Thành cổ tháng Tư này

Giữa tháng Tư, chúng tôi ra viếng thành cổ và thăm một số di tích lịch sử của tỉnh Quảng Trị.

Cũng chả xa lạ gì mấy, bởi quê gốc của tôi ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên, giáp huyện Hải Lăng của Quảng Trị. Có thời muốn về nhà, tôi còn phải “mượn đường” Quảng Trị, là chạy ra Mỹ Chánh rồi vòng lại nếu không muốn đi đò dọc.

Chúng tôi ở đây là cái lớp văn K1 đại học Tổng hợp Huế. Lần trước họp lớp ở Tuy Hòa chúng tôi cũng mua hương hoa viếng các liệt sĩ được truy điệu sống của đoàn tàu không số, và đền thờ liệt sĩ tỉnh Phú Yên.

Đấy là truyền thống của lớp tôi rồi, bao giờ họp lớp cũng làm. Lần này họp ở Huế nhưng vẫn ra Quảng Trị viếng các liệt sĩ thành cổ rồi đi thăm lại mấy di tích chiến tranh nổi tiếng.

Chúng tôi hiểu, để mình được ngồi học, hàng ngàn các anh, chú, bác, hoặc trai tráng cùng lứa đã hy sinh.

Chúng tôi vào viếng cùng với đoàn các cựu chiến binh thành cổ của một huyện tỉnh Thái Bình. Họ là những người lính tham chiến trực tiếp ở đây những ngày máu lửa năm 1972 ấy.

Và không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến hành trang người lính thời ấy. Một cái ba lô mỏng, một lưỡi xẻng nhỏ, khẩu súng cũng nhỏ, đôi dép cao su, một ruột tượng gạo... tất cả cuộc đời các chiến sĩ nhỏ và nhẹ hơn cái ba lô du lịch bây giờ rất nhiều. Mà du lịch bây giờ chỉ mấy ngày, còn nếu dài hơn thì va li nhỏ va li to. Và nữa, thiếu gì thì mua. Còn đây, tất cả chỉ có thế.

Đa chiều - Thành cổ tháng Tư này

Và không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến hành trang người lính thời ấy.

Tôi tha thẩn ở nơi mà năm nào cựu chiến binh, nhà báo, nhà thơ Lê Bá Dương cũng từ Nha Trang ra để thả hoa trên sông cho đồng đội.

Tôi có thời gian được làm cùng với anh Lê Bá Dương ở một tờ báo. Trước đó, hồi nhỏ ấy, tôi cũng từng được đọc bài trên báo viết về anh, cái thời chiến tranh khốc liệt nhất. Mười lăm tuổi, anh sửa tuổi lớn hơn để ra trận.

Rồi ở cái mặt trận đường 9 Nam Lào, ở Quảng Trị ấy, anh trở thành “khẩu hiệu” để chiến đấu “Xung kích như Lê Bá Dương, chốt chặt như Lê Bá Dương”.

Nhưng anh không chỉ có thế. Hôm qua trên xe tôi nói với các bạn mình, Việt Nam có mấy hiện tượng nhà thơ một bài, thậm chí một câu, bật lên, cực hay, và thế là đủ. Nhưng Lê Bá Dương có tới 4 câu, có thể nói là bất hủ, về sông Thạch Hãn, về Quảng Trị và về cuộc chiến tranh của nước ta: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Các bạn hướng dẫn viên ở thành cổ Quảng Trị luôn lấy mấy câu này làm phần kết thúc bài thuyết minh trong sự xúc động tràn ngập, rất nhiều nước mắt đã rơi.

Nhưng cũng từng có sự “trúc trắc” một tí về bốn câu thơ ấy vì có thời khi người ta tạc nó vào đá thì tên tác giả bị... bỏ đi. Phải một thời gian sau, khi công luận lên tiếng thì tên tác giả mới được khắc vào lại.

Người ta lập luận đơn giản: Mấy câu thơ đã nổi tiếng, đã thành của nhân dân rồi, có cần khắc tên tác giả vào nữa không? Ôi cái sự ấu trĩ tới kỳ lạ của vài người có trách nhiệm.

Lê Bá Dương cũng là người khởi xướng ra việc thả hoa trên sông tưởng nhớ đồng đội. Từ việc cá nhân của một cựu chiến binh luôn đau đáu với đồng đội, năm nào cũng trở về thắp hương cho hàng ngàn liệt sĩ từng hy sinh ở khúc sông này, nhiều người vẫn còn lặng lẽ im lìm đâu ở dưới đấy, anh từng gom hết hoa huệ ở chợ mà ra sông thả, giờ đã thànhphong trào, không chỉ ở Quảng Trị, mà cả nước, nhất là vào tháng 7 hàng năm.

