Chuyện bảo tồn văn hóa và du lịch

Thay vì nhà nước bỏ tiền ra để “giữ gìn, phát huy bản sắc” thì doanh nghiệp làm và người dân được thể hiện chính mình.

Mục này mấy tháng trước tôi có viết về việc bảo tồn cồng chiêng và chuyện nhóm “cồng chiêng cuối tuần” phục dựng nó bằng cách rước các nghệ nhân lên phố, kiếm cho họ một khu đất “giống như làng” tức có cỏ có cây có không gian, rồi giao cho họ, họ chơi chiêng như họ vẫn chơi hàng ngày, không dàn dựng, không chỉ huy, không đạo diễn... Và tất nhiên là, có tiền bồi dưỡng và các chi phí cho hoạt động như tiền tàu xe, ăn ở, ban đầu là do nhóm đi vận động, sau thì ngân sách cấp.

Nói thì nói thế, là cồng chiêng nguyên bản dân gian, nhưng thực ra nó vẫn bị độn rất nhiều văn nghệ quần chúng, tức là cái món có tác giả có chỉ huy có dàn dựng, dẫu cũng toàn nghiệp dư. Và vì nghiệp dư nên nhiều khi nó ngô nghê, kiểu như tiết mục này mừng chiến thắng, tiết mục kia mừng thắng lợi đông xuân, mừng bầu cử vân vân...

Nhưng có còn hơn không, nên may thế, sau một thời gian đứt kinh phí thì nhà nước đã đầu tư trở lại, cấp tiền cho nhóm làm, cho bà con chơi. Thế tức là, về mặt nào đó nó đã khác văn hóa dân gian rồi, là tính không vụ lợi.

Nhưng giờ, có ai làm mà không vụ lợi, không cần sự “chia sẻ” trở lại, nhất là khi du lịch ngó vào.

Khi chương trình “Cồng chiêng cuối tuần” đứt kinh phí, nghỉ mấy tuần chi đó, một số công ty du lịch mới thú thật: trong lịch giới thiệu để bán tour, có mục xem/ thăm/ ngó/ tham gia... “cồng chiêng cuối tuần”.
Tôi lại cũng vừa có chuyến đi dọc sông Mê Kông, có ngắm, thăm chợ nổi. Con gái tôi cũng đang ở Cần Thơ, sát chợ nổi Cái Răng.

Đa chiều - Chuyện bảo tồn văn hóa và du lịch

Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Vinpearl

Thì thấy chợ nổi miền Tây cũng đang có nhiều vấn đề cần bàn.

Nó sinh ra từ đời sống, tất nhiên rồi, nên đời sống sẽ quyết định số phận của nó.

Và số phận của nó, như tên một cuộc tọa đàm mà tôi được dự: “để chợ nổi không chìm”.

Tức là nó đang có nguy cơ chìm, và đang chìm, bởi đời sống không cần nó nữa.

Đời sống bây giờ là chợ trên bờ. Ngay phía trên chợ nổi Cái Răng là cái chợ Cái Răng trên cạn bề thế, tấp nập. Rồi còn siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, rồi chợ online, rồi ship tận nhà vân vân. Đầu mối cũng thế, những cái kho bề thế, xe chuyên dụng đường dài với cao tốc, với đường nhựa phẳng lỳ tới từng thôn xóm...

Nhưng du lịch cũng là đời sống.

Và du lịch cần chợ nổi.

Tôi nghe ý kiến ấy từ ông Phan Xuân Anh, giám đốc tới mấy công ty du lịch: Tân Hồng, Thuyền Nhiêu Lộc và Cái Bè Riverside.

Và với tư cách công ty du lịch ông làm ra cái chợ nổi, phục vụ khách du lịch của công ty ông.

Thì lúc này cái chợ nổi ấy nó là một sản phẩm du lịch. Nhưng tôi cho đấy là một cách làm hay.

Thay vì nhà nước bỏ tiền ra để “giữ gìn, phát huy bản sắc” thì doanh nghiệp làm và người dân được thể hiện chính mình. Tất nhiên như thế nó đòi hỏi doanh nghiệp phải thật giỏi, thật hiểu biết và thật có tâm, ít nhất là để không ăn xổi ở thì, không chụp giật, không làm biến dạng, méo mó, không làm hư hỏng những đứa trẻ ở đấy bằng cách xin tiền khách hay làm bất cứ điều gì cho khách cũng xòe tay trước. Và cũng tất nhiên, nhà nước cũng phải phát huy vai trò quản lý thật công tâm và cũng phải hết sức hiểu biết.

Nhớ cái khu du lịch “Một thoáng Việt Nam” của chị Trần Tuyết Nga, một người hết sức am hiểu và đau đáu, đam mê văn hóa Việt. Chị phục dựng trong khu du lịch của chị những làng, những khu vực Việt, Việt từ ngọn cỏ, từ viên gạch, viên đá, tới cái cầu ao, cái đĩa đèn. Với Tây Nguyên, chị cho dựng những ngôi nhà rông, nhà sàn nguyên bản của các dân tộc, tỉ lệ 1/1, rồi mời các nghệ nhân về sống ở đấy, trả lương cao, ăn ngày bốn bữa và làm đúng công việc mình làm hàng ngày. Tất nhiên đây là các nghệ nhân ưu tú, có thể làm được nhiều việc, như nhạc cụ hoặc các vật dụng sinh hoạt hàng ngày, và ngày hai lần vào thời gian cố định thì chơi nhạc cụ Tây Nguyên phục vụ khách.

