Sự tăng trưởng kinh tế ở nước ta trong thời gian vừa qua là điều không thể phủ nhận, tuy thế, đấy là sự tăng trưởng kinh tế nóng. Nó khiến cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãng rộng, rất rộng...
Điều quan trọng là con người chưa được chuẩn bị tâm thế một cách kỹ càng để đón nhận sự thay đổi lớn ấy. Đời sống tăng cao, các mặt trái của xã hội cũng được phơi bày, nhiều thách thức, nhiều cạm bẫy, đời sống gấp gáp hơn, nhanh hơn, vô cảm hơn... nhưng lương tri của con người, nhân cách và tâm hồn thì vẫn thế. Và mấy năm vừa qua, hàng loạt lãnh đạo từ cao cấp tới rất cao bị kỷ luật, bị bắt, bị ra tòa và tù đày là minh chứng rõ nhất
Xã hội kỹ trị và sự ảnh hưởng của kinh tế thị trường khiến đời sống tinh thần của con người bị xáo trộn dữ dội. Nhiều giá trị bị đảo lộn, nhiều chuẩn xã hội bị lệch, thậm chí lệch rất xa, kể cả những chuẩn rất quan trọng như cái đẹp, cái cao cả, cái anh hùng, nhân cách, phẩm giá của con người vân vân...
Từ đó trong xã hội nảy sinh nhiều tội ác. Có thể nói chưa bao giờ tội ác và các hành vi vi phạm pháp luật nhiều như bây giờ. Con người bất an trong đời sống, bất cứ một lý do nhỏ nào cũng có thể dẫn tới tội ác. Một số cán bộ công chức đảng viên, cả các nhân viên bảo vệ pháp luật tha hóa, mọi giao dịch trong xã hội đều thông qua đồng tiền, lấy tiền làm thước đo giá trị và tiền để giải quyết công việc, bôi trơn đường đi nước bước. Con người cảm thấy chênh vênh trong cuộc sống. Lương tâm và lòng tốt của con người bị thách thức.
Sự cạnh tranh không lành mạnh khiến xã hội bất ổn, nó làm cho một bộ phận xã hội tin vào giá trị tuyệt đối của đồng tiền (kiểu như cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền), một bộ phận khác thì bất mãn, tiêu cực. Sự không gương mẫu trong lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, có cả cán bộ cao cấp càng khiến niềm tin vào lý tưởng bị phân tán.
Trong tình hình ấy, một số thì buông xuôi, một số lao vào vòng xoáy kiếm tiền bằng mọi giá, số khác thì ẩn dật, số nữa thì đi tìm các chân giá trị mới...
Những tác giả, chủ thể của các tác phẩm văn học nghệ thuật của chúng ta hiện nay tuyệt đại bộ phận là tốt. Họ quan tâm tới vận mệnh đất nước vừa với tư cách công dân, vừa với tư cách văn nghệ sĩ. Tác phẩm của họ phản chiếu cái nhìn của họ về xã hội và con người của thời đại họ sống. Họ, bằng tư chất và trách nhiệm nghệ sĩ của mình, không chỉ phản ánh mà còn làm chức năng cao cả là đo lường đạo đức và tiên tri sự phát triển xã hội. Trong tình hình hiện nay thì các tác phẩm VHNT đang đánh thức tình yêu cái đẹp, đánh thức nhân cách con người, thổi bùng ngọn lửa yêu nước và tự hào dân tộc trong từng trái tim nhiệt huyết.
Song như đã nói, người tiếp nhận tác phẩm văn học nghệ thuật hiện nay đang bị phân hóa dữ dội. Một mặt họ bị các phương tiện nghe nhìn của thời hiện đại chi phối. Đời sống kỹ trị khiến con người lười đi. Lười suy nghĩ, lười chiêm cảm, lười liên hệ và cả lười đọc lười xem. Mặt nữa, so sánh giữa thực trạng xã hội và nội dung tác phẩm vẫn còn quá cách xa nhau. Tài năng tác giả chưa đạt đến độ vừa hay vừa tốt, nên có tác phẩm hay mà chưa tốt và ngược lại tốt mà chưa hay.
