Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Cục Du lịch quốc gia, Hiệp hội Du lịch Việt Nam; đại diện một số tỉnh, thành phố trong cả nước và đông đảo nhân dân, du khách trong nước, quốc tế.
Nằm ở phía đông bắc của Tổ quốc, Thái Nguyên là vùng đất trù phú được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan kỳ vĩ, có núi, có rừng, sông, hồ, hang động, suối, thác... Trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 1 cụm di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 57 di tích quốc gia, 237 di tích cấp tỉnh. Thái Nguyên tự hào là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, nơi sinh sống đan xen của 51/54 dân tộc anh em, trong đó đông nhất là 8 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa. Các dân tộc đã gìn giữ và phát huy được những giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống đặc sắc. Đến nay, Thái Nguyên có tổng số 23 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những "địa chỉ đỏ" luôn thu hút du khách về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ.
Ngoài ra, Thái Nguyên còn là điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng bởi đây là vùng đất non xanh nước biếc, khí hậu mát mẻ trong lành với những danh thắng nổi tiếng như hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà.... Thái Nguyên là vùng đất bán sơn địa, thiên nhiên ưu đãi tạo ra một vùng sinh thái phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây chè, không chỉ có trà ngon, nơi đây còn hấp dẫn du khách bởi những nương chè đẹp và những làng nghề trồng, chế biến chè truyền thống.
Tỉnh Thái Nguyên luôn xác định việc phát triển du lịch gắn với văn hóa trà là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đã và đang tập trung xây dựng 4 dòng sản phẩm du lịch đặc trưng, có thế mạnh gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn; du lịch Mice, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm... Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp, hiện đại; đặc biệt việc xây dựng sân golf gắn với phát triển các khu đô thị dịch vụ thương mại, khu nghỉ dưỡng, sinh thái là xu hướng phát triển phù hợp và phát huy được các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình gửi lời cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông đã luôn quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ, góp phần quan trọng đưa du lịch Thái Nguyên có những bước phát triển mới, đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, đây là một dịp đặc biệt để giới thiệu, quảng bá đến bạn bè, du khách về vùng đất, con người Thái Nguyên tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa. Hy vọng rằng với sự phong phú và đa dạng của các hoạt động, cùng với những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, sẽ tạo ra những ấn tượng tốt đẹp và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng cộng đồng và du khách thập phương.
Ngay sau khai mạc, đại biểu và du khách được hòa mình vào các hoạt động trải nghiệm du lịch đặc sắc ngay trong Khu du lịch hồ Núi Cốc như biểu diễn đua thuyền hiện đại, thăm quan hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm, văn hóa trà và trình diễn văn hóa phi vật thể; trình diễn khinh khí cầu; trải nghiệm đi du thuyền trên hồ Núi Cốc; thăm quan không gian trưng bày ảnh đẹp văn hóa và du lịch Thái Nguyên...
Minh Anh
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/khai-mac-mua-du-lich-tinh-thai-nguyen-nam-2024-a164362.html