Có một người bạn vẫn thường nói với tôi: Ước gì mỗi ngày là 48 giờ.
Điều ước đó là một viển vông. Bởi thời gian, dù là một ngày hay năm mươi năm, thì nó vẫn chừng đó thời gian, ta không thể ước khác đi được.
Chúng ta nhận thức chân lý như thế nào? Như thế nào là chân lý? Bản chất của chân lý là chủ quan (ý niệm chủ quan tuyệt đối của con người, mỗi người). Hay bản chất của chân lý là khách quan (điều hoàn toàn nằm ngoài sự thức nhận riêng của con người, mỗi người). Một người, như thế nào là hiểu biết chân lý?
Chân lý là cái luôn luôn đúng. Ví dụ như thời gian, một ngày là hai mươi bốn giờ, và một ngày không phải là năm mươi năm.
Con người sống trên thế gian này chứa đầy mâu thuẫn, chúng ta muốn mọi thứ theo ý muốn của chúng ta, nhưng chúng ta lại không tường tận được về sự hữu hạn của bản thân. Phật bảo: Vô minh. Nhận loại vô minh, nên nhân loại đau khổ. Điều đó hoàn toàn đúng, khi chúng ta hiện hữu mỗi ngày chỉ hai mươi bốn giờ, nhưng lại luôn ao ước thời gian dài hơn hai mươi bốn giờ. Sự mâu thuẫn này, đã đẩy con người vào rất nhiều bi kịch.
Bản chất của sự vật luôn luôn vận động và biến đổi, kể cả thời gian. Như một câu nói nổi tiếng của triết gia lừng danh thời đại Hy Lạp tiền Socrates, nhà hiền triết Heraclitus (khoảng 535 TCN – 475 TCN): Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Ý hiểu là mọi sự mọi việc luôn biến đổi không ngừng. Thời gian cũng không ngoại lệ.
Thời gian biến đổi nằm ở tính thời đại của thời gian. Tuy là một ngày như nhau ở mọi thời đại, nhưng thời gian một ngày của hai ngàn năm trước không giống với thời gian một ngày của hôm nay. Cái sự không giống nhau đó, nằm ở tính thời đại (thực ra, thời đại chính là thời gian). Hai ngàn năm trước, thời đại của chúng ta là thời đại của nông nghiệp lạc hậu, của đời sống con người đa phần thất học (đa phần là nô lệ hoặc nông dân nghèo). Mọi lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, chính trị, khoa học công nghệ, nghệ thuật, tất cả đều không giống một tí ti gì với bây giờ. Vậy nên, thời gian một ngày của hai ngàn năm trước, không giống với thời gian một ngày của hiện tại.
Và đương nhiên, thời gian một ngày của năm mươi năm sau, khác xa với một ngày của ngày hôm nay.
Sống một ngày chưa xong, sao dám nghĩ đến năm mươi năm? Nhưng kỳ thực, một ngày hay năm mươi năm, tuy khác nhau về số lượng, nhưng thời gian vẫn là thời gian. Dù ta sống một ngày hay sống năm mươi năm, thì sống vẫn là sống (vẫn là niềm vui, nỗi buồn, sân hận và yêu thương, mọi thứ).
Điểm khác nhau, là chúng ta chỉ có thể biết rõ một ngày hiện hữu của bản thân (ít ra thì 99% là biết rõ), và chúng ta không thể biết rõ năm mươi năm hiện hữu của bản thân (99% là không biết như nào). Nhưng có những điều bạn có thể biết rõ trong năm mươi năm: Đó là sau năm mươi năm nữa, mọi thứ hiện hữu (trong đó có bản thân ta) không giống một tí nào với hiện tại (hôm nay) nữa. Vì sao lại có sự khác biệt đó? Bởi sự biến đổi khách quan của sự vật (sự việc), mà bản thân ta là một phần của lịch trình biến đổi đó. Năm mươi năm sau, mọi thứ khác bây giờ rất xa.
Vậy, liệu chúng ta có dự đoán được sự biến đổi đó hay không? Để chúng ta có sự dự phòng về một sự hiện hữu (có thực, trong tương lai) của bản thân? Đương nhiên, có những thứ chúng ta không dự đoán được (như sự sống và cái chết, như sự thay đổi khoa học công nghệ và lối sống của con người, vâng vâng), và có những thứ chúng ta dự đoán được (nếu như còn sống thì năm mươi năm sau ta đã già yếu, sức khỏe không như tuổi mười bảy nữa, tóc đã rụng sạch sanh, răng rụng hết, nhiều thứ). Những thứ không dự đoán được, thì ta không thể bàn đến. Những thứ ta có thể dự đoán được, ít nhiều ta nên nghĩ suy về nó. Chúng ta chỉ/nên nghĩ về những điều có thể!...