Tôi cho đấy là cách bảo tồn hiệu quả nhất hiện nay.

Chứ nếu cứ hô hào bảo tồn phát huy chung chung sẽ chả ai biết bảo tồn cái gì, bản sắc như thế nào? Và đặc biệt, ăn gì để bảo tồn để phát huy, bởi họ cũng cần phải sống, phải hưởng thụ như mọi công dân khác. Chả lẽ lại cứ bắt họ không được chơi/ nghe các nhạc cụ hiện đại, không được xài máy lạnh tủ lạnh, lại cứ phải đốt nhựa xà nu lấy ánh sáng, lại cứ chân đất đi bộ chứ không được giày dép, xe máy, ô tô, cứ đóng khố cởi trần chứ không được quần áo bình thường hoặc đồ hiệu vân vân...

Ông Phan Xuân Anh lập chợ nổi và mời bà con vào bán, tức kết nối trực tiếp với người dân, có thể coi mỗi người dân là... nhân viên của công ty. Thậm chí còn đầu tư cho họ, khi thời gian đầu họ đã bán hết thuyền vì chợ nổi bị... chìm. Ông đi tìm mua lại rồi trang bị cho bà con, có những giao ước rất rõ ràng để bà con sống được bằng “nghề”, vầng, bây giờ thì nó thành nghề của bà con rồi.

Tất nhiên nguyên tắc cao nhất vẫn là, giữ nguyên tinh thần chợ nổi. Và cũng tất nhiên là có biến tấu, ví dụ các thuyền xưa chỉ dùng buôn bán, chất hàng, giờ lắp bàn ghế cho khách ngồi ăn uống và ngắm chợ.
Thì như thế, du lịch đã tham gia vào văn hóa và phục dựng văn hóa, nhưng là phục dựng để hoạt động chứ không phải phục dựng như bảo tàng.

Và không chỉ bà con tham gia chợ nổi, mà bà con trên bờ cũng được hưởng lợi lây. Rất nhiều nhà xung quanh đấy cũng tổ chức đón khách. Họ chăm vườn của họ rất kỹ để hợp với khách du lịch cao cấp, nhất là khách tây. Trái cây đều được bọc nilon, công bọc là 50 ngàn một tiếng, tính ra nếu siêng thì một ngày 8 tiếng một người làm nhàn nhã đã có thu nhập 400 ngàn. Trái cây được bọc khách ăn tại vườn miễn phí, còn mua về nó đã được tính cả... công bọc và các chi phí khác, phía nào cũng hỉ hả.

Lại còn dịch vụ “ăn cơm mẹ nấu”, có một ông nông dân “ngang bướng” chỉ chịu nấu cơm bếp củi cho khách. Ông cương quyết “bếp củi mới ngon, mới lên hết chất miệt vườn, chất nông thôn Việt”. Khác tây từ tàu lên, vào nhà ông, sau khi no nê trái cây thì ăn cơm, và nghe nói, dẫu trái cây ăn trước nó sẽ ngang bụng khi ăn cơm nhưng các ông bà tây này vẫn xơi rất hào hứng.

Tất nhiên những người bảo thủ muốn chợ nổi “phải như cũ”, hoặc phải cho nó “chết vẻ vang” chắc không hưởng ứng lắm cách làm này.

Cũng như cồng chiêng Tây Nguyên, như các đặc sản văn hóa vùng miền khác, đang phải vật lộn để phục vụ mục tiêu “Bảo tồn và phát huy bản sắc”, mỗi nơi một cách làm để hoặc là nó được giữ, hoặc là... chết, hoặc là bị cải biên.

Kể ra, nếu du lịch gắn được với văn hóa, nếu các ông bà du lịch coi văn hóa chính là môi trường để mình kinh doanh, thì họ sẽ biết cách để giữ gìn, phát huy và phục vụ, trước hết là cho chính mình, sau đấy là xã hội được nhờ. Chứ giờ, văn hóa giả cầy, bày ra một lần sẽ vĩnh viễn không tồn tại được nữa, chết không kịp ngáp, vì khách du lịch bây giờ, đồng tiền liền khúc ruột, và có trình độ rất cao, không phải là những con ngỗng để dễ dàng bị... cắt tiết.

Mà ngay một số công trình văn hóa nhà nước, được ngân sách cấp tiền, làm xong cũng rất... giả cầy, như năm nào cái di tích quốc gia nhà Mạc ở Tuyên Quang bỗng nhiên “bị” trùng tu để trở thành cái... lò gạch. Và không chỉ nơi này, search trên google, câu lệnh là “di tích văn hóa trùng tu biến dạng”, trong vòng 0,64 giây có tới 208.000.000 kết quả, đủ thấy chúng ta đã ứng xử với văn hóa và di tích văn hóa như thế nào?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chuyen-bao-ton-van-hoa-va-du-lich-a161443.html