Thủa bé, tôi thường nghe lũ bạn cùng quê hát nghêu ngao “Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều, miền Nam em gì cũng nhiều…”. Sau này, tôi mới biết đó là lời bài hát “Miền Nam của em” (Hoàng Nguyễn), câu cuối chúng nó chế thêm. Từ nhỏ, mọi người đã được học “Miền Tây trù phú, đất đai màu mỡ, cây trái sum suê, cá tôm đầy sông…”.
Cứ ngỡ, vùng đất hoang sơ, giàu có, không vất vả, cực nhọc như miền Trung, miền Bắc. Tôi xuống miền Tây lần đầu năm 1976, cùng anh bạn bí thư Xã Đoàn Vĩnh Lộc, Bình Chánh; về quê vùng Hồng Ngự, Đồng Tháp. Háo hức và tưởng tượng đủ thứ. Cây trái trĩu cành nhưng bùn sình đeo bám, trơn trợt. Nước uống cứ lờ lợ, rin rít da. Ngán nhất là mấy cái cầu tre (cầu khỉ) vắt vẻo hù dọa khách lạ.
Trái cây chế biến thành nhiều món ăn như gỏi xoài, canh chôm chôm, mận kho, lẩu súng, chè bưởi… Món nào cũng lạ. Sông nước mênh mông, cá nhiều, bắt lên quẫy đành đạch phản đối. Ấn tượng nhất là sự thân thiện, chân quê; khác hẳn kiểu cách, khuôn phép miệt ngoài. Gặp bữa, mời ăn là thật lòng như người nhà, có gì ăn nấy với gia chủ, không mời lơi cho có.
Thời đó đa phần nhà sàn và đi lại bằng xuồng, Nghèo, nhà lá, xuồng ba lá. Giàu, nhà lai, nhà cổ kiểu Tây, võ lải hoặc thuyền tam bản (lớn gấp mấy lần xuồng ba lá, thường chạy bằng máy). Cửa lá sách và nhà sơn màu xanh hoặc trắng.
Chẳng hiểu tại sao. Dò hỏi mãi, gần đây mới biết, thập niên 1960, nhà máy Sơn Bạch Tuyết ở Sài Gòn chỉ sản xuất được hai màu chủ đạo, trắng và xanh. Nhà đầu sơn màu gì, những nhà sau sơn màu đó. Ban đầu không có chọn lựa, sau này theo nếp, không dám sơn màu khác.
Về miền Tây hàng trăm lần, tôi ngộ ra nhiều thứ chỉ có ở miền Tây. Chợ nổi và Nhà bè miền Tây mới có, dù Nhà Bè là địa danh ở Sài Gòn. Hiện nhà bè có nhiều nơi, miệt ngoài nuôi cá bè trên biển, miền Tây nuôi trên sông.
Ẩm thực miền Tây thích ngọt, nhưng vẫn khoái chua và đắng, mê nhất là các món nướng. Dân miền Tây khoái ăn rau, lá tự nhiên; thứ gì cũng ăn được, trừ mấy loại có độc tố. Lẩu mắm là tiêu biểu.
Người miền Tây là dân tứ xứ. Từ Khmer bản địa, người Hoa “bài Thanh phục Minh” (Minh Hương) vượt biên, người Chăm tha phương, người Việt mở cõi. Có cả Ấn Độ và các nước Asean, tạo thành cộng đồng dân cư đa sắc.
Đất rộng, người thưa, thiên nhiên khắc nghiệt làm nên tính cách hào phóng, nghĩa khí, lạc quan của dân miền Tây. Các loại hình văn hóa như ca cổ, cải lương, đờn ca tài tử, hò Nam bộ… bắt nguồn từ cuộc sống.
Miền Tây chưa bao giờ có lũ hay lụt, chỉ có nước nổi. Lũ ào ạt, chớp nhoáng, trở tay không kịp nhưng chỉ vài ngày. Lụt ào ào, cũng chỉ vài tuần là hết. Lũ, lụt đều tác hại kinh hoàng, cả người và của.
Nước nổi, lên từ từ, mỗi ngày 10 – 20cm. Cả vùng mênh mông nước. Mấy tháng liền chỉ có trời nước chứ không thấy trời đất. Người dân di chuyển bằng xuồng. Lạ lùng thay, cây lẫn người không chết, dù mấy tháng ngập. Mùa nước nổi là mùa cá về, dân miền Tây vui như trẩy hội.
Cả hệ sinh thái miền Tây, từ cỏ cây đến động vật đều thích nghi, biến nguy thành cơ để sinh tồn, phát triển. Thành ngữ “Sống chung với lũ” xuất phát từ miền Tây, phải nói là “Sống chung nước nổi”.
Chưa thấy ai chỉ cách sống chung với lũ thế nào nhưng sống chung nước nổi, dân miền Tây đã thực hành vào buổi sơ khai, lập nghiệp từ mấy trăm năm nay.
