Mỗi tôn giáo trên thế giới này có một hệ thống giáo lý, tư tưởng, cũng như cách thực hành tín lễ riêng biệt. Với hàng ngàn tôn giáo khác nhau, cùng hiện hữu trên khắp thế giới này, thì có hàng ngàn cách thức thực hành tín lễ khác nhau. Dĩ nhiên, trong con số hàng ngàn đó, chỉ có vài tôn giáo được gọi là tôn giáo lớn, có tầm ảnh hưởng mang tính quốc tế. Phật giáo là một trong vài tôn giáo lớn đó.
Trường hợp "thầy Thích Minh Tuệ", một người tu không theo bất cứ một tổ chức tôn giáo nào, mà tự tâm tu hành, tự thực hành, lại chọn cách thức tu hành mang tính khắc nghiệt nhất. Đó là tu hạnh đầu đà, theo trong giáo lý Phật giáo.
Phật giáo có một nguyên lý rất nổi tiếng, đó là nguyên lý “tùy duyên”. Việc tu hạnh gì đó, là tùy vào căn duyên, nghiệp duyên (dùng chữ nhà Phật) của mỗi người. Duyên là vừa vô hình vừa hữu hình, cái ta có thể tự tạo dựng vừa lại hoàn toàn không thể tạo dựng, cái có thể nhìn thấy được nhưng lại không thể nhìn thấy, cái vừa cụ thể vừa vô tận, vừa nhỏ bé vừa rộng lớn vô biên. Duyên nằm ngoài ý muốn nhưng vừa năm trong ý muốn của mỗi người.
Giống như trong cuộc sống này, ta không thể nào biết được ta sẽ gặp ai phía trước, dù ta có cố tình chủ động tạo dựng cuộc sống của mình như thế nào đi nữa, thì cuộc sống luôn có những diễn tiến bất ngờ xảy ra, nằm ngoài khả năng dự liệu của ta. Và việc ta sẽ gặp ai đó, trong con đường phía trước, một phần nào đó có quan niệm cho rằng còn có yếu tố nhân duyên.
Nguyên lý “tùy duyên” là một trong những nguyên lý quan trọng, giúp người Phật tử lĩnh ngộ và sống một cuộc đời an lạc. Bởi, khi một người đã lĩnh ngộ được lẽ tùy duyên trong cuộc sống, thì người đó không cố chấp, chấp niệm, định kiến. Khi hiểu được lẽ tùy duyên, ta dễ dàng thuận theo hoàn cảnh hơn, biết sống hài hòa với bất cứ nhân duyên nào xảy đến.
Nguyên lý “tùy duyên” giúp chúng ta hóa giải bớt những phiền muộn, những tham si, để hướng đến một cuộc sống cân bằng, và sẵn sàng đón nhận bất cứ điều gì xảy đến với chúng ta. Và trong công việc, có những cái không xảy ra được như ý muốn cá nhân, thì ta cũng dễ dàng buông bỏ (buông bỏ không phải là từ bỏ hoàn toàn mang tính tiêu cực, mà dễ chấp nhận hiện thực, để tựa vào duyên đó mà phấn đấu vì mục đích sau cùng).
Và "thầy Thích Minh Tuệ" chọn lựa tu hành theo cách tu khổ hạnh, tự chịu đựng những khắc nghiệt cũng có thể vì duyên của người này.
Vậy nên, để hiểu đúng về thực hành đức tin, thiển nghĩ, mỗi người cũng nên hiểu biết qua về tôn giáo, tín ngưỡng, cũng như sự thực hành của tôn giáo đó trong thực tiễn.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/hieu-nhu-the-nao-ve-thuc-hanh-duc-tin-a166289.html