Khép lại năm 2021 với "ánh sáng ở cuối đường hầm" cho ngành du lịch Việt Nam. Nhìn theo hướng tích cực, hai năm đại dịch là khoảng thời gian chúng ta định vị lại vị trí của mình trên bản đồ thế giới. Năm 2022 sẽ là năm kỳ vọng ngành du lịch “lột xác” từ chiếc kén, trở lại vị trí hàng đầu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Trước những triển vọng đó, Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Nguyễn Trùng Khánh để nghe ông chia sẻ về bức tranh ngành du lịch sau đại dịch.
Kỳ vọng vào những cơ hội ngành du lịch
Người đưa tin (NĐT): Ông đánh giá năm 2021 du lịch Việt Nam có điểm sáng gì ?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Năm vừa qua du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải trải qua những khó khăn chưa từng có tiền lệ.
Trong bối cảnh đó, toàn ngành du lịch tập trung cùng cả nước ứng phó với đại dịch Covid-19 đồng thời chủ động thích ứng linh hoạt, an toàn với tình hình mới.
Mặc dù trong hoàn cảnh dịch bệnh ngành du lịch đã nỗ lực vượt qua các khó khăn, tập trung triển khai nhiều giải pháp để đạt được các kết quả tích cực cụ thể.
Có thể thấy, chúng ta đã triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả đối với doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch để tài khởi động kinh doanh du lịch.
Đặc biệt dù du lịch đóng băng nhưng vẫn tổ chức phát động và triển khai các chương trình kích cầu, phục hồi du lịch nội địa.
Khi dịch bệnh ổn định đã nhanh chóng triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình tiến tới mở của hoàn toàn.
NĐT: Cơ hội thị trường nội địa và quốc tế trong năm 2022 là gì thưa ông ?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Thực tế cho thấy du lịch thế giới đang phục hồi, chủ yếu là do du lịch nội địa tăng trưởng do nhu cầu bị dồn nén lớn và sở thích đi các chuyến đi ngắn hơn và các điểm đến gần nhà hơn, thường là ở các vùng nông thôn và ven biển trong khu các hạn chế vẫn còn áp dụng đối với du lịch quốc tế.
Năm 2022, hoạt động du lịch được dự báo tiếp tục gặp khó khăn vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, du lịch nội địa sẽ là hướng khai thác chủ đạo của Việt Nam trong năm tới.
Toàn ngành ưu tiên đảm bảo an toàn cho du khách và người dân, song song với triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi du lịch nội địa và quốc tế.
Về kế hoạch đón khách quốc tế, Bộ VH-TT&DL đã đề xuất với Chính phủ cho phép áp dụng chính sách miễn thị thực 15 ngày với các thị trường mục tiêu của Việt Nam.
Chương trình thí điểm dự kiến được mở rộng hơn, bổ sung đón khách qua đường bộ, đường biển và thêm 2 địa phương là Bình Định, Tp.HCM tham gia đón khách.
Ngoài ra, chỉ khi cân bằng hoạt động du lịch inbound và outbound thì hoạt động du lịch quốc tế mới được khôi phục hoàn toàn. Việt Nam cần có biện pháp để thích nghi, tạo thuận lợi hơn cho khách quốc tế đến.
NĐT:Năm 2022, ông có kỳ vọng gì cho sự phát triển của ngành?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Năm 2022 hứa hẹn tình hình du lịch Việt Nam sẽ có những bước khởi sắc hơn hai năm qua với bức tranh ngành du lịch.
Với chủ trương nối lại các đường bay thường lệ trong nước và quốc tế trong năm 2022 sẽ tạo ra nhiều cơ hội để thu hút khách du lịch quốc tế, mở rộng đối tượng khách theo chương trình du lịch thí điểm.
Đồng thời hứa hẹn khởi động thị trường du lịch nội địa sôi động hơn nhất là vào dịp nghỉ tết Nhâm dần, nghỉ lễ, nghỉ hè.
Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ ngành, các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch trở lại.
Trước sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ngành du lịch, trước những dự báo về tình hình chung của thế giới và Việt Nam, ngành du lịch đặt mục tiêu năm 2022 phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch.
Trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa đạt khoảng 60 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng.
Hướng đi mới của năm Nhâm Dần
NĐT: Việt Nam có những điểm mạnh và hạn chế gì khi bắt nhịp với xu thế du lịch nhóm nhỏ gắn liền với trải nghiệm thiên nhiên, an toàn, bảo vệ sức khỏe ?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Việt Nam luôn đước đánh giá có điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch phong phú cho việc khai thác và phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng từ nghỉ dưỡng biển, đảo, núi, đồng bằng, ven sông.
Ngoài ra, có rất nhiều các loại hình cung cấp đa dạng các giá trị trải nghiệm cho du khách dựa trên khai thác các yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, để phát huy được những ưu điểm trên thì tư duy đổi mới trong khai thác sản phẩm du lịch cần được thay đổi.
Cần có tính chất đại trà sang hướng đi vào chi tiết, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng tính khác biệt, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách mang tính cá nhân và theo nhóm nhỏ.
Năng lực và trình độ của nguồn nhân lực du lịch cũng là một thách thức trong việc thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của các điều kiện đón khách cũng như phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường.
NĐT: Ông đã từng đánh giá các sản phẩm du lịch cần gắn liền với văn hóa, hiện nay chúng ta mới chọn hướng đi này có muộn so với thế giới ?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa không phải là một định hướng mới của Việt Nam mà đây là quan điểm xuyên suốt của Chính phủ, Bộ VH-TT&DL.
Du lịch không tách rời mà gắn chặt với văn hóa đất nước, con người, dân tộc Việt Nam. Cần nhận thức đầy đủ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang nội dung văn hóa và nhân văn sâu sắc.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong số 18.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.
Nhiều năm qua, dưới sự nỗ lực của toàn ngành, chúng ta có thể đánh giá rằng sản phẩm du lịch văn hóa của Việt Nam đã từng bước có những vị trí vững chắc trên danh mục các điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới và khu vực.
NĐT: Ông có đánh giá thế nào về việc phát triển du lịch theo cụm và vùng du lịch các địa phương?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về cụm du lịch, vùng du lịch. Luật Du lịch năm 2017 và Luật Quy hoạch 2017 cũng không quy định lập quy hoạch du lịch cấp Vùng.
Tuy nhiên, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch, trong đó có nhiệm vụ “Đầu tư hình thành một số cụm du lịch chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế”.
Việc phát triển du lịch theo cụm du lịch, vùng du lịch là quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm khai thác hiệu quả các ưu thế về tài nguyên, hạ tầng…của các không gian du lịch khác nhau để phát triển du lịch phát triển du lịch theo cụm du lịch, vùng du lịch
Đồng thời, tập trung vào những cụm du lịch có tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển du lịch của cả vùng rộng lớn và khu vực phụ cận.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy phát triển du lịch theo cụm, vùng, khu vực động lực du lịch cũng sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức nhất định.
Đặc biệt là những khó khăn, thách thức về cơ chế, chính sách, các quy định và hướng dẫn cụ thể cũng như cơ chế quản lý đặc thù đối với những cụm, vùng, khu vực động lực du lịch trải rộng trong không gian địa lý thuộc nhiều địa phương khác nhau.
Các vấn đề về liên kết, hợp tác, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển thị trường, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, vấn đề đảm bảo an ninh quốc phòng trong phát triển du lịch tại các cụm, vùng, khu vực động lực du lịch cũng là những khó khăn, thách thức lớn đặt ra.
NĐT: Trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ.
Nguyễn Hoa Trà
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/giai-bai-toan-65-trieu-luot-khach-du-lich-nam-2022-a15487.html