Nhìn cảnh nhiều người dân cho “cơm” những người đi khất thực cùng “Thầy Thích Minh Tuệ”, với niềm vui rạng ngời, nụ cười sáng trong, tôi tự nghĩ: Có chăng, khi con người cho đi điều gì đó một cách từ tâm (tự trong tâm mình muốn cho đi) thì rất hoan hỉ? Vì sao ta “cho” người này thì lại rất vui vẻ, nhưng nếu như “cho” người khác thì lại “không vui”? Dù rằng, giá trị món quà ta cho đi đó là như nhau!
Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe câu nói quen thuộc: Cho đi sẽ được nhận về. Nhưng vấn đề ở đây là đối tượng nhận. Người mình cho là ai? Chính điều đó làm cho mình hoan hỉ, hoặc không. Bản thân món quà cho, hành động cho, không nói lên được ý nghĩa, giá trị của chính nó. Vậy, điều cốt lõi là nằm ở trong tâm tưởng của người cho.
Người cho nghĩ rằng món quà mình cho đó có ý nghĩa, có thể vì một mục đích vụ lợi hoặc không vụ lợi. Nhưng trước hết, người cho cảm thấy mình nên cho đi, cần cho đi, hạnh phúc khi được cho đi. Đó là do tâm mình muốn thế, thậm chí là khao khát cho đi. Đương nhiên, sự cho đi ở đây không nằm ở việc cho ai đó vu vơ, cho khơi khơi, mà là cho một đối tượng cụ thể.
Tôi từng chứng kiến nhiều người ăn xin ngồi ở ngã tư, nơi đường phố, khi đèn đỏ thì rất nhiều xe dừng lại, hiển nhiên, trong rất nhiều những người dừng lại đó, có người chủ động cho tiền. Hình ảnh những người ăn xin trông nhếch nhác, có khi lại bị khuyết tật, chính điều đó đã đánh vào lòng trắc ẩn của chúng ta. Nhiều người đã từng cho họ, tôi cũng từng đôi lần như vậy.
Tuy nhiên, nếu đằng sau việc người ăn xin đó là một câu chuyện không đơn giản như ta nghĩ (lúc cho đi), thì trạng thái tinh thần “sẻ chia” của ta cũng ít nhiều bị áy náy. Ví dụ như, khi ta biết rõ, rằng thu nhập của người ăn xin đó mỗi ngày có thể đến nhiều triệu, và người đó tự đóng vai người ăn xin thế, nhưng đằng sau đó là một cơ ngơi khang trang (hoặc để dành tiền tỷ trong ngân hàng). Ta thấy mình bị lừa, lừa một cách tinh vi, mà sự vụ bị lừa đó, là vì lòng trắc ẩn trong ta.
Nếu ta sống theo tư tưởng duy tâm, thì ta nghĩ, rằng chính những người cố tình đóng vai người yếu thế (người ăn xin) đó lừa ta, thì tự họ gây nghiệp cho chính họ, tự họ nhận lấy. Còn ta, tâm ta trong sáng, ý ta trong sáng, ta không quan tâm lắm đến điều đó. Ta cho đi, là ta tốt!
Người thực tế hơn một xíu, thì nghĩ, rằng nhờ có người ăn xin đó, nên ta mới có cơ hội cho, và cái ta nhận được là niềm vui (hoan hỉ), là được rồi. Dù cái niềm vui được cho đi đó, diễn ra trong tích tắc.
Tôi cũng từng đôi lần như thế, cho đi, và chẳng nghĩ gì cả. Có đôi lần, dù trước mắt khó khăn, nhưng khi thấy tình cảnh một cô gái trẻ có vẻ nghèo khổ bồng một đứa con nhỏ trên tay, bên cạnh còn có đứa con nhỏ khác, thì tôi cảm động quá, tự động cho cô ấy một số tiền bằng ba mươi phần trăm thu nhập trong ngày của tôi. Tôi cảm thấy vui vì hành động đó.
Nhưng khi cô ấy vừa đi khỏi, người chủ quán bún nói với tôi, rằng đó là mấy đứa lười biếng lao động đóng vai đi ăn xin đấy. Thì tự dưng tôi không còn thấy vui nữa. Thay vào đó là một cảm giác khó chịu, vì dù sao mình làm ra đồng tiền cũng rất khó khăn, mồ hôi nước mắt. Và cho đến bây giờ, nghĩ lại, tôi vẫn phải thừa nhận, nếu có thể thì nên cho cô ấy một ít thôi. Vì có khi cả ngày đi lang bạt như thế, cô ấy có tiền triệu, số tiền mà tôi phải mất mấy ngày công mới làm ra được.
Vậy đấy, nếu cô ấy là người có hoàn cảnh khó khăn thực sự, người vô gia cư, rơi vào bước đường cùng, thì với một người lao động bình thường như tôi, vẫn có thể cho đi nửa ngày công, một ngày công. Nhưng nếu cô ấy không phải như vậy, thì thật khó!
Trở lại với việc người dân cho đồ ăn với những người theo Phật đi khất thực, cái người cho nhận được là sự hoan hỉ trong lòng. Đương nhiên, đằng sau sự hoan hỉ đó là niềm tin về tâm linh, niềm tin tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo. Nếu đặt giả sử, nếu một người bình thường vào nhà người đó xin ăn, có khi lại bị chửi.
Ngày xưa, tôi cũng hay đến Chùa, thăm cảnh vật và thắp nhang cho Phật. Tôi nhìn thấy nhiều người làm việc không công trong Chùa, theo cách nói của người Phật tử là đi làm công quả. Nhìn một góc độ nào đó, làm công quả là sự tự nguyện của người Phật tử, nhưng nếu xét rộng ra, thì làm công quả còn là trách nhiệm và bổn phận của người Phật tử.
Những người có tâm theo Phật, tin vào nơi thờ tự, thì rất hoan hỉ khi được đi làm công quả. Vì đằng sau sự việc làm công quả đó, họ cầu mong một cuộc sống bình yên, ấm no. Và họ thấy rằng, làm công quả chính là trách nhiệm và bổn phận của họ, với ngôi Chùa (nơi họ thường xuyên đến đảnh lễ và cầu nguyện).
Và tôi từng gặp những cô, chú làm công quả ở Chùa, họ rất vui vẻ và hoan hỉ khi làm điều đó. Và đôi lần, tôi tự đặt ra câu hỏi, rằng trong cuộc sống, có một ai đó khó khăn đang cần họ giúp, và nhờ họ giúp, thì liệu họ có giúp, và có hoan hỉ hay không?
Điều đó thật khó trả lời. Dù rằng việc cho đi (tiền bạc, của cải, sức lực) là giống nhau, nhưng niềm hoan hỉ đến hay không, lại nằm ở đối tượng nhận nữa. Và đương nhiên, khi tâm ta thấy rằng việc đó tốt, việc đó nên, việc đó lợi lộc cho ta về sau, thì sự cho đi đó rất hoan hỉ. Ngay cả những người làm công quả, hoặc cúng dường, hoặc làm từ thiện nhiều, trước hết là xuất phát từ tâm muốn cho đi, thì đằng sau đó vẫn mong mang lại lợi lộc (dù có thể là lợi lộc mang tính tâm linh).
Còn nếu không, cũng có khi ta không còn hoan hỉ nữa?...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/cho-di-la-hoan-hi-a166450.html