Kỳ nghỉ lễ 30/4, 01/5 vừa qua, có lẽ là kỳ nghỉ lễ đáng nhớ của rất nhiều người Việt. Một kỳ nghỉ 5 ngày, thời gian đủ dài để nhiều gia đình sắp xếp những chuyến đi khám phá, gắn kết những thành viên trong gia đình, sau một khoảng thời gian làm việc miệt mài, sau Tết.
Ngôn từ quen thuộc mà mọi người thường hay nghe, hoặc trích dẫn trên các trang mạng xã hội, trong thời gian gần đây, là từ “chữa lành”. Đâu đó, từ “chữa lành” giống như một ngôn ngữ thời thượng, nở rộ trên khắp mặt trận báo chí. Nhưng liệu chúng ta có đang lợi dụng quá ngôn từ này?
Khi một ngôn ngữ nào đó phát triển thành một từ cửa miệng của dân chúng, mang tính xu hướng thời đại rõ rệt, thì chắc chắn trong đời sống xã hội có một sự "kết tụ nhân duyên” nào đó. Từ “chữa lành” cũng không ngoại lệ.
Cuộc sống nhân loại hôm nay, không nhiều thì ít, ai cũng chịu tác động nhất định của đại dịch Covid – 19, từ trong thực tiễn của cuộc sống, cho đến tâm lý. Sau đó là vấn đề về sự sụt giảm trong phát triển kinh tế, trên bình diện toàn cầu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận rất lớn người lao động. Nhiều doanh nghiệp sa thải công nhân, nhiều người lao động mất việc, nhiều công ty phá sản.
Con người đi từ trạng thái tâm lý ổn định, có niềm tin vào ngày mai, sang thái độ hoài nghi và bất định. Nghĩa là, trong đời sống hiện thực, chúng ta bị tổn thương. Cũng bởi vì bị tổn thương, nên chúng ta mới cần đến “chữa lành”.
Bản thân từ “chữa lành” là một thuật ngữ mang tính chuyên môn trong việc điều trị những người bị tổn thương (thể chất hoặc tinh thần, hoặc cả hai), nhằm giúp người đó trở nên khỏe mạnh hơn.
Bây giờ thì “chữa lành” đã vượt biên chuyên ngành để đi đến đại chúng, và đâu đó có nhiều người sử dụng, nhưng có thể không hiểu rõ về nó.
Nhiều người ngộ nhận đến mức, gán định ngành du lịch thành ngành “chữa lành”. Việc lạm dụng ngôn ngữ, để làm lệch đi khái niệm ban đầu, biến từ “chữa lành” đi quá tính chất ban đầu của nó, cũng là điều đáng để ta suy ngẫm.
Người đi du lịch đâu phải là để “chữa lành”, và để “chữa lành” đâu nhất thiết phải đi du lịch?...
Kỳ nghỉ 5 ngày vừa qua, vợ chồng tôi quyết định ở lại Hà Nội. Nên tuyệt nhiên không có bất cứ một kế hoạch hay dự định nào, cho những ngày nghỉ. Ban đầu, tôi cứ đinh ninh, rằng biết làm gì để “tiêu” hết 5 ngày đây? Nhưng thời gian cứ trôi đều, và mọi sự diễn ra với chúng tôi thật nhẹ nhàng.
Ban đầu, vợ có hơi tiếc nuối, vì đáng lý ra vợ chồng nên đi đâu đó cho tinh thần khuây khỏa. Nhưng rồi những trận nắng nóng ập đến.
Đọc thông tin về những kế hoạch bị hoãn, những lịch trình nghỉ lễ của bao gia đình bị xáo trộn, chúng tôi lại thấy quyết định của mình sao phù hợp với hoàn cảnh khách quan quá.
Sau những ngày nắng như đổ lửa, trời lại chuyển sang mưa, nghĩa là thời tiết rất không phù hợp cho những chuyến đi chơi, dù gần hay xa. Tiết trời như vậy, đi thôi đã thấy mệt, nói gì đến “chữa lành”.
