Theo hãng tin Bloomberg trích dẫn Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2023 của IQAir, các khu vực ghi nhận chất lượng không khí thấp nhất nằm tại Trung Đông, Châu Phi, Trung và Nam Á.
Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Tajikistan và Burkina Faso lần lượt được xếp hạng là 5 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất vào năm 2023, tính theo dân số. Trong khi đó, các thành phố có không khí tồi tệ nhất là New Delhi tại Ấn Độ, Dhaka tại Bangladesh, Ouagadougou tại Burkina Faso, Dushanbe tại Tajikistan và Baghdad của Iraq.
Ngược lại, Polynesia thuộc Pháp, Mauritius, Iceland, Grenada, Bermuda, New Zealand, Australia, Puerto Rico, Estonia và Phần Lan lần lượt là những quốc gia và vùng lãnh thổ đạt chuẩn chất lượng không khí và ghi nhận ít ô nhiễm nhất. Các thành phố ghi nhận nồng độ PM2.5 thấp nhất chủ yếu ở khu vực Châu Đại Dương, Scandinavia và Caribbean bao gồm Wellington tại New Zealand, Reykjavik tại Iceland và Hamilton tại Bermuda.
Báo cáo của IQAir cũng ghi nhận hiện tượng một số thành phố có mức độ ô nhiễm cao như Nam Tangerang tại Indonesia, Rocklea tại Australia và Benoni tại Nam Phi lại nằm trong số các quốc gia có mức độ ô nhiễm thấp nhất trong khu vực. Thậm chí trong cùng một thành phố, 2 địa điểm có thể ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí khác nhau tùy thuộc vào việc địa điểm đó tiếp giáp với công viên hay nhà máy điện.
Tuy báo cáo chất lượng không khí phần lớn có kết quả ảm đạm và tiêu cực, nó cũng thể hiện một số điểm sáng. Ví dụ như Trung Quốc – quốc gia từng nổi tiếng với chất lượng không khí kém – đã có những bước tiến lớn trong 2 thập kỷ qua. Một quốc gia khác ghi nhận tiến bộ là Chile với mức ô nhiễm PM2.5 giảm 15% kể từ năm 2022 bất chấp việc phải đối phó với cháy rừng và khói hồi tháng 2/2023.
Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2023 của IQAir cung cấp đánh giá về chất lượng không khí PM2.5 từ 7.812 thành phố trải rộng trên 134 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ. Dữ liệu được sử dụng để tạo báo cáo này được tổng hợp từ hơn 30.000 trạm giám sát chất lượng không khí do các tổ chức nghiên cứu, cơ quan chính phủ, trường đại học và cơ sở giáo dục, tổ chức phi lợi nhuận, công ty tư nhân và nhà khoa học công dân vận hành.
Nhận định về tác hại của ô nhiễm bụi mịn PM 2.5, bà Glory Dolphin Hammes, giám đốc điều hành bộ phận IQAir Bắc Mỹ, cho biết một trong những dạng ô nhiễm không khí phổ biến nhất, PM2.5 “giết chết nhiều người hơn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào khác hiện có”.
PM là viết tắt của particulate matter (hạt vật chất) và 2,5 thể hiện kích thước 2,5 micron của hạt bụi, tương đương với 1/30 đường kính của một sợi tóc. Chính kích thước nhỏ này khiến PM 2.5 trở nên vô cùng nguy hiểm do chúng có thể xâm nhập vào nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, gây kích ứng phổi và hệ hô hấp.
Ô nhiễm PM2.5 có liên quan đến việc tăng tỷ lệ đau tim và đột quỵ, đồng thời có thể gây ra hiện tượng được gọi là oxidative stress - căng thẳng làm tổn thương các tế bào của cơ thể nhanh hơn khả năng chúng có thể tự sửa chữa. Oxidative stress có liên quan đến nhiều loại bệnh khác nhau, từ bệnh Parkinson đến ung thư. Trong khi đó, Tiến sĩ Misbath Daouda, trợ lý giáo sư về công bằng y tế và công lý môi trường tại Đại học California ở Berkeley cho biết, nhiều nghiên cứu gần đây hơn đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với bụi PM2.5 cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.
Trong một báo cáo từ WHO, ô nhiễm không khí ngoài trời, chủ yếu do PM2.5 gây ra, là nguyên nhân gây ra cái chết sớm của hơn 4 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm. Một phân tích riêng do nhà nghiên cứu tại Viện Hóa học Max Planck ở Đức dẫn đầu đã phát hiện ra rằng nhiên liệu hóa thạch chịu trách nhiệm cho 65% số các ca tử vong trên.
PM 2.5 còn có một đặc tính gây lo ngại khác chính là gây ra ô nhiễm xuyên biên giới do tác động từ gió. Theo bà Dolphin Hammes, các vụ cháy rừng tại Canada chính là nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại nhiều thành phố ở Mỹ suy giảm nghiêm trọng trong năm 2023.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/10-quoc-gia-co-chat-luong-khong-khi-dat-chuan-who-a166664.html