Trung tá Đào Trung Hiếu hy vọng, đây sẽ là một trong những bộ phim chân thực nhất về hình ảnh những người lính hình sự trong cuộc chiến cam go chống tội phạm.
Trung tá Đào Trung Hiếu vốn là một người lính hình sự. Sau khi tốt nghiệp học viện Cảnh sát nhân dân, anh được điều về công tác tại Công an tỉnh Yên Bái. Đến năm 2005, anh được điều chuyển xuống làm việc tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội (số 7 Thiền Quang). Gần 20 năm làm cảnh sát hình sự, đặc thù công việc đã trui rèn cho anh một bản lĩnh vững vàng và trải nghiệm thực tế sinh động, trở thành chất liệu quý hiếm trong các áng văn chương sau này.
Nhắc đến “nghiệp” làm văn, làm báo, Trung tá Đào Trung Hiếu mỉm cười, mặc dù không được đào tạo bài bản về các thể loại văn học và báo chí, song với niềm đam mê văn chương, mỗi khi viết một đề tài gì đó, anh đều cẩn trọng trong tìm tư liệu, gặp gỡ, trao đổi với các tác giả, nhà văn có tên tuổi để học hỏi kinh nghiệm về cách viết truyện ngắn, tiểu thuyết. Nhờ đó, các tác phẩm của anh vừa có sự chân thực, gần gũi, vừa giàu tính nhân văn sâu sắc.
Trong đó, anh được nhiều người biết đến với hai cuốn truyện và ký mang tên “Chuyện ngoài hồ sơ” (NXB Văn học 2012) và “Tiếng súng lạc bầy” (NXB CAND 2013). Thời gian tham gia trại sáng tác văn học viết tiểu thuyết, truyện ngắn và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an tổ chức năm 2015, anh tiếp tục ghi dấu ấn trong làng văn học Việt Nam với cuốn tiểu thuyết “Bão ngầm” và giành luôn giải A.
Các tác phẩm của tác giả Đào Trung Hiếu luôn mang bóng dáng của một người chiến sỹ hình sự. Những câu văn của anh ngắn gọn, khúc chiết. Ngôn ngữ giàu hình ảnh và ngồn ngộn thông tin. Anh viết đến đâu, hình ảnh gần như ngay lập tức xuất hiện đến đấy. Gần 20 năm trực tiếp tham gia chiến đấu với nhiều chuyên án phức tạp, anh có trong tay cả một kho tư liệu khổng lồ. Đó là những vụ việc, sự kiện, khoảnh khắc của người trong cuộc, từng “vào sinh ra tử” đối mặt với tội phạm…
Trong lời tựa của cuốn tiểu thuyết “Bão ngầm”, anh viết: “Thân tặng đồng đội tôi, những người lính can trường trên mặt trận đấu tranh phòng chống ma túy. Bước ra từ cuộc chiến đấu thầm lặng, như chất kháng thể của xã hội chống lại những kẻ gieo rắc cái chết, bao gian truân trên đường đời mà chúng tôi đã trải nghiệm bằng mồ hôi và cả máu xương, đã biến thành nguồn chất liệu sinh động cho cuốn tiểu thuyết này. Một câu chuyện do lính viết. Bút pháp hiện thực phả sức nóng của cuộc chiến trên thực địa, vào văn học một cách chân thực nhất. Sự thô ráp, xù xì, thậm chí trần trụi như bản chất cuộc sống, được mô tả không cường điệu. Bởi cái chúng tôi có, chỉ đơn giản là những gì đã trải, đã thấy, đã cảm trong hiện thực cuộc đấu tranh sinh tử với tội phạm. Vì vậy, sẽ khó tìm thấy những thủ pháp nghệ thuật cầu kỳ, những câu chữ bay bổng đầy chất thơ họa, như trong các tác phẩm của nhà văn chuyên nghiệp”.
Từ tháng 7/2013, Trung tá Đào Trung Hiếu chuyển về công tác và làm phóng viên tại báo Công an nhân dân. Anh đồng thời bảo vệ luận án tiến sỹ, tiếp tục dành riêng những khoảng lặng cho mình để viết văn. Khi “Bão ngầm” được công chúng đón đọc, anh vẫn âm thầm ấp ủ sẽ chuyển thể cuốn tiểu thuyết này thành kịch bản phim truyền hình.
Bởi theo Trung tá Hiếu, bên cạnh những bộ phim tốt, hiện nay, dòng phim về đề tài hình sự vẫn có khá nhiều bộ phim bị “sạn” như: nội dung còn tồn tại nhiều kết cấu lỏng lẻo, chưa tới, chưa logic theo sự phát triển của sự kiện và tâm lý nhân vật, không thoả mãn đòi hỏi của người xem. Thậm chí, nhiều tình tiết chuyện vì nhà biên kịch tưởng tượng ra, lại không hiểu về nghề hình sự, nên rất ngô nghê. Chưa kể, nhiều phim miêu tả lưu manh, giang hồ mà thông tuệ như học giả. “Thực tế không vậy. Lính hình sự nhiều khi phải giống tội phạm và hơn cả tội phạm, còn đối tượng đấu tranh của họ đa phần là loại người thô lỗ, cục cằn, kẻ phạm tội dù có tinh quái đến đâu vẫn mang dáng dấp, biểu hiện của người “lệch chuẩn”” – Trung tá Đào Trung Hiếu nhận xét.
