Kể câu chuyện văn hóa làng nghề

"Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng - những cơ hội của tương lai" là tên của buổi tọa đàm diễn ra sáng 11/5, tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội do Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt phối hợp với Ban đại diện nhân dân làng gốm Bát Tràng tổ chức. Tọa đàm nhằm tìm ra giải pháp bảo tồn vốn cổ, lưu giữ những tinh hoa của nghề gốm trường tồn hàng trăm năm, kể câu chuyện văn hóa làng nghề cho đời sau.

Tham dự Toạ đàm có gần 100 đại biểu là các chuyên gia trong các lĩnh vực văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật, bảo tàng; lãnh đạo các sở, ban ngành của thành phố Hà Nội; đại diện các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp làng gốm Bát Tràng; Ban đại diện nhân dân, ban quản lý di tích, đại diện 19 dòng họ và các nghệ nhân làng Bát Tràng.

Kể câu chuyện văn hóa làng nghề   - ảnh 1
Quang cảnh buổi Tọa đàm

Khát vọng gìn giữ làng cổ

Đến nay, Gốm Bát Tràng đã trở thành thương hiệu, là địa chỉ hàng hóa đã được khẳng định chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế. Không chỉ nổi tiếng với nghề gốm truyền thống - di sản văn hoá phi vật thể trong Danh mục quốc gia, Bát Tràng còn mang những giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc, ẩn chứa qua các công trình kiến trúc đồ sộ, hoành tráng, những lễ hội và nghệ thuật ẩm thực độc đáo… của một ngôi làng gần ngàn năm tuổi. Làm thế nào để làng gốm Bát Tràng phát triển hơn nữa, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái - nhân văn, giữ gìn bản sắc văn hoá và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội địa phương là mong mỏi, trăn trở của nhiều người dân Bát Tràng.

Kể câu chuyện văn hóa làng nghề   - ảnh 2
 Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội thủ công Mỹ nghệ và làng nghề thành phố Hà Nội chia sẻ mong muốn xây dựng dự án Bảo tàng sinh thái

Theo bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội thủ công Mỹ nghệ và làng nghề thành phố Hà Nội, đồng thời là người con của đất Bát Tràng chia sẻ: Nếu không có những giải pháp thì làng nghề cổ sẽ khó được gìn giữ phát huy. Tôi đã đi nhiều nước, nhiều khu vực, tôi đi thăm nhiều bảo tàng của họ và luôn trăn trở một câu hỏi: Tại sao họ làm được bảo tàng sinh thái mà quê mình có hàng nghìn câu chuyện hay, có bề dày lịch sử hàng nghìn năm… lại không thể làm? Bát Tràng có một nền văn hóa rất sâu sắc đó là có nghề mới có làng và có nghề nhưng không có ruộng. Bởi vậy người dân trong làng Bát Tràng tư duy thành thị song lại sống ở trong văn hóa của làng, họ quyết chí đi theo nghề, làng chưa bao giờ tắt lửa đỏ để phát triển nghề thịnh vượng.

Kể câu chuyện văn hóa làng nghề   - ảnh 3
Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt 

Chúng tôi nghĩ rằng mình cần kể câu chuyện của làng mình, phải nói lên được bản sắc văn hóa của dân tộc. Việc xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái cũng là một trong những việc làm thực tế để hiện thực hóa Nghị quyết số 09  của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa. Mô hình bảo tầng sinh thái được thiết lập sẽ là bảo tàng ngoài công lập, theo hình thức sở hữu tập thể là cộng đồng người dân Bát Tràng. Chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước các cấp sẽ hướng dẫn và kiểm soát hoạt động của Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng theo đúng quy định của luật pháp. Các nhà khoa học đóng vai trò tư vấn và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn.

          Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn ở làng Bát Tràng chia sẻ: Tôi cũng có điều kiện đi một số nước, một số địa phương, tôi thấy rằng không thể trông chờ, ỉ lại để có thể gìn giữ phát huy nét đẹp văn hóa của mình. Người Bát Tràng phải tự mình làm điều đó bởi nếu không được thúc đẩy, khai thác, gột rửa sẽ bị chìm lắng, bị cuộc sống đương đại cuốn đi và mai một. Là những người con của làng nghề chúng tôi sẵn lòng đồng hành và mong sớm đưa dự án, mô hình này trở thành hiện thực để nét đẹp văn hóa làng cổ Bát Tràng sống mãi với thời gian.

Đổi mới nhận thức, tư duy về bảo tồn, phát triển di sản

Mục tiêu của mô hình Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng là bảo tồn "sống", bảo tồn "tại chỗ" toàn bộ cảnh quan thiên nhiên văn hoá cùng đời sống văn hoá xã hội, môi trường sinh thái nhân văn của cộng đồng cư dân làng gốm cổ Bát Tràng. Việc giữ gìn bản sắc văn hoá cũng sẽ đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội địa phương. Bên cạnh đó, làm sâu sắc thêm nhận thức của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng cư dân Bát Tràng về giá trị của di sản văn hoá với tư cách là động lực của phát triển, phục vụ phát triển cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Xây dựng sản phẩm du lịch có tính đột phá với sự tham gia của cộng đồng và dựa vào cộng đồng. Tăng cường hợp tác công - tư và phát huy vai trò cộng đồng tự quản trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Gắn kết, tích hợp hoạt động bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích và phục dựng, trao truyền, phát huy di sản với phát triển công nghiệp văn hóa, Thành phố sáng tạo. Ứng dụng công nghệ số vào bảo vệ, phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển cộng đồng. Tạo cho cộng đồng cư dân Bát Tràng và du khách đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển di sản bền vững.