Và cách khu di tích thành cổ 300 mét bây giờ là cái bến thả hoa, tức nó đã được chuyên nghiệp hóa, là việc làm thường xuyên của những những người dân ở đây và cả du khách, thân nhân liệt sĩ...

Từ thành cổ chúng tôi ra Cửa Việt, nơi đây lại cũng có dấu ấn của một văn nhân nổi tiếng bây giờ, tác giả “Hồi ức binh nhì” và là người lính tăng tham gia trận đấu tăng nổi tiếng trong lịch sử chiến tranh Nam Bắc Việt Nam. Đây được coi là trận đấu tăng lớn nhất chiến tranh Việt Nam và cũng là lớn nhất lịch sử quân sự Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Thế Tường có mặt trong trận đấu này, giờ anh vẫn khóc khi nhắc lại những ngày lẫm liệt và kinh hoàng ấy. Anh kể, hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị mời vào giao lưu, chuẩn bị bao điều để nói, về văn chương, về kỹ thuật truyện ngắn, về vai trò, về sứ mệnh vân vân, nhưng đứng lên, mới thưa các đồng chí, thưa các đồng nghiệp là anh đã òa khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc không thể dỗ, dù thành phố Đồng Hới, Quảng Bình nơi anh đang sống cách thành phố Đông Hà, Quảng Trị chỉ một thôi đường, ngày xưa là cùng một tỉnh.

Ngoài đời, người lính tăng một thời và là văn nhân này trông vẫn rất... hầm hố kiểu lính tăng, nhưng té ra để nó giấu đi một tâm hồn mong manh dễ vỡ. Chiến tranh đã lôi tất cả mọi người phải tham chiến, cả những chàng sinh viên mong manh như Nguyễn Thế Tường, biến họ thành những chiến binh thành thạo súng đạn, nhưng họ vẫn là những người mang trái tim đầy rung cảm trước cái đẹp cái xấu, trước điều thiện điều ác.

Nhớ năm nào đấy, đang nằm trong một khách sạn ở Vũng Tàu, tôi thấy VTV truyền hình trực tiếp một chương trình có cựu chiến binh Nguyễn Thế Tường, và anh đã khóc ngon lành trên tivi như một đứa trẻ khiến rất nhiều người, có tôi, xem chương trình phải khóc theo.

Hôm ấy anh nói: “bốn mươi năm rồi giờ còn mỗi mình tôi được hát” như một câu thơ quặn thắt. Và tôi cũng ghi lại cảm xúc của mình khi ấy “người lính già “lên” ti vi và khóc/năm anh em giờ nhõn một mình/bốn đồng đội đã hóa thành mây trắng/chỉ còn tro của nắm cơm đang lặng lẽ bảo tàng”…

Tháng Tư, chưa phải tháng cao điểm của việc thăm viếng liệt sĩ, nhưng đã khá tấp nập đoàn khắp nơi ra và vào Quảng Trị. Anh chị em ở các khu di tích, ở các nghĩa trang liệt sĩ hoạt động liên tục dưới cái nắng nóng kinh người Quảng Trị.

Họ cần mẫn như những con ong, lo lắng, giúp đỡ, làm tất cả để thân nhân liệt sĩ và những người tới thăm viếng cảm thấy an lòng nhất, cảm thấy yên tâm nhất, thân thiện nhất.

Đa chiều - Thành cổ tháng Tư này (Hình 2).
Đa chiều - Thành cổ tháng Tư này (Hình 3).

Tháng Tư, chưa phải tháng cao điểm của việc thăm viếng liệt sĩ, nhưng đã khá tấp nập đoàn khắp nơi ra và vào Quảng Trị.

Và đi về, ai cũng thấy như mình còn mắc nợ rất nhiều với hàng vạn liệt sĩ vẫn nghiêm trang xếp hàng trong các nghĩa trang liệt sĩ. Ai cũng thấy mình phải sống khác đi, sống lương thiện hơn, tử tế hơn... để bớt phải dằn vặt, bớt phải bất an, bớt làm đau lòng những người đã không còn bao giờ được thấy mặt trời...

Mấy câu thơ trong bài thơ tôi mới làm nói hộ thêm những gì tôi cần nói: "Những hàng bia tít tắp/những ngôi mộ im lìm/hàng vạn ngôi sao đỏ/sư đoàn vừa điểm danh./ bạn khóc ngày trở lại/cuộc đấu tăng năm nào/chiều nghĩa trang rất chậm/mắt dõi vào hư vô.../ Những người lính năm xưa/trở về dòng sông cũ/hoa thay người trôi mãi/Thạch Hãn ơi “đò lên””...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/thanh-co-thang-tu-nay-a164395.html