Sau 2 năm miệt mài từ khâu viết kịch bản, quay phim… bộ phim “Bão ngầm” đã chính thức hoàn thành. Phim dài 75 tập, do đạo diễn Đinh Thái Thụy dàn dựng, được đầu tư lớn, sử dụng máy quay công nghệ 4K chuyên dùng trong sản xuất phim điện ảnh chiếu rạp, âm thanh thu trực tiếp tại hiện trường. Đoàn làm phim dành hơn một năm rong ruổi khắp 10 tỉnh, thành phố trên cả nước, như: Yên Bái, Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Dương. Dàn diễn viên trong phim rất có thực lực, gồm cả diễn viên gạo cội như các Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng, Nguyễn Hải; Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Trọng Hải và những gương mặt đang tạo dấu ấn trên truyền hình gần đây: Hà Việt Dũng, Cao Thái Hà, Nguyễn Xuân Hiệp…
“Bật mí” về nội dung phim, Trung tá Hiếu cho biết, bộ phim tái hiện hành trình của lực lượng cảnh sát điều tra bóc gỡ một đường dây, tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Trong đó, tên trùm mafia lại ẩn dưới vỏ bọc là chủ tịch một tập đoàn kinh tế lớn. Nhân vật chính là Đại úy Đào Hải Triều (Đội phó Đội án tuyến địa bàn, Phòng PC04, Công an tỉnh Hưng Hòa). Anh và đồng đội bằng bản lĩnh, mưu lược, tài nghệ đã lần theo dấu vết, vào tận hang ổ tội phạm, đối diện với vô vàn hiểm nguy, thậm chí cả cạm bẫy, thử thách để có những bước tiến trong đấu tranh chuyên án. Cuộc chiến đấu với tội phạm thực chất làm nền cho cuộc đấu tranh làm trong sạch lực lượng, cuộc đấu tranh trong đáy sâu nội tâm của người lính khi đứng trước những sự lựa chọn… Cùng với câu chuyện phá án, phim cũng phản ánh cuộc sống giản dị, mộc mạc, hoàn cảnh gia đình hay đời sống tâm lý, tình cảm của những người lính trinh sát giỏi nghiệp vụ, giàu đức hy sinh.
Theo Trung tá Hiếu, có nhiều thay đổi từ tiểu thuyết đến phim theo hướng tích cực. Ví dụ như kịch bản ban đầu, anh viết nhiều về lực lượng trinh sát, tội phạm ma túy và hầu hết là nam giới, thiếu hẳn “những bóng hồng”. Sau khi được góp ý, anh tiếp tục dành hai tháng để viết lại kịch bản, bổ sung tuyến nhân vật nữ, những câu chuyện tình cảm gia đình, lứa đôi để phim mềm mại hơn và có tính “bình đẳng giới” hơn…
“Điểm khác nhau lớn nhất của “Bão ngầm” so với loạt phim về đề tài cảnh sát hình sự nổi tiếng trước đây là ở sự chân thật. Tôi từng vào hang ổ bắt tội phạm, bị chúng tra tấn, dùng nhiều thủ đoạn ác hiểm để lung lạc… lại là phó đạo diễn, biên kịch, chỉ đạo diễn xuất các cảnh liên quan đến nghiệp vụ. Bên cạnh đó, phim huy động lực lượng hùng hậu hàng trăm công an chính quy với trang thiết bị, khí tài hiện đại của ngành công an tham gia...” – Trung tá Hiếu tự hào.
Xuyên suốt bộ phim là tư tưởng nhân văn. Bộ phim nhấn mạnh những gì là giả tạo và lạc hậu sẽ bị nghiền nát trong vòng quay luật đời. Mọi tráo trở, lừa lọc và bội phản, sẽ bị quy luật đào thải làm văng ra khỏi quỹ đạo vận động của xã hội. Đồng thời, phim còn tôn vinh những giá trị chân - thiện - mỹ, những mầm thiện trồi lên từ thực địa cuộc xung đột chính – tà; lồng ghép trong những trường đoạn phim xoay quanh câu chuyện phá án, là đời sống thường nhật của cán bộ chiến sỹ công an, được miêu tả dung dị, mộc mạc, ở những góc khuất ít người biết tới. Qua đó, để người dân thêm tin yêu, ủng hộ những người lính trinh sát trên mặt trận thầm lặng.
Ngoài ra, bộ phim còn truyền tải, quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người ở nhiều miền quê Việt Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch của các địa phương; tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, góp phần vào việc quảng bá, bảo tồn và phát huy những giá trị nhân bản của con người Việt Nam. Bộ phim sẽ được phát sóng vào khung giờ vàng 21-21h30 từ thứ 2 đến thứ 6 trên kênh VTV1, từ ngày 21/2/2022.
HỒNG NHUNG
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bao-ngam-phim-hinh-su-duoc-ky-vong-vi-giau-tinh-thuc-te-a16624.html