Khôi phục lại niềm tin của con người hôm nay là trách nhiệm của tất cả chúng ta, và nó phải bằng rất nhiều cách, trong đó có việc trả lại giá trị thực của đời sống, kéo gần khoảng cách giàu nghèo. Một ví dụ nhỡn tiền là hiện nay rất nhiều lớp học nội trú dân nuôi các cháu được nuôi ăn theo tiêu chuẩn rất thấp, thậm chí các cháu phải tự mang cơm từ nhà đi, đa phần chỉ có cơm không, hoặc một chút muối, rau..., trong khi đó các tập đoàn Nhà nước thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng, trong khi đó nước ta đã có người trở thành tỉ phú thế giới. Định hướng xã hội chủ nghĩa là phải bảo đảm được cho người giàu phát huy hết khả năng giàu đúng luật, nhưng đồng thời không được để người dân nghèo dưới chuẩn.
Văn học Nghệ thuật, bằng khả năng và thiên chức của mình, một mặt đồng hành cùng nhân dân, mặt nữa phải đánh thức được nhân cách của mỗi người, đánh thức lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, lòng tự trọng trong từng con người, khơi dậy phần thiên lương trong trẻo nhất mà con người nào cũng có, nó có thể ngủ quên đâu đó trong góc khuất của tâm hồn, hoặc nó đang thức nhưng không có khả năng, điều kiện phát lộ. Trong một phát biểu của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, ông nói: "Ngày nay, nhân cách là vấn đề lớn của thời đại. Do thuận lợi của thời thế, một người bây giờ có thể hiểu biết rất nhiều, nhưng anh ta vẫn có thể không đủ nhân cách để làm điều tốt đẹp, nhiều khi còn làm điều xấu. Vì vậy mệnh lệnh của thời đại là mệnh lệnh về nhân cách. Cái đập mắt mỗi người Việt Nam khi ra đường hôm nay là những vấn đề nhân cách. Nỗi lo âu của mỗi bà mẹ là sợ con hư. Nỗi sợ của người già là không tìm được sự cảm thông giữa các thế hệ. Nỗi sợ của nhà giáo dục là sợ học trò nói hỗn. Những cơ sở chăm lo cho nhân cách con người đều suy yếu, xuống cấp: trường học, sách báo, nhà hát, vườn trẻ , các hội đoàn… Nỗi lo đè lên mọi người. Bảo vệ dân tộc trước hết là bảo vệ con người Việt nam trên biên giới của nhân cách và mất nhân cách. Quả thật, những con người mạnh, một dân tộc mạnh chính là tư tưởng sâu rễ bền gốc của Đức Trần Hưng Đạo. Thơ ca phải lên tiếng, phải đến với vấn đề nhân cách cá nhân, phẩm cách của dân tộc và phải tự mình trở thành nhân cách. Thơ Đường lớn không phải vì nó là đứa con của một thời đại thịnh trị, mà chính vì ở những đại diện lớn nhất của nó đã dám viết. Đó là nền thi ca của những nhân cách và tài năng lớn. Đó là nền thi ca giàu phẩm hạnh". Thơ ca ở đây, mở rộng ra có thể là cả nền văn học nghệ thuật.
Những bất cập chính hiện nay, theo chúng tôi là:
- Văn học Nghệ thuật vẫn còn đang đi bên lề đời sống, chưa đi thẳng vào đời sống như là sự nhập cuộc quyết liệt của 1 hình thái kiến trúc thượng tầng.
- Vẫn chưa tìm được hình mẫu điển hình của con người hôm nay. Con người Việt Nam mới trong thời đại mới hầu như chưa định hình.
- Các chính sách cho văn học nghệ thuật vẫn chưa theo kịp sự phát triển, thậm chí lạc hậu dẫn tới... dư thừa, không còn hợp với đời sống. Ví dụ vẫn áp dụng các hình thức đầu tư cào bằng cho VNS, trao các danh hiệu, giải thưởng tràn lan, nhiều tới mức ai cũng có (như NSUT, giải thưởng Nhà nước), các danh hiệu, giải thưởng VHNT được coi là danh giá mà ít người biết, các hội VHNT hoạt động chưa hiệu quả...
- Bản thân sự phát triển của nền kinh tế vẫn còn rất nhiều điều để con người cảm thấy chưa an tâm, thậm chí là thấy mình bị rẻ rúng, đứng ngoài. Trong hoàn cảnh ấy văn học nghệ thuật không thể đồng hành cùng đời sống hoặc với tư cách ngợi ca, hoặc với tư cách bôi xấu. Cần phải có độ giãn, có những xác quyết của thực tế và sự chứng minh của chính chủ thể để tạo độ tin cậy đối với công chúng và nghệ sĩ.
Tất nhiên để trùng khít là điều không thể, nhưng cũng cần có độ tương đồng nhất có thể, hợp lý nhất có thể...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/kinh-te-va-van-hoc-nghe-thuat-a167094.html