Chiều 25/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của doanh nghiệp.
Tại đại hội, cổ đông của Tập đoàn PAN đã đồng ý thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 882 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2023. Công ty cũng đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 14.780 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Trả cổ tức để đảm bảo quyền lợi của cổ đông
Theo bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN, năm 2023 trải qua với nhiều khó khăn của nền kinh tế và hệ thống tài chính. Trong khoảng thời gian đó, Tập đoàn PAN với 1.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn đã được thanh toán đúng hạn, không cần sử dụng bất kỳ nguồn lợi nào bên ngoài. Trên quy mô tập đoàn, PAN đã cơ cấu tài sản công ty lành mạnh với tỉ lệ đòn bẩy an toàn.
Với tình hình lợi nhuận khả quan trong năm 2023, bà My cho biết năm nay Tập đoàn PAN dự định trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỉ lệ 5%. "Đây có thể không phải là mức trả cổ tức cao nhưng đã là sự nỗ lực của tập đoàn trong năm 2023 và những năm về sau nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông", bà My nói.
Đồng thời, vị này cũng khẳng định những năm tới sẽ cố gắng tiếp tục duy trì trả cổ tức bằng tiền mặt với mệnh giá tối thiểu như trên.
Nhận định về các rủi ro, thách thức trong năm 2024, Tập đoàn PAN cho biết, lạm phát và lãi suất tại các thị trường chính tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao khiến sức cầu chưa phục hồi nhanh như kỳ vọng. Diễn biến trái chiều của lãi suất tại các thị trường phát triển và trong nước có thể dẫn đến những biến động về tỉ giá gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của Tập đoàn. Chính vì vậy, trong năm nay Tập đoàn đưa ra một kế hoạch kinh doanh khá thận trọng.
“Dù kế hoạch sản xuất kinh doanh được đưa ra tương đối thận trọng nhưng PAN vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng dựa trên mức nền cao của năm trước”, bà My nói.
Cũng tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Trà My đã chia sẻ kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn PAN trong quý I/2024. Theo đó, trong quý đầu năm chỉ tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.462 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, tăng 57% so với quý I/2023.
Trước những chia sẻ của bà Trà My, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN Nguyễn Duy Hưng khẳng định: “Chúng tôi làm tất cả những gì cổ đông yêu cầu, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận. Năm ngoái cổ đông than phiền vì không có cổ tức, năm nay đã có cổ tức. Thậm chí có thể trả cao hơn một chút nhưng tôi nghĩ hãy bắt đầu từ 5% và duy trì ở mức đó. Nhắm tới điều gì tốt hơn thì sẽ ổn định để phát triển hơn".
Nhìn vào đầu ra khi đánh giá khoản vay
Tại phiên thảo luận, trước những câu hỏi của cổ đông về những tác động ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng khẳng định, 3 mục tiêu quan trọng nhất của Tập đoàn PAN là nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm đóng gói.
“Đây là 3 mục tiêu quan trọng nhất của Tập đoàn PAN, phải làm sao để tận dụng cơ hội để biến nông nghiệp, thực phẩm trở thành các mũi nhọn của tập đoàn, làm sao để vươn tầm ở các thị trường trong nước và quốc tế”.
Chính vì vậy, ông Hưng khẳng định Tập đoàn PAN tập trung vào cả 3 mục tiêu trên. “Mọi người thường nghe rằng, một tập đoàn làm nhiều như này sẽ rất tốt kém, không tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận nhưng mọi thứ hoàn toàn ngược lại.
Trong bối cảnh khó khăn, khi những doanh nghiệp khác làm mọi thứ đơn giản thì lại không có nhiều lợi thế cạnh tranh. Còn đối với PAN chúng tôi vẫn phát triển rất bền vững. Thậm chí những nợ trái phiếu khi thanh toán không cần phải tái cơ cấu vẫn có thể trả đúng hạn bằng tất cả nội lực của mình", ông Hưng nói.
Đồng thời, ông Hưng chia sẻ, muốn đánh giá rủi ro trong tín dụng của một tổ chức phải nhìn vào kết quả kinh doanh. Với tập đoàn có chỉ số tín nhiệm cao như PAN, đảm bảo lợi nhuận, dòng tiền. Đó mới là thước đo sức khỏe của một doanh nghiệp.
Đứng trước những lo lắng của cổ đông về chi phí lãi vay, ông Hưng thẳng thắn nói: "Với các khoản vay phải nhìn vào đầu ra, có thu hồi được không, có đầu tư vào những gì rủi ro hay không hay hiệu quả của khoản đầu tư”.
Muốn đánh giá rủi ro trong tín dụng phải nhìn vào kết quả kinh doanh. Với tập đoàn có chỉ số tín nhiệm cao như PAN, đảm bảo lợi nhuận, dòng tiền, tình hình tài chính, tín dụng lành mạnh. Đó mới là thước đo sức khỏe của một doanh nghiệp.
Về tác động của biến đổi khí hậu cùng giá lương thực tăng, bà Trần Kim Liên - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (công ty thành viên của Tập đoàn PAN) cho biết, Tập đoàn PAN rất chủ động trong việc thích ứng với những ảnh hưởng từ bên ngoài. Đây là sự chuẩn bị của tập đoàn PAN trước những biến đổi không phải do mình tạo ra thì vẫn phải phát triển, tồn tại.
“Tất cả doanh nghiệp Việt Nam cũng như chủ trương ngành nông nghiệp luôn luôn sẽ là bệ đỡ của nền kinh tế, sẽ khác so với những tư duy chỉ đạo từ trước. Thay thế vào đó là chủ trương hoàn toàn khác, là tìm các giải pháp để sống thuận với thiên nhiên để phát triển bền vững”, bà Liên nói.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ong-nguyen-duy-hung-chung-toi-lam-tat-ca-nhung-gi-co-dong-yeu-cau-a161600.html