5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 2,5 tỷ USD

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 2,5 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng 5, ước tính xuất khẩu rau quả đạt 665 triệu USD, tăng 10,3% với tháng trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Thanh Niên, đây là tháng có tốc độ tăng trưởng thấp thứ 2 kể từ đầu năm; tháng 2 tăng trưởng âm 11% so với cùng kỳ năm 2023 do rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

Về kim ngạch nhập khẩu, theo VTV, trong tháng 5/2024, kim ngạch nhập khẩu rau quả sơ bộ đạt 180,426 triệu USD, tăng 26 % so với tháng trước (tháng 4/2024 đạt 143,087 triệu USD) và tăng 16,1 % so với cùng kỳ (tháng 5 năm 2023 đạt 155,364 triệu USD).

5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu rau quả đạt sơ bộ 815,848 triệu USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái ( Năm 2023, 5 tháng đạt 714,356 triệu USD).

Như vậy, trong tháng 5/2024, lĩnh vực rau quả xuất siêu đã xuất siêu 484,430 triệu USD và tính chung 5 tháng đầu năm 2024 đã xuất siêu rau quả đạt 1.733,102 triệu USD.

Kinh tế - 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 2,5 tỷ USD

Sầu riêng Việt Nam bị ảnh hưởng vì nắng nóng khiến kim ngạch xuất khẩu tăng chậm.

Giải thích về việc tốc độ tăng trưởng chậm lại của ngành hàng rau quả trong tháng 5, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết, thời tiết nắng nóng bất thường khiến năng suất và sản lượng nhiều loại trái cây bị ảnh hưởng. Đặc biệt, mặt hàng chủ lực là sầu riêng bị ảnh hưởng khá nhiều về sản lượng do nắng nóng và do không đủ kích cỡ đã làm kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cũng như rau quả nói chung tăng trưởng chậm lại trong tháng 5. Không chỉ Việt Nam, xuất khẩu của Thái Lan cũng bị ảnh hưởng đáng kể vì nắng nóng.

Theo Công Thương, trước đó, trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã chi khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng từ Thái Lan vào Trung Quốc giảm đến 49% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, nguồn cung sầu riêng của Việt Nam sang thị trường này tăng 82%.

Tuy nhiên, từ tháng 4 do sầu riêng Việt Nam và Thái Lan vào chính vụ thu hoạch nên nguồn cung đã tăng trở lại. Trong tháng 4, giá sầu riêng Việt Nam bán vào thị trường Trung Quốc đạt 4,22 USD/kg, thấp hơn đến 1,16 USD so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan. Điều này đã giúp sầu riêng Việt Nam nhanh chóng mở rộng thị phần, nhiều người Trung Quốc được dùng sầu riêng và dùng thường xuyên hơn.

Hiện tại, sầu riêng miền Tây đang vào cuối vụ thu hoạch và các tỉnh miền Đông và phía nam Tây nguyên đang chuẩn bị vào đợt thu hoạch rộ. Dự báo trong những tháng tới, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng và rau quả có thể tăng mạnh trở lại. Giá sầu riêng thu mua tại vườn đã giảm, chỉ từ 50.000 - 70.000 đồng/kg nhưng do năng suất tốt hơn nên thu nhập của người trồng vẫn đảm bảo tốt.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vẫn dẫn đầu nhóm trái cây vào thị trường này cả về sản lượng lẫn giá trị. Đây cũng là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam.

Hiện Việt Nam đang xúc tiến đàm phán mở cửa thị trường cho sản phẩm sầu riêng bóc múi đông lạnh sang thị trường Trung Quốc và xuất khẩu sầu riêng quả tươi sang thị trường Ấn Độ. Vấn đề đáng quan tâm của sầu riêng hiện nay vẫn là kiểm soát nâng cao chất lượng, vi sinh vật gây hại, quản lý sử dụng các mã số vùng trồng không để xảy ra các hành vi vi phạm như Trung Quốc đã liên tục cảnh báo.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, từ năm 2023 đơn vị này đã xúc tiến đàm phán với Ấn Độ để xuất khẩu sầu riêng. Sau hơn 1 năm đàm phán, hiện cơ quan bảo vệ thực vật Việt Nam và Ấn Độ đã chốt được danh mục sâu bệnh gây hại cùng quan tâm để thống nhất giải pháp kiểm soát khi tiến hành xuất nhập khẩu.

Theo VTV, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng có xu hướng tăng.

Đặc biệt, một số loại trái cây của chuẩn bị bước vào thu hoạch chính vụ như: sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải… sẽ góp phần tăng trưởng hơn nữa cho thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về kiểm dịch đối với dưa hấu từ tháng 12/2023 và chính thức có hiệu lực từ ngày 12/6/2024; bên cạnh các Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bơ, chanh leo vào Trung Quốc đang trong quá trình đàm phán tích cực.

Minh Hoa (t/h)

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/5-thang-dau-nam-kim-ngach-xuat-khau-rau-qua-uoc-dat-25-ty-usd-a166652.html