàng, kể chuyện Hà Nội những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đại khái trùng/ cùng đề tài với phim “Hà Nội mùa đông năm 1946” mà đạo diễn Đặng Nhật Minh làm từ mấy chục năm trước. Phim nhà nước đặt hàng thì thường là phim về chiến tranh cách mạng, lịch sử, hoặc văn hóa truyền thống dân tộc. Hay dở thế nào chưa biết, nhưng phim nhà nước đặt hàng vốn không được định hướng vào việc bán vé như phim thương mại do tư nhân sản xuất, mà nói chung người ta cũng chẳng hy vọng nó sẽ bán được vé khi công chiếu ngoài rạp.
Phim “Đào, phở và piano” thoạt tiên cũng thế. Nó được hoàn thiện từ cuối năm 2023, nhưng sau một buổi chiếu giới thiệu với báo chí thì “ngâm tôm” để đấy, phải đến thượng tuần tháng 2 năm 2024, đúng dịp Tết nguyên đán, mới được lệnh công chiếu. Và vì là phim nhà nước nên chỉ chiếu ở rạp của nhà nước, tức Trung tâm chiếu phim Quốc gia, đường Láng Hạ, Hà Nội, ngày ba suất. Thế rồi loay hoay thế nào, từ một cái review của ai đó trên mạng xã hội, một cơn sốt mang tên “Đào, phở và piano” chợt bùng lên dữ dội, Trung tâm chiếu phim Quốc gia phải tăng lên đến 20 suất chiếu mỗi ngày mà vẫn không đủ vé bán ra, rất nhiều khán giả đã phải xếp hàng, “lót gạch” đặt mua vé từ hôm trước để hôm sau được vào xem.
Phải lý giải như thế nào về hiện tượng này? Nói rằng do phim hay, gây được xúc động sâu sắc với quảng đại công chúng khán giả, thì đấy là cách giải thích dễ dàng nhất nhưng cũng dễ sai nhất. Chỉ có người xem phim rồi thì mới nói được rằng bộ phim hay hay dở, gây được xúc động hay khiến khán giảphải chán phè ra mà thôi. Còn đối với đám đông khán giả đang ào ào mua vé làm thành cơn sốt ngoài kia, thì tuyệt đại đa số là chưa xem phim, chưa xem thì biết gì để bình luận, đánh giá về nó, mà bảo vì nó hay nên người ta đổ xô đến rạp mua vé xem phim?
Ấy là chưa kể, với những người đã xem và đủ bình tĩnh để cân đo đong đếm, thì thật ra “Đào, phở và piano” không hay hơn những phim hay nhất mà điện ảnh phim truyện Việt Nam từng sản xuất. Tôi có thể kể ra cả loạt: “Mùa ổi”, “Cô gái trên sông”, “Đừng đốt”, “Hà Nội mùa đông năm 1946” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, “Ai xuôi vạn lý”, “Chiếc chìa khóa vàng” của đạo diễn Lê Hoàng, “Mùa len trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh,“Những người thợ xẻ” của đạo diễn Vương Đức, “Đời cát” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, “Sống trong sợ hãi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, “Mùi cỏ cháy” của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười v.v...
Với cá nhân tôi, nếu ta nói đến cái gọi là “ngôn ngữ điện ảnh”, thì “Đào, phở và piano” còn thua xa “Mùa len trâu”, đấy mới thực sự là kiệt tác của điện ảnh phim truyện Việt Nam. (Đại tá, nhà thơ Mai Nam Thắng của báo Quân đội nhân dân cũng đồng ý với tôi về phim “Mùa len trâu”, nhưng lại phản đối phim “Mùi cỏ cháy”, do “Hoàng tử Bùn”, tức cố nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm viết kịch bản. Ông Mai Nam Thắng bảo cinema mà cứ như diễn kịch, hay gì mà hay).
Thế nhưng những bộ phim kể trên lại chưa bao giờ tạo nên cơn sốt phòng vé được như phim “Đào, phở và piano”. Đa phần cùng là phim do nhà nước đầu tư nên thường rất yếu ở khâu quảng bá, phát hành (gần như trong kinh phí sản xuất phim không có phần/ khoản giành cho hoạt động này, điều trái ngược hoàn toàn với các phim do tư nhân sản xuất: họ đổ rất nhiều tiền để làm truyền thông mạnh mẽ ngay từ lúc bộ phim còn chưa bấm máy).
Nhắc lại, ở mảng phim này dường như người ta không quan tâm đến chuyện phim phải bán được vé, mà chỉ quan tâm đến ý nghĩa kỷ niệm, “nhân dịp”, của tác phẩm mà thôi (cụm từ “phim cúng cụ” có lẽ cũng từ đó mà ra đời). Tất nhiên là khi phim công chiếu thì thế nào cũng có dư luận trên báo chí, thường là khen, và có khi là khen lên mây luôn. Nhưng dù vậy, dù có khen đến mức khiến cho quảng đại công chúng khán giả sướng tai đến mấy thì cũng chưa phim nào tạo ra hiệu ứng được như phim “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn.
Lạ thế? Nên tôi mới gọi trường hợp này là một “bí mật” của/ trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ve-mot-bi-mat-cua-van-hoc-nghe-thuat-hien-nay-a151848.html