Ngày tôi mới ra Hà Nội, trong tâm trí tôi luôn bị ảnh hưởng bởi một thành kiến mang tính cố hữu của một vài bộ phần người thân quen mà tôi có kết nối, về việc ở ngoài Bắc khó sống hơn trong quê. Mặc dù từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ có ý niệm về sự phân biệt vùng miền, hay là nói ở nơi nào đó chỉ toàn người xấu (hoặc ngược lại, chỉ toàn người tốt).
Điều tôi luôn quan niệm, là dù ở đâu thì cũng có người nọ người kia. Tốt hay xấu, là do mình có tử tế với người ta hay không. Nếu mình sống tử tế, thì ắt người khác sẽ tử tế lại với mình. Nhưng đến một ngày, một vài trải nghiệm của tôi trong hiện thực, làm cho những “khuyến cáo” của những người bạn, người thân ở quê, trở nên rõ ràng, và tôi cảm thấy họ nói đúng! Đó là thời điểm thành kiến vùng miền bắt đầu le lói lên trong tôi.
Tôi ước gì mình không phải trải qua một vài sự cố như thế, thì lòng tin vào cuộc sống nơi đất khách quê người thêm trọn vẹn hơn. Nhưng có lẽ, nhờ những sự vụ như vậy, tôi thấy mình cần thận trọng hơn.
Trải nghiệm đầu tiên là việc ép dẻo. Tôi xuất thân là dân lao động nghèo, hơn ba mươi năm cuộc đời, trải nghiệm của tôi là trải nghiệm của cuộc sống một người nghèo, lo mưu sinh từng cái ăn.
Nếu không lao động, thì chắc chắn rằng tôi chết đói. Bởi những người sinh ra trong những gia đình nghèo, như tôi, đều biết, rằng bản thân mình chẳng có gì, ngoài một thân thể lành lặn.
Với người nghèo, sự lành lặn và khỏe mạnh, đã là may mắn lắm. Có như vậy thì họ mới có đủ sức lực để tham gia lao động, kiếm sống.
Vì những trải nghiệm như thế, nên tôi rất có sự thương cảm với những mảnh đời khó khăn, những người cùng cảnh ngộ. Thường vậy, ở đời, những người đồng hoàn cảnh phát triển, rất dễ cảm thông và san sẻ cho nhau.
Việc đầu tiên của tôi, khi đặt chân ra Hà Nội, là đi phụ quán ăn cho một quán cơm chay, ở gần Hồ Tây. Sau đó, vì quen biết một người chú bên công ty chuyển phát (chú làm giám đốc bên công ty chuyển phát mới thành lập), nên tôi qua đó làm. Nhưng rồi vì công việc, cũng như việc tôi sắp vào học đại học, nên không tiếp tục làm bên công ty chuyển phát nữa. Đó là thời điểm tôi chuyển qua làm Grab.
Từ ngày đi làm Grab, tôi được gặp rất nhiều những người đồng cảnh ngộ. Anh em chia sẻ với nhau. Chúng tôi thường tụ tập thành từng nhóm, khi đang chờ cuốc xe, để trò chuyện bao điều.
Một lần, khi các bạn đồng nghiệp đã đi hết, vì họ đã có khách mới, còn lại mình tôi. Trong khi chờ cuốc xe mới, tôi thấy anh chàng mở máy ép dẻo. Lần đầu tiên tôi mới biết đến loại hình ép dẻo này. Nghe lời anh, tôi đồng ý ép cả giấy phép lái xe, giấy tờ xe, và chứng minh thư. Nhìn anh làm, nghe anh tâm sự về nghề, niềm đồng cảm trong tôi dâng lên.
Xong công việc, anh lấy của tôi hết 180.000 đồng. Ảnh bảo, đúng ra là 210.000 đồng, nhưng anh giảm 10.000 đồng một cái. Tôi cảm ơn anh. Và chúc anh làm ăn tốt. Vừa xong thì tôi cũng có khách, và rời đi.
Khi đến địa điểm trả khách và chờ khách mới, cũng như mọi lần, anh em grab lại tụ nhóm. Tôi kể chuyện vừa ép dẻo hết 180.000 đồng cho ba loại giấy tờ. Và kết quả bất ngờ, tôi bị lừa 150.000 đồng. Giá ép dẻo cho mỗi cái (vào thời điểm đó) tầm 10.000 đồng thôi.
Con người khốn nạn đến thế là cùng, cùng dân lao động vất vả với nhau, mà sao lừa nhau như vậy. Quả thật, lúc đó, thế giới “đầy tình thương” trong tôi sụp đổ.
Sự cố đó, làm cho tôi mất niềm tin vào sự thiện lương của con người. Một người lao động bình dân như mình, mà bất nhân thế, thì thử hỏi, bao nhiêu người ở những vị trí công việc cao hơn, mà bất nhân, thì hệ quả họ gây ra cho xã hội lớn đến chừng nào!
Một lần khác, tôi đang chạy xe trên đường Cầu Nhật Tân, thì bị tai nạn giao thông. Tôi đi sát lề đường, mà vẫn bị xe taxi đâm vào. Vụ đấy, tôi bị té rất nặng, may mắn không bị văng ra ngoài lối chạy của ô tô, không thì có khi tôi đã chết. Vì tốc độ ô tô chạy trên Cầu Nhật Tân là khá cao. Sau cú va đập mạnh, đầu tôi nhức như búa bổ.
Nhưng đó chỉ là sự choáng váng ban đầu. Sau tôi cũng lấy lại bình tĩnh. Người tài xế gây tai nạn cho tôi, bảo tôi không báo công an. Hắn đang say. Đi xe vào hành lang của đường xe máy. Lại gây tai nạn. Nếu công an can thiệp thì có khi hắn bị tước bằng lái.
Cả hai thống nhất nhau là tự giải quyết. Tôi định không đồng ý, nhưng anh em đi đường động viên tôi không nên báo công an. Tôi tin vào lòng tốt của con người.
Sau vụ tai nạn, người tài xế hứa sẽ bồi thường cho tôi. Đúng thời điểm tôi đang eo hẹp tài chính, nhà nghèo, mẹ già. Vậy nhưng, sự vụ đó tôi chi hết bảy triệu, và người tài xế thì lặng im. Bay hơi. Nỗi cay đắng thứ hai, tôi chứng kiến nơi đất Bắc. Những lời mang tính định kiến vùng miền lại dấy lên trong tôi.
Tôi, một người miền Trung thật thà, không hiểu rõ lối ứng xử quá gian xảo của những người tôi gặp, trong tình huống tôi gặp. Và trong một khoảng thời gian, tôi gần như tuyệt vọng. Tôi nghĩ, rằng ai cũng là người xấu!...
Còn bạn thì sao? Bạn có nghĩ, rằng cảm xúc mà tôi có vào thời điểm đó, là sai?
Dù đến bây giờ, sau khi lấy lại niềm tin yêu cuộc sống, bằng sự tử tế và ân cần của những người khác, không phải là hai người gây nên nỗi cay đắng cho tôi, tôi lại trở về với quan điểm như xưa kia: Cuộc sống đa phần là người tốt, ta sống được là nhờ vào sự tử tế của số đông, không phải sự tồi tệ của số ít. Dù là con người ở bất cứ nơi đâu!...
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nhin-ai-cung-ra-nguoi-xau-a161432.html