Mặc dù, sau dịp nghỉ lễ, theo thống kê của ngành du lịch, là doanh thu cao. Nhưng đâu đó, tôi vẫn nghĩ, có nhiều người không thực sự trọn vẹn, cho kỳ nghỉ của mình.
Với vợ chồng tôi, dù không đi nghỉ ở đâu, hoặc thậm chí không đi chơi loanh quanh Hà Nội, nhưng những ngày nghỉ lễ vừa qua, chúng tôi vẫn thấy mình có một kỳ nghỉ thật trọn vẹn.
Đó là khoảng thời gian mà hai vợ chồng luôn được bên nhau, mỗi ngày. Những ngày nắng nóng, chúng tôi ở lì trong căn phòng giữa lòng thành phố, tôi vừa đọc sách vừa nghe nhạc, vợ nấu ăn.
Những hoạt động này, ngày thường vẫn diễn ra, nhưng cái sự trọn vẹn dành cho nhau khác rất nhiều so với những khoảng thời gian bên nhau ít ỏi của những ngày vợ làm việc rồi về lo cơm nước. Nó như một dạng thăng hoa trong cảm xúc.
Vợ tôi hạnh phúc là khi được nấu ăn cho chồng, bởi đơn giản một điều, cô ấy thích nấu ăn. Tôi hạnh phúc khi được có vợ bên cạnh, để khi vừa làm việc xong là có người để hàn huyên, không còn cảm giác buồn tẻ khi phải một mình ở nhà làm việc cả ngày. Cuộc sống diễn ra chậm rãi, nhẹ nhàng, ấm áp, mà đâu đó trong tôi cứ ngỡ như một giấc mơ.
Hết nắng thì đến mưa, chúng tôi lại vẫn bên nhau, vừa nghe nhạc, xem phim, đọc sách, ăn uống, và cùng nhau ngủ. Cái cảm giác cùng nằm ngủ bên nhau, mà ngoài trời thì mưa rả rích, thật lãng mạn. Vợ tôi rất thích điều đó.
Sau ngày mưa, trời tạnh ráo, vào buổi chiều, chúng tôi cùng nhau đi bộ ở công viên. Nhiều người vẫn chạy bộ, nhưng ít hơn ngày thường. Công viên này, ngày thường tôi vẫn hay đi bộ, nhưng ngày nghỉ được bên vợ dạo bước nhịp nhàng, vừa ngắm cảnh vừa trò chuyện, thì cảm giác cũng khác.
Và thật thú vị, thiên nhiên như hưởng ứng hạnh phúc của vợ chồng tôi, hoa bằng lăng nở rộ. Những bông hoa đẹp đến ngỡ ngàng, phủ khắp tán cây. Tạo nên một cảnh sắc đầy thơ mộng.
Chúng tôi cùng nhau ngắm hoa bằng lăng, rồi bao kỷ niệm xưa cũ của mỗi người tự ùa về. Và chúng tôi kể cho nhau nghe về quá khứ của mình, thời còn học sinh, điều mà từ trước đến giờ, vì một lý do nào đó mà chưa kể ra.
Khi rời khỏi công viên, về lại phòng trọ mình, hình ảnh về những chùm hoa bằng lăng tím vẫn còn rực rỡ trong tâm trí tôi. Và tôi nói đùa với vợ: Có khi nào chúng ta được "chữa lành", bằng cách ngắm hoa?
Vợ cười, một nụ cười rất tươi. Nụ cười đó khép lại 5 ngày nghỉ trọn vẹn của chúng tôi. Mà khoảng cuối của chặng đường bên nhau đó, là những cánh hoa bằng lăng tím đẫm, nhuốm đầy niềm an yên trong mỗi người.
“Chữa lành”, đâu cần phải cứ đi thật xa, rồi trở về nhà trong niềm sảng khoái. Đôi khi, sự “chữa lành” chỉ đơn giản là bên nhau, cùng nhau ngắm những bông hoa tươi đẹp, trong cuộc sống này.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chua-lanh-bang-cach-ngam-hoa-a166270.html