Cùng dự hội nghị có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Xuân Hùng; Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh; Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội TP Hà Nội; lãnh đạo các quận, huyện có khu công nghiệp đóng trên địa bàn;
Chủ tịch, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; đại diện một số doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở và gần 300 CNLĐ đại diện cho 3 triệu CNLĐ đang làm việc.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Huy Khánh cho biết, Hà Nội hiện có 10 Khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc; với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động; trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 80%). Vấn đề nhà ở cho CNLĐ còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động, đó vẫn là yêu cầu bức xúc hiện nay của đoàn viên, người lao động. CNLĐ rất mong muốn được mua nhà ở xã hội, với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp.
Hiện nay, Thành phố có 3 Khu công nghiệp là: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của CNLĐ. Các Khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân.
Do vậy khoảng trên 80% CNLĐ đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao...
Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như: Trường Mầm non công lập còn thiếu, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, điểm sinh hoạt phục vụ CNLĐ ở các Khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có. Đặc biệt, khối trường phổ thông trung học còn thiếu, cùng với đó là cơ chế chỉ học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng ký thi vào các trường công lập. Điều đó đã gây bức xúc, khó khăn hơn cho người lao động nhập cư khi phải cho con học trường dân lập với chi phí học tốn kém, chưa phù hợp mức thu nhập của CNLĐ.
Trước tình hình đó, TP Hà Nội đã triển khai, hỗ trợ tiền thuê nhà cho 371.638 lượt lao động, tại 20.794 doanh nghiệp; với số tiền hơn 194 tỷ đồng…; Chỉ đạo các Sở, ngành triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động, chủ yếu hỗ trợ người lao động làm việc tại các Khu công nghiệp, như: giảm giá thuê nhà trọ, giảm giá điện, nước... Vận động doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho CNLĐ tại các nhà máy, xí nghiệp, hỗ trợ kinh phí thuê nhà cho người lao động.
Tuy khó khăn do ảnh hưởng những tác động của kinh tế, chính trị thế giới, song tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP thời gian qua vẫn giữ được ổn định. Số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công có xu hướng giảm mạnh. Việc đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở… ngày càng phổ biến và đi vào thực chất hơn.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố, với tinh thần nỗ lực vượt khó, tuy sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động. Đây là giải pháp quan trọng để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần tạo cho doanh nghiệp hoạt động ổn định.
Tiền lương bình quân chung của người lao động năm 2023 bằng với năm 2022. Điều này cho thấy do khủng hoảng kinh tế dẫn đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn kinh phí chi trả lương cho người lao động. Riêng quý I năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... Đặc biệt, còn khó khăn hơn đối với CNLĐ đang làm việc ở trong các Khu công nghiệp và chế xuất.
Những tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế Thủ đô bắt đầu khởi sắc, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi. 4 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 73.298 lao động, đạt 44,4 % so với kế hoạch, trong đó giải quyết việc làm cho 13.892 lao động từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 1.717 tỷ đồng; số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm là 5.483 lao động,…
Hiện nay, số người tham gia BHXH bắt buộc là 2.059.803 người, tăng 88.126 người so với cùng kỳ năm 2023; tăng 2.105 người so với 31/12/2023; đạt 88,93% Kế hoạch; chiếm 44,3% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tăng cao, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Xác định quan điểm mỗi bước tiến, mỗi thành công chung của Thành phố không thể thiếu vai trò quan trọng của lực lượng CNLĐ Thủ đô, với vai trò là người đứng đầu, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị, các CNLĐ hãy thẳng thắn trao đổi, có ý kiến, đề xuất nguyện vọng của mình. Với tinh thần như vậy, cuộc đối thoại tập trung vào những nội dung theo các nhóm lĩnh vực sau: Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chăm sóc sức khỏe, y tế, bảo hiểm xã hội, an toàn thực phẩm; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề; trật tự, an ninh, an toàn xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp…
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh đây là dịp để trao đổi, đối thoại và cùng nhau bàn bạc, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đời sống, việc làm của công nhân, người lao động, đặc biệt là tại các Khu công nghiệp chế xuất của Thành phố.
“Để Hội nghị hôm nay thật thiết thực, hiệu quả đối với công nhân, người lao động, tôi muốn lắng nghe trực tiếp ý kiến của công nhân, người lao động một cách cởi mở, thẳng thắn, dân chủ, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của mình trên mục tiêu chung “năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn. Chúng ta sẽ cùng thảo luận để làm sao Chính quyền Thành phố có thể tạo điều kiện tốt hơn, hỗ trợ nhiều hơn cho công nhân, người lao động Thủ đô trong thời gian tới”- Chủ tịch UBND Thành phố chia sẻ.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, xác định quan điểm mỗi bước tiến, mỗi thành công chung của Thành phố không thể thiếu vai trò quan trọng của lực lượng công nhân, người lao động Thủ đô, với vai trò là người đứng đầu, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị công nhân, người lao động hãy thẳng thắn trao đổi, có ý kiến, đề xuất nguyện vọng của mình.
Đồng thời, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định trên tinh thần tiếp thu, với vướng mắc nào có thể tháo gỡ, lãnh đạo Thành phố, các sở ngành, đơn vị sẽ giải đáp ngay tại hội nghị. Chính quyền Thành phố luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị nhất, sẽ đáp ứng tối đa những nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động vì điều đó cũng sẽ là động lực để Thành phố phát triển.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chinh-quyen-thanh-pho-luon-lang-nghe-nguyen-vong-chinh-dang-cua-cong-nhan-lao-dong-a166631.html