Một bản tin hôm qua thông báo “Phát hiện nhiều trang mạo danh cổng thông tin điện tử Bộ Công an 'thu hồi tiền lừa đảo'”. Theo đó, “những ngày vừa qua xuất hiện nhiều trang thông tin mạo danh Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trong đó đăng tải nhiều video, bài viết có nội dung cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời lồng ghép quảng cáo "dịch vụ" như: “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo.
Đây là một trong những hành vi giả mạo nhằm tiếp cận người dân đang là nạn nhân bị lừa đảo, lợi dụng tâm lý tiếc tiền, cần lấy lại tài sản đã mất, qua đó tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đối với họ.
Bộ Công an khẳng định hiện nay, Bộ Công an Việt Nam chỉ cung cấp thông tin chính thức trên môi trường mạng qua hai kênh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (https://mps.gov.vn/ và https://bocongan.gov.vn/); trang thông tin Bộ Công an trên nền tảng Facebook (https://www.facebook.com/mps.gov?mibextid=LQQJ4d).
Bộ Công an đề nghị người dân thận trọng khi sử dụng các nguồn thông tin không chính thức, mạo danh Bộ Công an Việt Nam; tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”... trên không gian mạng; không chuyển tiền cho các đối tượng trên để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ.
Hiện nay, Bộ Công an và các đơn vị liên quan cũng không phối hợp, ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các mạng xã hội. Người dân cần trực tiếp đến các cơ quan công an để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo mà mình là nạn nhân để được tiếp nhận, giải quyết”.
Đọc xong tin, tôi thấy đúng là bọn lừa đảo đang... vuốt râu hùm.
Và quả là, cái màn “vuốt râu hùm” này của chúng đã gặt hái được khá nhiều... thành quả. Nhiều bản tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cho biết đã rất nhiều người bị lừa, không phải lừa ít, mà nhiều tỉ đồng, lừa nhiều nấc, nấc sau cao hơn nấc trước, tới lừa... toàn diện, lừa cho nạn nhân kỳ sạch sành sanh.
Thì đầu tiên là lừa được một ít tiền, rồi sau đấy cái “khoảng tối dưới chân đèn” xuất hiện, chính là các trang giả mạo cổng thông tin công an để “cứu” lấy lại tiền. Và tới đoạn này thì sự lừa đảo mới ngoạn mục, mới triệt để, mới tận cùng, mới vét sạch. Vì tâm lý lúc này là an tâm rồi, chắc chắn rồi, công an vào cuộc rồi mà, nên chỉ có việc làm theo để lấy lại tiền thôi. Mà làm theo là gì, đơn giản là, hãy làm theo chúng tôi, nạp tiếp tiền vào để... bẫy lại, bắt cả cụm. Chuyển lần 1, Ok nhưng kìa, chưa tới, lỗi rồi, chuyển tiếp đi để sửa lỗi... cứ thế, tới khi con mồi trắng tay, sực tỉnh thì... xong.
Chưa bao giờ mà sự lừa đảo nó tinh vi tới thế, “sang trọng” tới thế và... "sạch sẽ" tới thế. Nếu bọn lừa đảo ngoài đời đa phần nhìn là nhận ra ngay, lấc láo, gian manh, mắt đảo như rang lạc, liến thoắng vân vân các cái mà cũng vẫn còn nhiều người bị lừa (đóng giả tới tướng công an, quân đội thì nạn nhân dễ bị lừa là đúng rồi), thì bọn trên mạng này, chúng “lai vô ảnh khứ vô hình”, chúng như ma, chúng như... chúng ta, bởi chúng ít nhất là trẻ, là có học dù ít dù nhiều, lại có kịch bản có lớp lang, được chuyên môn hóa cao độ, nên bà con ta, chả cứ ở nông thôn ít đọc, ít thông tin, mà ngay ở thành phố, như mới nhất là một “bà cụ” 68 tuổi ở Hà Nội bị lừa tới 15 tỉ sau mấy cuộc điện thoại của... "công an". Tất nhiên công an này là công an giả, giả nhưng đã lừa ngoạn mục một người phụ nữ 68 tuổi, tức là cũng chưa già lắm, chưa lẩm cẩm lắm, dù báo chí gọi là “bà cụ”, lại ở ngay thủ đô, thì đúng là chúng "tài quá"...
Nó cũng cho thấy một sự thật là, chúng ta chưa chuẩn bị tâm thế để sống cùng thế giới số. Cái gì trong đời thực có thì thế giới mạng có. Tức là tội phạm ngoài đời có thì tội phạm mạng cũng có. Và mạng, như đã nói, chúng thông minh hơn, lớp lang hơn, thủ đoạn bài bản hơn.
Thì như chúng đi cướp nick facebook xong, sẽ có hàng loạt người xông vào làm dịch vụ lấy lại nick. Đa phần số làm dịch vụ này chính là người đã hack nick của bạn. Giờ một lần nữa nhận tiền để... lấy lại nick. Rồi từ những cái nick bị cướp ấy, chúng đi lừa, ít nhất là: “còn tiền đấy không, chuyển cho 10 triệu, mai trả”. Thậm chí chúng còn gọi facetime nhưng chỉ thấy hình ngọ nguậy rồi tắt đi, nhắn tiếp: mạng yếu quá, không nghe thấy gì hết. Giỏi nữa là chúng cho một cái tài khoản ngân hàng có tên chủ tài khoản đúng cái tên chủ facebook đang bị hack. Đại loại chỉ thế nhưng cũng khối người chuyển tiền, bạn bè tôi bị rất nhiều, huống gì giờ mạo danh công an, rồi chuyển máy qua viện kiểm sát, rồi chụp lệnh bắt, rồi bảo chuyển tiền vào tài khoản công an để... đánh án...
Tất nhiên là các ngành chức năng biết hết chuyện lừa đảo này. Một mặt họ thông báo liên tục, mặt khác họ theo dõi và phá án. Nhưng nó cũng như đời sống vậy, cứ tít mù lên. Bắt bọn này bọn khác lại mọc ra. Và khó nữa, là có người nước ngoài tham gia (nhiều vụ bắt tên chủ mưu là người nước ngoài), và máy chủ cũng như “trụ sở” cũng ở nước ngoài thì đúng là khó bắt như lên giời.
Thế nên cứ là phải tự mình cảnh giác. Nhưng cảnh giác như thế nào thì cũng rất khó, bởi chúng có xài một bài đâu. Liên tục thay đổi, liên tục cập nhật, liên tục thay hình đổi dạng..., nên nhắc cảnh giác thế chứ cũng chưa biết lúc nào thì tới bản thân mình bị lừa. Người viết bài này cũng đã và đang rất cảnh giác, viết cảnh báo mọi người nhưng cũng... thấp thỏm lắm.
Biết đâu đấy. Ai dám nói trước được điều gì?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/mao-danh-cong-an-de-lua-dao-ke-lua-dao-vuot-rau-hum-a166019.html