Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc.
Lãnh đạo Thành phố xác định đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo.
Mức đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của Hà Nội tăng dần hằng năm (năm 2023 là 62,86%). Số lượng đơn đăng ký, bằng chứng nhận sở hữu công nghiệp, số công bố quốc tế trên địa bàn Hà Nội luôn dẫn đầu toàn quốc.
Đáng lưu ý, hai năm liên tục (2022, 2023), Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Hà Nội có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước; số lượng vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh lần lượt chiếm hơn 38% và 40% xét trên quy mô cả nước.
Trên địa bàn Thành phố có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại kết quả tích cực.
Đặc biệt, thời gian qua, Thành phố đã triển khai 3 nhiệm vụ rất quan trọng là: Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong quá trình triển khai, thành phố đã nhận được sự đồng hành, ủng hộ, tham gia góp ý, tư vấn, phản biện rất tâm huyết và trách nhiệm của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Đến nay, 2 quy hoạch của Thủ đô đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua, đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Bộ Chính trị và đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình, xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sắp tới.
Đánh giá cao việc Thủ đô Hà Nội đứng đầu cả nước về những yếu tố thuận lợi để phát triển KHCN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang nhận định: Thời gian qua, đội ngũ trí thức, nhà khoa học Thủ đô ngày càng lớn mạnh, hoạt động ngày càng tích cực, đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển Thủ đô. Bằng hoạt động của mình, đội ngũ trí thức, nhà khoa học đã làm gia tăng chất lượng nguồn nhân lực; tham mưu, tư vấn, phản biện, cung cấp nhiều luận cứ khoa học, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đạt được nhiều thành tựu trong những lĩnh vực chuyên ngành, chuyên sâu; góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, cải thiện năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội.
Các chuyên gia cho rằng, chính quyền Hà Nội cần có nhiều biện pháp tích cực, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân Hà Nội. Cùng với đó, Thành phố chọn lọc, tiếp nhận các kết quả nghiên cứu KHCN để đưa vào cuộc sống; đồng thời xây dựng các cơ chế ưu đãi cho việc đầu tư các công trình bảo vệ môi trường có hiệu quả.
Đơn cử như, sắp tới Hà Nội sẽ áp dụng phân loại rác tại nguồn, quy hoạch các hoạt động thu gom vận chuyển và xử lý các loại chất thải đã phân loại… theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. Do đó, việc cần làm hiện nay là Thành phố cần quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc phân loại rác tại nguồn; định mức, định giá thu gom vận chuyển phù hợp đặc thù của khu vực nội đô, khu vực trung tâm, khu vực đô thị xen kẽ vùng nông thôn và các vùng lân cận.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần đặc biệt lưu ý đến giải pháp giảm thiểu ô nhiễm tại các sông nội thị (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét…); lưu ý đầu tư bảo vệ các hồ, ao, đầm hiện hữu tại các khu vực dân cư một cách hiệu quả, khả thi. Song song đó là phát triển bền vững các làng nghề truyền thống bằng việc đưa các hoạt động bảo vệ môi trường vào hương ước của làng, thôn.
Quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao, GS Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam đề xuất, Hà Nội cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Chẳng hạn như, có cơ chế đặc thù theo Luật Thủ đô để thu hút nhân tài và nguồn lực (các viện hàn lâm, viện nghiên cứu, các trường Đại học trong nước và quốc tế).
Song song đó là quan tâm đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng các mô hình trình diễn công nghệ cao, tạo nền tảng cho việc hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp. Qua đó, chứng minh được vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư nguồn lực và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; huy động nguồn lực từ người dân, hợp tác xã trong sản xuất nông sản thế mạnh, sản phẩm đặc thù của Hà Nội.
Hà Nội tiếp tục quan tâm, động viên, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, nhà khoa học không ngừng lớn mạnh; tiếp tục tư vấn, giám sát, phản biện, giám định xã hội, tham mưu cho Thành phố có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ha-noi-tap-trung-hon-70-to-chuc-khoa-hoc-cong-nghe-truong-dai-hoc-vien-nghien-cuu-a166158.html