Kinh doanh dịch vụ ăn uống không đủ điều kiện
Thực hiện Kế hoạch số 5780/KH-BCĐ ngày 12/4/2024 của UBND thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” thành phố Biên Hòa năm 2024, những ngày qua, UBND thành phố Biên Hòa đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành giữa các phòng, ban, đơn vị, ngành.
Trong đó, Phòng Y tế/Phòng Kinh tế thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các phường trên địa bàn.
Qua kiểm tra, UBND thành phố Biên Hòa đã thực hiện các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực Y tế - An toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong tháng 5/2024.
Các cơ sở kinh doanh bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP gồm: Hộ kinh doanh Tám Gà Ta (tờ số 54, thửa 87, LK1, đường N1, KP3, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hoà); Hộ kinh doanh My Phở (Số 464, CMT8, KP2, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hoà); Hộ kinh doanh Trần Văn Định (Số 11/54C, Trương Định, khu phố 2, phường Tân Mai, thành phố Biên Hoà) về hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
3 trường hợp trên đều bị xử phạt hành chính với số tiền 12.500.000 đồng; riêng đối với CÔNG TY TNHH Hàng Nước Tự Do (Địa chỉ trụ sở chính: 302, Nguyễn Văn Đậu, phường 11, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) cùng chung lỗi vi phạm trên bị xử phạt 25.000.000 đồng; CÔNG TY TNHH Cà phê Cửu Long (Địa chỉ trụ sở chính: Lầu 4, 55Bis Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) bị xử phạt về hành vi không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh với số tiền là 8.000.000 đồng.
Ngoài ra, UBND thành phố Biên Hòa còn xử phạt hành chính với ông Phạm Văn Trường (SN 1986, khu phố 4, phường Tân Hiệp) về kinh doanh dịch vụ ăn uống có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực với số tiền 12.500.000 đồng.
Chủ động trong công tác ATTP
Thông qua việc kiểm tra, cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm và đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Qua đó, nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Ngày 1/5, tại thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) đã xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm liên quan đến cơ sở bánh mì Cô Băng, ghi nhận tổng số 547 trường hợp nhập viện.
Ngày 15/5, tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cũng xảy ra 95 trường hợp nhập viện do ngộ độc thực phẩm.
Vũ Đại
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dong-nai-loat-co-so-kinh-doanh-dich-vu-an-uong-bi-xu-phat-a166140.html