Ông tôi là vậy, rất ít khi muốn phiền hà con cháu. Mặc dù 3 người con trai của ông, trong đó có bố tôi, đều do ông một tay nuôi dưỡng mà khôn lớn, trưởng thành.
Cứ đến cuối tuần, cả nhà chúng tôi lại về thăm ông, ai có thời gian thì ở lại ăn với ông bữa cơm chứ ông không bắt buộc. Vì ông tôi nói, con cháu đều bận rộn, làm sao ưu tiên công việc của mình trước, ông thì thế nào cũng được. Mà dù con cháu còn khỏe chân, khỏe tay nhưng hễ về với ông là ông không để ai phải vất vả. Cứ tối hôm trước, ông sẽ hỏi con cháu nào ăn cơm không, thích ăn món gì để ông chuẩn bị.
Sáng Chủ nhật, ông tôi vừa đi bộ tập thể dục, vừa đi chợ xách đồ về chế biến. Ông tôi nấu ăn rất ngon, 3 cô con dâu của ông còn phải “bái phục”. Cứ tầm 11h trưa, khi con cháu về đến nơi là đã thấy trên bàn đầy ắp các món ngon lành. Có chăng, chúng tôi chỉ giúp ông dọn dẹp sau bữa cơm, mà không thì ông cũng luôn nói: “Con cháu nào bận thì cứ đi đi, ông dọn loáng cái là xong”.
Một năm đôi lần, ông tôi đến nhà các con chơi khoảng một hai ngày gọi là “đổi gió”. Nhưng, ông không khiến con cháu nào phải lo cho ông. Quần áo thay ra, dù nhà con có máy giặt nhưng ông vẫn tự giặt tay rồi phơi, khi khô thì cũng tự cất vào. Túi đồ của ông tôi lúc nào cũng đầy đủ, từ cái sạc điện thoại, bàn chải, thuốc đánh răng, khăn mặt... để không phải dùng đồ ở nhà con cháu.
Ở tuổi đã “gần đất, xa trời” nhưng chẳng mấy khi ông tôi phải nhờ con cháu đưa đi khám bệnh. Khi ốm đau, hay là đến lịch khám định kỳ là ông tôi tự chuẩn bị tư trang rồi bắt xe buýt đến bệnh viện. Sau đó, các con có hỏi thì ông luôn bảo: “Bố khỏe, các con cháu đừng lo. Có bệnh gì thì bố khắc báo các con”.
Tôi nhớ mãi hồi năm ngoái, tự nhiên bố tôi nhận được điện thoại của bác sĩ ở bệnh viện thông báo là ông tôi phải mổ chân, đề nghị gia đình đến ký giấy cam kết cho ông. Hóa ra là ông tôi bị đau đầu gối nên tự mình vào viện. Toàn bộ quá trình thăm khám, làm các xét nghiệm, ông tự thực hiện một mình.
Ngay cả khi bác sĩ báo nhập viện, ông cũng tự làm thủ tục chứ không gọi báo cho con. Cho tới khi ông phải phẫu thuật, bác sĩ yêu cầu phải người nhà bảo lãnh thì ông mới chịu cho con biết. Lần đó, bố mẹ tôi và các bác còn giận ông mãi.
Bố tôi bảo với ông: “Bố cứ tự mình xoay xỏa vậy, nhỡ có chuyện gì chúng con lại ân hận vì làm con bất hiếu”. Nhưng với ông tôi thì: “Bố không sao đâu. Người già ai chẳng bệnh nọ bệnh kia, nếu lúc nào cũng báo tin thì các con, cháu suốt ngày phải nghỉ làm, nghỉ học để đi theo bố. Bố thực sự chưa cần đâu”.
Ông tôi nói không cần con cháu, nhưng ông lại luôn cố gắng để giúp con cháu những gì có thể. Các cháu nội hồi còn đi học mẫu giáo, đều được ông đưa đón tới trường và về nhà mỗi ngày. Khi cháu lớn vào đại học, ông góp một nửa tiền để cháu mua xe máy. Cháu thứ 2 vào học cấp ba, ông cũng cho tiền mua máy vi tính. Cháu út ra đời khi bố mẹ cháu tuổi không còn trẻ, ông hỗ trợ một phần tiền thuê người giúp việc theo giờ để đỡ đần thêm. Cứ như vậy, mỗi khi các cháu bước vào một dấu mốc quan trọng nào đó, là ông đều có mặt, bằng cách này hay cách khác đồng hành, hỗ trợ.
Cả nhà tôi đều luôn yêu quý, kính trọng ông. Mọi người hiểu tấm lòng của ông dành cho con cháu, lúc nào cũng muốn cho đi mà chẳng muốn nhận về.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/cho-di-ma-chang-muon-nhan-ve-a166333.html