Dân miền Tây lười biếng? Nếu đúng, không thể tồn tại trước những nghiệt ngã của thiên nhiên. Đất phù sa nhưng nhiễm mặn. Phải dày công đắp bờ bao ngăn mặn, rửa phèn, chọn loại cây phù hợp, mới cho quả ngọt dâng đời.
Miền Tây là một trong những vùng đất nhiễm phèn nhiều nhất thế giới. Muốn đất không phụ người, người phải thương đất như cha mẹ, tôn kính đất tựa thần linh, thau chua rửa phèn nhiều thế hệ.
Khổ cực nhưng dân miền Tây chẳng kêu ca, không đổ thừa thiên nhiên hay địa chủ, phong kiến. Để tạo ra gạo thơm trái ngọt, phải dày công dãi dầu mưa nắng, đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Màu mỡ miền Tây sao dám so với đất đỏ bazan.
Tôi phục dân miền Tây về cách sống “Thuận thiên” từ bao đời nay. Chưa nghe dân miền Tây lam lũ than van, chưa thấy văn nghệ sĩ miền Tây sáng tác thơ văn kể khổ, kêu gọi cứu trợ. Họ tự cưu mang đùm bọc nhau, như thủa ban đầu tụ hội để an cư.
Dân miền Tây xem công việc chung là trách nhiệm, như lẽ thường phải có. “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, đi làm đường, bắc cầu, dựng nhà; đi kiếm dược liệu tặng những phòng thuốc Nam từ thiện hoặc tương trợ người gặp khó khăn hoạn nạn; có khi cả tháng trời. Tới dự các lễ hội Hòa Hảo, Tứ Ân và nhiều sự kiện văn hóa, dân miền Tây góp tiền góp công tới nấu ăn, phục vụ miễn phí, nhiều khi còn gởi “lộc” cho hàng trăm ngàn khách thập phương …
Thiên tai không trừ ai, không chừa vùng đất nào vì đó là thử thách để muôn loài sinh tồn và phát triển. Miền Tây có nhiều thua thiệt so với các vùng. Từ giao thông, giáo dục, y tế, du lịch, công nghệ, đầu tư cho đến hạ tầng, cơ sở vật chất, GDP đầu người…; là vùng trũng kinh tế của Việt Nam. Dù chỉ có 12,8% diện tích; 17,9% dân số cả nước (2022) nhưng xuất khẩu gạo chiếm 93%; thủy sản 60%, trái cây 45% Việt Nam.
Miền Tây “Gạo trắng nước trong”, ruộng đồng “Cò bay thẳng cánh”. Phải nói rõ, gạo trắng và ngon. Gạo ST25 Việt Nam ngon nhất thế giới năm 2019 và 2023 (ST là Sóc Trăng). Giống lúa này, ngắn ngày, ngập nắng gì cũng tốt, ít sâu bệnh và gãy đổ. “Nước trong” là do phèn, bị nhiễm mặn.
Cò nào bay mà chẳng thẳng cánh? Phải viết là cò bay mỏi cánh. Đó là chuyện xưa. Giờ cư dân đông đúc, phố thị tràn lan, những “cánh đồng bất tận” ngày càng hiếm. Dù vẫn còn đó những Đồng Tháp Mười, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Lung Ngọc Hoàng, đầm Thị Tường…
Miền Tây có nhiều sân chim nhất. Có cả vườn quốc gia. Hình ảnh sáo sậu, cò trắng thong dong kiếm ăn có thể gặp bất cứ đâu ở miền Tây. “Đất lành chim đậu”, những vùng khác người nhậu hết chim? Dân miền Tây suốt ngày nhậu nhẹt? Chỉ đúng bề ngoài mà thôi.
Bởi người miền Tây không kén chỗ nhậu và gặp bạn là lai rai hết buổi. Không quen nhậu kín và sâu. Theo Tổng cục Thống kê năm 2020, tửu lượng hàng tháng dân miền Tây xếp sau Tây Nguyên và Đông Nam bộ, tương đương các vùng khác. Bình quân tiền chi mua rượu bia hàng tháng, dân miền Tây cũng xếp sau đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam bộ.
Người miền Tây không vui vì dẫn đầu tỉ lệ HIV, một phần do hệ thống y tế và phòng chống kém. Tỉ lệ thất nghiệp cao hơn. Vùng sông nước chằng chịt nhưng thường xuyên nhiễm mặn, thiếu nước ngọt.
Các doanh nghiệp ngán ngại đầu tư vì nhiều lẽ, trong đó có việc ít được quan tâm hơn những vùng khác. Người miền Tây phải tha hương, kiếm sống, chủ yếu trong nước; không tìm mọi cách làm thuê bất hợp pháp ở nước ngoài, nhục quốc thể.
