Ngày 2/5 này là tròn 100 năm sinh ông Núp nếu như hồ sơ của ông là đúng. Bởi chúng ta biết, thời ấy cứ nhớ năm sinh tháng đẻ qua... mùa trăng, mùa rẫy. Chả cứ người Tây nguyên bản địa, ngay người Kinh, một số người già cũng chả nhớ chính xác ngày sinh tháng đẻ của mình.
Tôi may mắn, ngay ngày đầu tiên lên Gia Lai Kon Tum (tỉnh cũ, hồi sáp nhập, sau tách ra thành 2 tỉnh, và rồi chả biết liệu có tách nhập gì nữa không) nhận việc đã gặp ông, rồi sau đấy nhiều lần đi về làng (gọi là đi công tác cũng được) cùng ông, từng được viết bài cho ông phát biểu trong cuộc ông Nikulin, một giáo sư người Nga nói chuyện về... Kiều cho khán giả Pleiku nghe.
Và thú vị nhất là có những cuộc đi cùng hai ông, nhà văn và nhân vật của tiểu thuyết. Chắc chúng ta đều biết tiểu thuyết gì rồi, vâng, nó là “Đất nước đứng lên”. Cái cuộc đi tôi vừa nhắc nó hết sức ngẫu hứng.
Ông Nguyên Ngọc từ Hà Nội vào Gia Lai, tới thăm ông Núp ở khu tập thể Ủy ban Mặt trận tỉnh Gia Lai Kon Tum trên đường Trần Hưng Đạo: Về làng nhé. Ừ về chớ. Để tôi lo xe. Đi mấy ngày? Biết mấy ngày, cứ đi thôi.
Thế là nhà văn Nguyên Ngọc, ông anh hùng Núp, nhân vật chính trong “Đất nước đứng lên”, người có tên thật là Sar, con của làng S’tơ, là Núp trong “Đất nước đứng lên” và cái làng S’tơ ấy trở thành Kông Hoa, tôi vinh dự được đi theo làm hầu đồng, cái xe Uoat và lái xe của Mặt trận tỉnh, lên đường.
Lần ấy chúng tôi xuống chiến khu Dân Chủ, nơi ngày xưa ông Núp sống và hoạt động. Đây tất nhiên là vùng rất sâu rất xa của tỉnh Gia Lai, vì thế nó mới được chọn làm chiến khu, và nó được đặt một cái tên hết sức... chủ nghĩa xã hội là thị trấn Dân Chủ.
Đi từ sáng sớm, cứ tưởng tầm trưa thì tới, thăm và làm việc xong thì tối về nên chả chuẩn bị gì. Ai dè trên đường ông bảo ghé hết làng này tới làng khác, nên phải tới 8 giờ tối mới tới nơi cần đến. Giữa rừng sâu thăm thẳm chả có gì ăn, ông thì sà ngay vào với dân làng, kệ tôi với anh lái xe. Chừng tiếng đồng hồ sau thì mấy anh du kích khiêng tới một... con chó.
Thế là tôi và anh lái xe của ông trở thành đao phủ và đầu bếp bất đắc dĩ khi trong tay chỉ có con dao găm, dân làng chỉ có muối. May thay, ven suối có nhiều sả và lá lốt. Hơn một tiếng đồng hồ bên suối, vừa làm vừa méo mặt với những con muỗi kềnh càng như... ruồi trâu, một nồi hỗn độn thịt chó của chúng tôi cũng xong, và hơn 3 giờ sáng thì chúng tôi mới xong bữa tiệc có một không hai ấy. Về nhà 3 ngày sau thì tôi bị sốt rét vật, và đấy là “chứng chỉ Tây Nguyên” sơ khai của tôi...
Cuối cuộc đi ấy chúng tôi về làng S’tơ, quê ông.
Lịch sử văn chương Việt Nam đã chứng kiến một hiện tượng rất lạ, ấy là một nhân vật văn học đã tồn tại cùng với tác phẩm mà mình là nhân vật chính hàng hơn nửa thế kỷ, một tác phẩm nổi tiếng và nhân vật cũng nổi tiếng. Một tiểu thuyết viết về toàn cái tốt, cái đẹp mà nổi tiếng.
Rồi nữa, tác giả tiểu thuyết và nhân vật cũng gắn bó với nhau hơn nửa thế kỷ. Họ có những kỷ niệm cực đẹp về nhau. Và từ nhân vật ấy, cả cộng đồng làng đã coi tác giả văn học là người của cộng đồng mình.
