Lại vừa có thêm một vụ học sinh đánh bạn rất dã man xảy ra ở huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa. Cháu bé lớp 7 bị đánh tơi tả, sau đó còn bị lột quần áo rồi quay clip...
Thôi cái chuyện các cháu đánh nhau, có thể coi là như cơm bữa thì ai cũng biết rồi, ai cũng lên án rồi, nhà trường và các cơ quan chức năng vào cuộc rồi, và, điều này ai cũng thấy, những việc như thế nó không những không giảm mà có vẻ như vụ sau hung hăng hơn, dã man hơn vụ trước.
Hình như chúng ta vẫn nương nhẹ tội ác, vẫn nuông chiều các cháu, vẫn có gì đấy vuốt đuôi, chưa dám xử lý mạnh. Có người bảo, thôi thì không bỏ tù các cháu, nhưng nên có một cách, một môi trường giáo dục khác với những cháu hung hăng, tái diễn nhiều lần...
Ở đây tôi bàn tới việc khác, ấy là sự vô cảm của các cháu... đứng xem, thậm chí cổ vũ.
Cũng từng là học sinh, cũng từng chứng kiến đánh nhau, tôi nhớ mình chưa bao giờ ủng hộ, mà thường là lập tức chạy đi tìm thầy cô hoặc người lớn nhờ can thiệp. Tất nhiên cũng vì thế mà có lần cũng bị... ăn đòn, vì bị bảo là đi mách lẻo.
Nhưng đứng xem, rồi cổ vũ, rồi bày cho đánh vào chỗ này chỗ kia, bày cách lột đồ... thì quả là, các cháu thời nay giỏi hơn thời xưa.
Các vụ học sinh đánh nhau, hay đánh bạn, hiện nay, bao giờ cũng kèm: nhiều bạn đứng nhìn và quay clip. Còn nếu xem clip thể nào cũng nghe rất rõ những tiếng cổ vũ: đánh nữa đi, đánh vào chỗ này chỗ kia...
Nó chứng tỏ học sinh bây giờ vô cảm hơn, dù có thể trước đấy, các cháu vừa ngồi trong lớp nghe cô giảng một bài văn và thậm chí, thút thít khóc.
Tôi đồ chừng, nó bắt nguồn từ sự vô cảm của người lớn.
Chúng ta từng nhớ vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị giam oan 10 năm, và may là gia đình ông đã tự điều tra để tìm được thủ phạm giết người thực sự cung cấp cho cơ quan điều tra để chứng minh ông bị oan. Vấn đề đáng nói là, báo TT phỏng vấn 2 ông từng ngồi xử ông Chấn, thì một ông nói là ông ấy không nhớ gì cả, ông ấy xử bao nhiêu vụ thì làm sao mà nhớ hết từng vụ. Ông thứ 2 bảo hồi ấy ông xử có chứng cứ đầy đủ, và tòa phúc thẩm cũng xử y án thì đương nhiên ông ấy xử đúng, còn giờ nó sai thì phải đi hỏi… Quốc hội ấy. Sau đấy cơ quan chức năng yêu cầu 6 điều tra viên trực tiếp làm vụ ông Chấn 10 năm trước, viết tường trình, cả 6 ông phủ nhận việc ép cung, bức cung, tức là ông Chấn không giết người, không hiếp dâm, nhưng đã “tự nguyện” nhận mình hiếp dâm giết người để đi tù chung thân sau khi quý tòa chiếu cố con liệt sĩ chứ không thì ông Chấn đã xanh cỏ rồi... Sự vô cảm đang lan tỏa rất nhanh trong xã hội, đặc biệt trong một số người có quyền.
Mà không chỉ mỗi vụ ấy. Sau này có vụ án oan sai cứ đổ qua đổ về cho nhau, chả ai thấy mình sai. Và thực ra, không cần sau này, ngay khi việc sai đang xảy ra, nếu anh không vô cảm, nếu anh có trách nhiệm, lương tâm sẽ cắn rứt, trách nhiệm sẽ trỗi lên, thì sẽ không có những oan sai, không có những tội ác xảy ra dẫn đến hệ lụy khó lường.
Và quan trọng là, nó là tấm gương ảnh hưởng tới lớp trẻ, tới con cháu, trước hết là chính con cháu những người vô cảm ấy.