Massage hình như là sở trường của con gái miền Tây? Massage thực chất là phương pháp y học phục hồi sức khỏe, chỉ có massage biến tướng mới đáng lo. Tỉ lệ con gái miền Tây lấy chồng nước ngoài cao hơn chưa hẳn là xấu. Cũng là dạng xuất khẩu lao động, chuyển ngoại tệ về.
Các cô dâu Việt ở Hàn Quốc được đánh giá cao nhất, hơn các nước Asean và cả Nga, Trung Quốc… Họ là hậu duệ của công chúa Huyền Trân (1287 – 1340) và các công nữ Ngọc Hoa (? – 1645), Ngọc Khoa (không rõ năm sinh và mất), Ngọc Vạn (1605 – 1650).
Dân miền Tây đã đào đắp hàng tỉ mét khối đất, sình làm nên “Vạn lý kênh đào” hàng chục ngàn km, dài gấp mấy lần Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc). Chỉ riêng năm 1936, dân miền Tây đào 1.360km kênh chính, 2.500km kênh phụ, gần 5.000km kinh nhỏ. Có nơi như Hậu Giang, cứ 500m có kênh tựa ô cờ với những con kênh mang tên từ 500 – 14.000.
Nhờ kỳ tích này, người miền Tây biến vùng đất hoang dại, hầu như vắng bóng người thành miền Tây ngày nay. Còn hơn cả kỳ quan thế giới, bởi ý nghĩa dân sinh, phục vụ cộng đồng lâu dài và bền vững. Lạ là kênh rạch chằng chịt, nước nổi ngập mấy tháng nhưng tỉ lệ đuối nước ở miền Tây lại thấp nhất so với các vùng khác.
Dân miền Tây luôn hết lòng vì bè bạn. Sẵn sàng cầm dây chuyền, đồng hồ đãi bạn đến tàn cuộc chơi, mấy bữa sau kiếm tiền chuộc. Đại gia miền Tây không nhiều nhưng dân miền Tây ai cũng giàu tình nghĩa. Trực ngôn, nghĩ sao nói vậy, không thích lý luận, chúa ghét học chính trị. Chơi với dân miền Tây thoải mái, không ngại những nụ cười khó hiểu, xởi lởi, đãi bôi. Ghét là không thèm chào, dù là quan chức.
Người miền Tây hào sảng, nghĩa khí, thích gì làm nấy thành ra kỷ luật kém. Đang làm, chán, bực; bỏ ngang, làm chuyện khác vì không sợ đói, dù làm giàu rất khó. Cần gì giàu vì giàu chưa chắc đã sướng? Những giai thoại xấu về công tử Bạc Liêu đa phần là thổi phồng, ngày nay gọi là "câu view" của cánh nhà báo lá cải. Mọi người tìm đọc bài “Thanh minh cho công tử Bạc Liêu” trên google xem thực hư thế nào.
Dân miền Tây ghét học làm quan, làm giàu; chỉ thích học làm người, học cả đời bằng thực tế nên không có nhiều khoa bảng. Đó là Tiến sĩ Phan Thanh Giản; nhà giáo Võ Trường Toản; bác học Trương Vĩnh Ký, thông thạo nhiều ngoại ngữ nhất Đông Nam Á. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt là điển hình tự học. Bác Ba Phi là hình mẫu lạc quan hài hước người miền Tây…
Rất nhiều người miền Tây thành Nhân, vang danh đủ các lĩnh vực như các bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Trần Hữu Nghiệp; Nguyễn Chấn Hùng; các chuyên gia kinh tế như Nguyễn Văn Hảo, Võ Tòng Xuân, Phan Chánh Dưỡng; các nhà văn hóa như Nguyễn Đình Chiểu, Trần Văn Khê, Nguyễn Vĩnh Bảo; các nhà khoa học như Lưu Văn Lang, Trần Đại Nghĩa; các nông dân bác học như Nguyễn Cẩm Lũy, hai cha con Trần Ngọc Hoàng – Trần Ngọc Sương…
Văn thi sĩ có Hồ Biểu Chánh, Phan Văn Trị, Đông Hồ, Sơn Nam; nghệ sĩ có Cao Văn Lầu, Phùng Há, Bảy Nam, Kim Cương, Bạch Tuyết. Các trí thức cách mạng như Thái Văn Lung, Trần Văn Giàu, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát.
Phụ nữ miền Tây, nhiều người tài sắc như Phạm Thị Hằng (Từ Dụ), Nguyễn Hữu Thị Lan (Nam Phương), Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Định, Ngô Thị Huệ, Nguyễn Thị Bình, …
Người miền Tây chưa hoàn hảo, còn nhiều thói tật cần thay đổi nhưng vẫn rất đáng yêu. Đã đến lúc trả cho đất và người miền Tây sự công bằng cần có, nhất là việc đầu tư tương xứng, không để thiệt thòi như lâu nay.
Ai nói gì mặc, tôi vẫn khoái làm rể miền Tây.
NGUYỄN VĂN MỸ (Lửa Việt Tours)
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tan-man-ve-nguoi-mien-tay-a166249.html