Kể câu chuyện văn hóa làng nghề   - ảnh 4
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, chuyên gia tư vấn về bảo tàng sinh thái chia sẻ về dự án Bảo tàng sinh thái

Tại buổi tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, chuyên gia tư vấn về bảo tàng sinh thái khẳng định, Bát Tràng hội đủ điều kiện để triển khai mô hình bảo tàng sinh thái, đồng thời cũng mong muốn rằng, làm thế nào để ứng dụng bảo tàng sinh thái này vào việc thúc đẩy sự thịnh vượng của làng cổ Bát Tràng cũng như gìn giữ được toàn vẹn tinh hoa truyền thống của làng cổ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thu Trang, mô hình bảo tàng sinh thái không phải là mô hình mới trên thế giới, song lại khá mới mẻ đối với Việt Nam.  Qua khảo sát, về cảnh quan thiên nhiên, con người và đặc biệt là truyền thống văn hóa của Bát Tràng phù hợp với các tiêu chí có thể áp dụng vào bảo tàng sinh thái. Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng nếu xây dựng được sẽ là một tổ chức văn hóa mà ở đó cho phép nghiên cứu, trưng bày, bảo vệ và phát huy nhưng là bảo vệ phát huy cả một tập hợp hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên trong toàn bộ khu vực làng cổ Bát Tràng. Về vai trò của Bảo tàng sẽ góp phần gắn kết dân làng trong việc giữ gìn cấu trúc làng xưa, bảo vệ vai trò chủ thể di sản văn hóa của dân làng và quyền sử dụng di sản của chính họ, đồng thời giữ gìn tryền thống di sản và cảnh quan của Làng.  

Cũng tại tọa đàm, tiến sĩ Phạm Dũng - người khởi xướng thành lập Hội cổ vật Thăng Long nêu ý kiến: Nhiều nghệ nhân làm gốm ở đây phải được coi là bảo vật quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng là rất cần thiết và đây là mô hình kiểu mẫu để chúng ta có thể nhân rộng ra cả nước.

Kể câu chuyện văn hóa làng nghề   - ảnh 5
Các đại biểu dự Tọa đàm

Bảo tàng sinh thái là một trong những phương cách hiệu quả để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể dựa trên sự đồng thuận tự nguyện của cộng đồng trong việc tự giữ gìn, quản lý và giới thiệu di sản của địa phương.

Theo ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội: Chọn Bát Tràng xây dựng bảo tàng sinh thái là phù hợp. Tuy nhiên, phải làm thế nào để từ ý tưởng hay đó có thể biến thành hiện thực, xây dựng bảo tàng này không giống những bảo tàng khác. Cần phải tổ chức làm bảo tàng như thế nào? Việc cùng nhau làm, cùng nhau hưởng lợi phải như thế nào? Do đó, trước khi làm hài lòng du khách cần phải làm hài lòng cư dân ở cộng đồng đó. Dự án xây dựng bảo tàng sinh thái thể hiện sự tâm huyết, tình cảm và trách nhiệm. Còn nhiều việc phải bàn, phải làm, song theo tôi cần có sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở. Một vấn đề tưởng như của một làng nhưng lại rất lớn, ở chỗ thể hiện tinh thần sau hội nghị văn hóa toàn quốc giữ gìn nền tảng văn hóa.

Kể câu chuyện văn hóa làng nghề   - ảnh 6
GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm

Tại cuộc toạ đàm, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định phải luôn hướng tới lợi ích của người dân và vai trò của người dân làng Bát Tràng trong việc này rất quan trọng. Khi người dân có được lợi ích từ việc thiết lập Bảo tàng sinh thái đó thì họ sẽ đồng thuận cao, cùng làm, cùng chịu và cùng hưởng. Điều quan trọng thứ hai là vai trò và sự ủng hộ của Nhà nước và cuối cùng là vai trò của các cá nhân và các tổ chức xã hội cùng chung tay với người dân để dự án Bảo tàng sinh thái làng Bát Tràng sớm được triển khai.

Có thể nói, dự án Bảo tàng sinh thái được thiết lập tại Bát Tràng sẽ giúp cho các nét văn hóa đặc sắc của Bát Tràng tiếp tục “sống” trong môi trường văn hóa làng cổ, cộng đồng chủ thể được hưởng lợi, kinh tế - xã hội của địa phương được nâng cao. Hơn thế, hình ảnh, văn hóa Bát Tràng nói riêng và Hà Nội nói chung sẽ được tôn vinh, được phát huy và hội nhập qua du lịch văn hóa. Và điều quan trọng là nhận thức, tư duy được đổi mới sẽ góp phần làm sống lại, bảo tồn và phát triển  di sản truyền thống của dân tộc.

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ke-cau-chuyen-van-hoa-lang-nghe-a165443.html