Vì thế sự về làng hôm nay của nhà văn Nguyên Ngọc thực sự là cuộc về lại với cộng đồng, về lại chính mình cho dẫu hoàn cảnh sống và tuổi tác chẳng dễ gì để một nhà văn đã cao tuổi ngày một ngày hai có thể thích là về nơi mình hằng gắn bó...
Cặp bài trùng anh hùng nghệ sĩ này là một hiện tượng của văn chương Việt Nam, của một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc và nó sẽ còn sống mãi, không chỉ trong văn chương, mà trong ký ức của những người đã sống, đang sống hôm nay.
Ông Nguyên Ngọc kể, hồi chống Pháp, ông là bộ đội, được điều lên Tây Nguyên hoạt động, và ông đã vào cái làng S’tơ của ông Núp ấy để trinh sát cho trận GM.100 nổi tiếng trong lịch sử ở đầu đèo Mang Yang, gặp ông Núp lần đầu ở đấy với tư cách lính trinh sát.
Sau này, trong đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc thì ông lại gặp ông Núp trong tư cách nhà văn và nhân vật. Ông Nguyên Ngọc được phân công viết về ông Núp. Hồi ấy mỗi nhà văn được phân công viết về một nhân vật, và theo đánh giá thì tới nay, “Đất nước đứng lên” là thành công nhất.
Ngày ra Bắc, ông Núp đã có con với bà H’liêu (tên nhân vật trong “Đất nước đứng lên”) bà ở lại Tây Nguyên, ông địu con sau lưng đi bộ ra Bắc. Rồi bà Liêu bị bệnh mất, ông cưới một cô văn công người Bahnar xinh đẹp, nhưng rồi ông lại vào chiến trường, móc nối được với bà Ch’rơ là em gái bà Liêu, thế là diễn ra một cuộc hôn nhân theo phong tục “nối dây”.
Nối dây là một phong tục của người Tây Nguyên và các dân tộc ít người sống dọc dãy Trường Sơn, bảo nó lạc hậu cũng được mà bảo nó... nhân văn cũng xong. Nó là sản phẩm đặc trưng của chế độ mẫu hệ.
Nếu chẳng may mà vợ chết đi (mà điều này rất hay xảy ra ở thời Tây Nguyên còn lạc hậu, và phụ nữ khi sinh nở bắt buộc phải vào rừng tự làm chòi để sinh một mình, nhiều khi cả tuần chưa thấy về, vào tìm thì cả mẹ và con đã chết tự hồi nào), thì một người trong nhà vợ, chủ yếu là em vợ, nhưng nếu không có em thì đành phải một người khác, có khi là chị, dì, cháu..., may mắn thì ít tuổi hơn, còn không thì nhiều tuổi hơn, bao nhiêu mặc kệ, được cử ra để "nối dây".
Và ông Núp đã tuân thủ luật lệ dân tộc mình, sau khi đã từ hôn với nghệ sĩ người Bahnar kể trên, vượt Trường Sơn về quê, giữa những ngày bom đạn sinh tử nhất, nối dây với Ch’rơ, em gái người vợ đầu H’liêu của mình.
Chính bà Ch’rơ này là người sống lâu nhất với ông Núp, là cây gậy chống, là hộ lý, là vợ, là tình nhân... của ông Núp suốt hơn 10 năm cuối đời của ông lấy một phòng của khoa nội 4 (khoa dành cho cán bộ trung cao cấp) bệnh viện tỉnh Gia Lai làm nhà.
Sau khi ông mất, bà Ch’rơ về quê, sống với con dâu và cháu nội, mấy đứa cháu đều học trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội thời cố nhạc sĩ An Thuyên còn làm hiệu trưởng, và chính nhạc sĩ An Thuyên đã mang vở nhạc kịch “Đất nước đứng lên” của mình về diễn tại làng này, mấy người cháu nội của ông Núp có tham gia vở diễn, dân làng rất thích vì thứ nhất là nó tái hiện lại một thời Núp, một thời “làng mình”, nhưng quan trọng hơn là của người của làng mình tham gia trong ấy.
Giờ thì, nhân vật đã mất từ năm 1999, nhà văn đồng hành thì đã hơn 90 tuổi, đang sống ở Hội An. Và cặp đôi này vẫn sẽ đồng hành trong lòng bạn đọc...
100 trăm tuổi của người anh hùng, nhân vật tiểu thuyết và hơn 90 tuổi của nhà văn, tác giả tiểu thuyết ấy, cũng đáng là một sự kiện.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nha-van-va-nhan-vat-a164381.html