Đau nhất là sự vô cảm của chúng ta lại đến nhiều hơn từ phía những công bộc của dân, trong cuộc đời thực. Bao nhiêu sản phụ chết oan, bao nhiêu gia đình tan nát từ những quyết định sai trái… chỉ cần có một trái tim nóng, trước khi làm gì ta nghĩ đến số phận những con người cụ thể, có khi những quyết định sẽ không đến nỗi gây tác hại lớn. Nhưng một số người có trách nhiệm đã vô cảm, luôn coi mình đúng, dân phải sai để rồi sau này sửa sai thì tác hại nó lên cấp số nhân…
Tôi giờ mỗi buổi sáng dậy lại làm một việc là “điểm tin”, chọn những việc đáng chú ý đầu ngày trên các báo để điểm trên facebook của mình phục vụ bà con... lười đọc báo. Và, dẫu rất cố gắng hạn chế tin tiêu cực nhưng vẫn không thể không nhắc tới, tất nhiên tôi phải tìm cách để những cái tin ấy nó nhẹ nhàng hơn. Và quá trình ấy, tôi nhận ra, những cái xấu, cái ác ấy, nó xảy ra phần lớn có căn nguyên từ sự vô cảm.
Từ vô cảm dẫn tới hèn nhát.
Ai mà chả mơ ước một sáng thức dậy, hít thở không khí trong lành, mở trang báo “chào buổi sáng” cũng gặp toàn những điều tốt, không bị cái ác, cái xấu ám ảnh. Người bình thường còn thế, huống hồ tôi là nhà thơ. Và cái việc lên án cái ác, cái xấu cũng là cách để xã hội bớt đi cái ác cái xấu, để mọi buổi sáng đều trong lành, đều là những nụ cười, có điều, cái ước mơ ấy có vẻ viển vông quá, chí ít là bây giờ…
Đúng là hàng ngày chúng ta tiếp xúc với nhiều cái xấu, cái ác nó đang khiến chúng ta chai lì đi. Nhưng căn nguyên sâu xa, theo tôi nghĩ, là do chúng ta đã để cho cái bản năng hoang dã của con người phát triển quá trớn. Chúng ta khuyến khích sự làm giàu, sự kiếm tiền, nhưng chúng ta lại quên giúp con người cũng phải kiếm, phải tìm, phải bồi bổ, bằng nhiều cách, lương tâm và nhân cách, những giá trị sống để con người phát triển hoàn hảo. Chính cái thế giới tinh thần tốt đẹp, nhân văn của con người nó làm cho tính ác bớt đi, con người hoàn hảo hơn, và sự vô cảm không còn. Dân tộc ta có truyền thống “thương người như thể thương thân”, lá lành đùm lá rách”... mà sao giờ sự vô cảm tràn lan thế?
Thế nên bây giờ, nhiều khi thấy người gặp nạn lại không dám giúp, hoặc có giúp, có khi người bị nạn lại không tin. Điều ấy không đáng để đau đớn và xấu hổ ư? Con người đang mất niềm tin vào những điều tốt đẹp, vào chính con người. Đây là điều đáng phải báo động nhất. Bởi khi không tin thì người ta sẽ nổi loạn. Cũng như giờ dân rất hay… tự xử. Đánh chết kẻ trộm chó nhé, cứ người nhà chết ở bệnh viện là vác quan tài diễu phố nhé, bị cảnh sát thổi phạt là lăm lăm điện thoại quay clip để làm chứng vân vân, dân biết là phạm luật nhưng vẫn làm, bởi họ không tin vào sự giải quyết đúng đắn, công bằng của một số người đại diện chính quyền nữa. Nó tạo nên một nhóm xã hội hỗn loạn.
Tôi luôn phải tự tạo ra cho mình những phút giây tĩnh tại để mà chiêm ngẫm, chứ cứ để cho cuộc sống xô bồ ào ạt cuốn đi thì đúng là có khi mình cũng… vô cảm thật. Có điều nói thật, để có những phút tĩnh tại để chỉ nghĩ về cái đẹp, điều thiện bây giờ thật khó, vì từ xã hội cho đến trong nhà bây giờ có bao nhiêu điều phải lo phải nghĩ, phải để tâm vào. Thi thoảng Restart lại mình là cách để mình giữ mình.
Nhiều lúc nghĩ theo kiểu AQ: Mình là hạt cát, nhưng là một hạt cát hoàn chỉnh. Nếu nó lọt đúng vào lòng một con trai may mắn nào đó, có khi nó thành ngọc. Còn không, nó vẫn là cát, nằm phơi nắng và… ngắm biển…
Nói thế thôi, những lúc không AQ, và những lúc ấy nhiều lắm, tôi cũng đau, cũng xót trước cái xấu, cái ác đang ngày càng hoành hành, và cũng rất kinh ngạc trước sự phát triển của nó, cũng như sự bất lực của chúng ta…
Và mấy ngày vừa qua, sự xuất hiện của khất sĩ Minh Tuệ đã khiến dư luận xã hội dậy sóng. Bỏ qua những a dua, những ăn theo, câu view, thì ngài Minh Tuệ như một đốm sáng hút về mình những hạt cát niềm tin của điều thiện, tính nhân văn, nghị lực và cả sự đốn ngộ của con người trước những nhộn nhạo của đời sống...