Dự án đường Vành đai 4- vùng thủ đô sẽ có 8 nút giao chính, 3 cầu vượt vượt sông, chi phí xây dựng 1km đường cao tốc sẽ có giá 94,69 tỷ đồng.
Ngày 14/2, Tp.Hà Nội tổ chức Hội thảo Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Chu Ngọc Anh, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng về triển khai thực hiện Dự án chủ trì Hội thảo.
Theo Chủ tịch UBND Tp. Chu Ngọc Anh, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng Hà Nội vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là thực hiện phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Cùng với những dự án có ý nghĩa chính trị quan trọng như cao tốc Bắc Nam phía Đông, Vành đai 3 – Tp. Hồ Chí Minh, Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội không chỉ thể hiện sự cấp thiết, cấp bách, mà còn thể hiện rõ cơ sở pháp lý chính trị trong tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII…
Với vị thế là Thủ đô, đồng thời là hạt nhân, đầu tàu kinh tế trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Chủ tịch Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: “Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô luôn có khát vọng và trăn trở để tìm ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Điều đó thể hiện rất rõ tại một trong ba khâu đột phá được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, ...Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô ...”.
Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội khẳng định: “Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 có ý nghĩa tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và toàn bộ Vùng Thủ đô, góp phần kết nối các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm, mà hiện nay tuyến đường Vành đai 3 đang đảm nhiệm và đã chịu quá tải trầm trọng. Khi có tuyến đường Vành đai 4, sẽ giảm ùn tắc cho Vành đai 3; góp phần phát triển đô thị 2 bên tuyến; phục vụ công tác an ninh, quốc phòng”.
Dự án sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm (tháng 5/2022). Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Chính phủ sẽ giao các địa phương triển khai đầu tư theo từng hợp phần dự án độc lập.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá nghiên cứu tiền khả thi đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tương đối công phu, có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo sát sao của Tp. Hà Nội, đã làm rõ sự cần thiết của đầu tư tuyến đường.
Theo PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, Vành đai 4 là tuyến cao tốc đô thị nên yếu tố quy hoạch, cảnh quan rất quan trọng do cao tốc tồn tại 100 năm nên phải hài hòa với quy hoạch tổng thể; khi dự án tiền khả thi được phê duyệt phải thi tuyển phương án kiến trúc. PGS. TS Trần Chủng kiến nghị thành lập 2-3 dự án thành phần để thuận lợi cho quá trình thực hiện dự án, giảm tải cho Hà Nội trong quá trình đầu tư.
PGS.TS Tống Trần Tùng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến về việc nút giao với sân bay thứ 2 của Thủ đô chưa được nêu trong báo cáo tiền khả thi; kiến nghị về số lượng nút giao của dự án tại phía Nam còn ít và cần rút kinh nghiệm từ nút giao Pháp Vân-Cầu Giẽ; Bên cạnh đó, cần quan tâm mật độ xây dựng, mật độ dân số quanh đường Vành đai 4 và cần có chỉ tiêu ngay từ đầu bởi nếu xây dựng chằng chịt sẽ không còn khái niệm cảnh quan của cả tuyến đường.
Còn theo PGS. TS Hoàng Hà, Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam, với tình hình giao thông hiện tại của Việt Nam nên tiến hành phương án đi theo đường trên cao để giải quyết xung đột giao thông nội vùng; vấn đề ảnh hưởng của dự án đối với các tuyến đường khác. “Chúng ta cũng phải tính toán kỹ vấn đề thoát nước của dự án ngay từ đầu bởi đây là vấn đề mà các dự án khác thường gặp phải”, PGS. TS Hoàng Hà lưu ý.
Tại hội thảo, đại diện Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã báo cáo tóm tắt nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường Vành đai 4.
Theo đó, đường Vành đai 4 có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028. Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, qua Hà Nội dài 58,2 km qua 7 huyện; qua Hưng Yên dài 19 km; qua Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối với Quốc lộ 18 dài 9,7km.
Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai. Tuyến nối theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhằm khép kín đường Vành đai 4 có quy mô 4 làn xe cao tốc.
Dự án đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100km/h với thành phần đường cao tốc và tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long; đoạn 4 làn xe và đường bên có tốc độ 60-80 km/h.
Dự án đường Vành đai 4 sẽ có 8 nút giao chính được xây dựng giai đoạn 1, bao gồm: nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nút giao đường trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; Quốc lộ 6; nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Quốc lộ 38; nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Dự án đường Vành đai 4 có 3 cầu vượt vượt sông, cụ thể, 2 cầu vượt sông Hồng là: cầu Hồng Hà (dài 5.023m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674m); 1 cầu lớn vượt sông Đuống (dài 990m)...
Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại từ giai đoạn chuẩn bị (khảo sát bằng thiết bị bay không người lái, công nghệ ảnh hàng không…); giai đoạn thực hiện sử dụng các vật liệu mới như bê tông cường độ cao, siêu cao, mặt đường nhựa polymer với nhiều thiết bị và phương pháp thi công mới…Tại một số đoạn tuyến có nhu cầu liên kết ngang và phát triển quỹ đất hai bên tuyến không cao nghiên cứu trắc dọc đi thấp đảm bảo tần suất thiết kế và các vị trí khống chế để tiết kiệm kinh phí đầu tư.
Đáng chú ý, đơn vị tư vấn đã đề xuất một số điểm đi thấp vừa giảm kinh phi đầu tư (xuống còn hơn 87.200 tỷ đồng), vừa bảo đảm quỹ đất và giao thông, phát triển đô thị hai bên một cách hiệu quả như tại Hà Nội, Bắc Ninh và KCN phố Nối (Hưng Yên)… có thể phát triển quỹ đất hai bên đường.
Chi tiết nội dung tính toán khái toán tổng mức đầu tư, được đơn vị tư vấn nêu rõ: đơn giá giải phóng mặt bằng được tham chiếu theo bảng giá đất năm 2020 của các địa phương liên quan, tính toán theo địa giới huyện và các chế độ chính sách theo quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất, hệ số điều chỉnh giá đất đến thời điểm hiện tại.
Đơn giá xây dựng 1 km đường của dự án bao gồm: đơn giá xây dựng 1 km đường cao tốc 17m được tính toán quy đổi từ chỉ tiêu xây dựng đường cao tốc 4 làn xe trong suất vốn đầu tư (quy đổi theo bề rộng nền đường và mặt đường). Với tỷ trọng chi phí mặt đường/nền đường vào khoảng 55%/45% (tham chiếu từ các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1). Chỉ tiêu xây dựng 1km đường 94,69 tỷ đồng/km.
Đơn giá xây dựng 1 km đường bên - đường đô thị loại 1 và đường bên đường đô thị loại 2 tham chiếu theo suất đầu tư đường ô tô cấp III đồng bằng và đường ô tô cấp IV đồng bằng với chỉ tiêu 24,07 tỷ đồng/1km; Chỉ tiêu xây dựng cầu 1m2 mặt cầu bình quân 25,71 triệu đồng/m2....
Nguyễn Hữu Thắng
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/du-an-duong-vanh-dai-4-se-giam-un-tac-cho-vanh-dai-3-a16277.html