Ta nên sử dụng mỗi ngày như thế nào? Trong suốt năm mươi năm. Làm sao để ta có cái nhìn “toàn cảnh” về bản thân? Làm thế nào để ta sống hạnh phúc mỗi ngày, và sự hạnh phúc đó diễn ra trong suốt 18.260 ngày? Liệu ta có thể sống hạnh phúc trọn vẹn một ngày? Liệu ta có thể sống hạnh phúc trọn vẹn năm mươi năm? Ta làm việc đó trong ngày hôm nay, nhưng liệu ta có tiếp tục làm việc đó vào ngày mai, và suốt năm mươi năm? Ta có quan hệ tốt với người này, vào hôm nay, nhưng liệu ta có quan hệ tốt với người đó suốt năm mươi năm? Ta đối xử tốt với bản thân, vào ngày hôm nay, nhưng liệu ta có đối xử tốt với bản thân, trong suốt năm mươi năm? Chắc chắn, rất nhiều câu hỏi, ta chỉ có thể trả lời trong một ngày, nhưng không thể trả lời trong cả quá trình xuyên suốt năm mươi năm. Vậy, liệu có câu trả lời nào chắc chắn: không thay đổi trong suốt năm mươi năm?...
Con người bị/được ném vào một hoàn cảnh sinh tồn cụ thể, và con người chịu sự chi phối của mọi sự liên đới liên quan đến hoàn cảnh hiện hữu đó. Đó là nội dung tư tưởng của triết gia Martin Heidegger (1889 – 1976) - (một trong những nhà tư tưởng vĩ đại của thế kỷ XX). Hiểu theo cách hiểu hiện đại/tại là: Không ai chọn được nơi mình sinh ra.
Nhưng theo một diễn giả nổi tiếng đương đại, Stephen Covey (1932 – 2012), tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Bảy thói quen của những người thành đạt”, đại ý rằng: Tác nhân kích thích chỉ là nhân tố khách quan bên ngoài, còn chọn lựa hành động như thế nào là do bản thân mỗi người. Mỗi người trong chúng ta, ai cũng có một quyền năng lớn lao, là sự tự do chọn lựa. Không ai hay thế lực nào có thể tước đi quyền tự do chọn lựa đó. Và mỗi người, chấp nhận hệ quả cho sự chọn lựa của mình.
Điều Heraclitus nói: Mọi thứ điều biến đổi; điều Martin Heidegger nói: Mỗi người đều bị “mắc kẹt” trong hoàn cảnh hiện hữu của chính mình. Stephen Covey nói: Mỗi người đều có quyền tự do chọn lựa.
Vậy, một ngày hay năm mươi năm, điều gì biến đổi (hoặc không), một phần rất lớn, nằm ở sự tự do chọn lựa của mỗi người, căn cứ vào hoàn cảnh hiện hữu cụ thể của mỗi người. Một người, có quyền chọn lựa một hành động, lặp đi lặp lại mỗi ngày, trong suốt năm mươi năm. Hoặc có quyền chọn lựa khác đi. Và chọn lựa như thế nào là nằm ở sự tự do của mỗi người. Điều căn bản, là phải chấp nhận hệ quả do chọn lựa đó mang lại.
Làm thế nào để sử dụng một ngày hiệu quả nhất? Làm thế nào để sử dụng năm mươi năm hiệu quả nhất? Nó nằm ở sự thức ngộ nơi bản thân mỗi người. Mỗi người tự tìm ra câu trả lời cho chính mình vậy. Điều quan trọng, là mỗi người nên biết điều gì nên thay đổi liên tục, và điều gì nên kiên trì suốt năm mươi năm. Sự khôn ngoan hay trí tuệ, nằm ở sự phân định ấy…
Và hiển nhiên, bạn không cần phải ước: Mỗi ngày là 48 giờ. Mà hãy ước: Biết cách để sử dụng thời gian (24 giờ) mỗi ngày, sao cho hiệu quả nhất. Cách sử dụng thời gian của bạn, quan trọng hơn là thời gian dài hay ngắn! Nếu bạn sử dụng hiệu quả, thì một ngày rất có giá trị. Nếu bạn không sử dụng hiệu quả, thì năm mươi năm cũng vô ích mà thôi!...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/mot-ngay-hay-nam-muoi-nam-a158430.html