Thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã dần tăng trở lại

(Chinhphu.vn) – Sau thời kỳ COVID-19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã dần tăng trưởng trở lại, với 634 triệu USD năm 2022, và đạt 413 triệu USD trong nửa đầu năm 2023.

Các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm hạt nhân

Tại hội thảo Mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) do Bộ KH&CN tổ chức tại Đà Nẵng ngày 12/10, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam đã hình thành và phát triển tương đối nhanh. Sau thời kỳ COVID-19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã dần tăng trưởng trở lại, với 634 triệu USD năm 2022, và đạt 413 triệu USD trong nửa đầu năm 2023.

Tuy vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện để tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển.

Ngoài các hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam cần các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái tại địa phương, Trung ương, từ khu vực tư nhân và cả từ nước ngoài.

"Hiện trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, cả từ khu vực tư nhân, khu vực công và cả các tổ chức quốc tế, theo nhiều mô hình rất phong phú. Khoảng 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đã và đang hoạt động.

Nhiều trung tâm khởi nghiệp, ĐMST của quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở các không gian ĐMST tại Việt Nam, như Block71 của Singapore tại TPHCM, Không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng-Seoul, Trung tâm K-Startup trực thuộc Cơ quan Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (KOSME) sắp khai trương tại Hà Nội. "Tuy nhiên, các hoạt động này mặc dù đã được bước đầu triển khai, nhưng về tổng thể, còn tương đối rời rạc, chưa đồng bộ, thống nhất", Bộ trưởng Bộ KHCN đánh giá.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đánh giá, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST đã và đang đóng vai trò là hạt nhân của hoạt động hỗ trợ phát triển, kết nối các thành tố trong hệ sinh thái.

Tại Đà Nẵng, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ngày càng phát triển, cơ bản đầy đủ các thành tố với các trụ cột chính là: Cơ quan Nhà nước-viện nghiên cứu, trường đại học-tổ chức hỗ trợ-cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể liên quan cùng tham gia tích cực vào hệ sinh thái. Đáng chú ý, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST không ngừng gia tăng về số lượng và chất lượng.

Thiếu một hành lang pháp lý chung

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Dương cho rằng, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của ngành KHĐT đang bắt đầu được thúc đẩy khi hành lang pháp lý đã đầy đủ, như đã có luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nghị định hướng dẫn rõ ràng, thông tư định mức tài chính đầy đủ. Nếu ngành KHCN không ban hành cơ chế tài chính cụ thể thì rất khó để triển khai các hoạt động hỗ trợ một cách đồng bộ.

"Chúng ta chuyển hết các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST thành danh mục sự nghiệp công, có định mức kinh tế kỹ thuật rõ ràng, thuận tiện trong việc triển khai và phân công thực hiện. Việc thiếu sự định hướng mục tiêu cụ thể và hướng dẫn chung, cũng như cơ chế chính sách trong việc thúc đẩy phát triển khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở các địa phương trong cả nước", ông Nguyễn Việt Long cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Long, TPHCM là địa phương vốn có sức hút tự nhiên đối với các dự án, hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Sắp tới đây, TPHCM có thêm các chính sách phát triển đặc thù, nhiều ưu đãi hỗ trợ đặc biệt hơn so với các địa phương lân cận. "Vậy các địa phương xung quanh TPHCM có nên phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, và liệu các trung tâm này có bị ảnh hưởng bởi hoạt động mạnh mẽ từ TPHCM hay không?".

Còn ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN TP. Đà Nẵng cho rằng, để trung tâm khởi nghiệp và ĐMST thành công thì mô hình nhất thiết phải hình thành một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đủ mạnh với đầy đủ cơ chế pháp lý, chính sách ưu đãi phù hợp; có một nguồn nhân lực có đủ năng lực trí tuệ, bản lĩnh và đầy lòng nhiệt huyết với sự nghiệp ĐMST. 

Đặc biệt, mô hình phải là đơn vị sự nghiệp công, phi lợi nhuận. Nhà nước phải đảm bảo 100% kinh phí hoạt động, có như vậy mới đủ mạnh. 

"Về cơ chế chính sách, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế chính sách nào đặc thù đủ mạnh cho khởi nghiệp ĐMST. Đây là lỗ hổng", ông Viên đánh giá.

Ông Lê Đức Viên cũng cho biết, về cơ chế đặc thù, việc cần thiết lúc này là sửa đổi Nghị định 94/2020/NĐ-CP ngày 21/8/2020 quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho TP. Đà Nẵng thụ hưởng. Việc sửa đổi Nghị định 94 nêu trên cần sửa theo hướng có cơ chế, chính sách vượt trội với mục tiêu xa hơn và mang tính chiến lược hơn…

Còn ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM đề xuất, mô hình trung tâm khởi nghiệp sáng tạo cần cung cấp các dịch vụ công khác liên quan đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật, không gian làm việc, văn phòng làm việc cho startup, sử dụng trang thiết bị, địa điểm huấn luyện… Ngoài ra, được tham gia đầu tư vào start-up từ các nguồn tài chính thu được dựa trên cho việc cho thuê tài sản công và cung cấp dịch vụ về ĐMST và khởi nghiệp ĐMST.

Lưu Hương


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/thu-hut-von-dau-tu-mao-hiem-tai-viet-nam-da-dan-tang-tro-lai-a163961.html