Tại buổi khai trương, Phó Chủ tịch UBND phường Bưởi Nguyễn Minh Hoài cho biết, UBND phường Bưởi đã xây dựng Đề án “Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy Dó” sử dụng nguồn vốn xã hội hóa. Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy Dó của vùng Bưởi xưa đặt tại địa chỉ số 189 phố Trích Sài. Đây không chỉ là một điểm dịch vụ, du lịch văn hóa, nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị của nghề làm giấy Dó truyền thống mà còn là địa chỉ tin cậy, quen thuộc đối với người dân Thủ đô và các tỉnh, thành trong cả nước, bạn bè quốc tế khi về tham quan, du lịch trên địa quận Tây Hồ. Kỳ vọng, điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy Dó sẽ ngày càng phát triển, thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, học tập góp phần gìn giữ giá trị văn hóa của nghề truyền thống, thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, du lịch của địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Vinh, năm 2024, quận Tây Hồ xác định là năm tập trung cao độ đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ du lịch; tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa đặc trưng của Tây Hồ gắn với Hồ Tây và các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống xung quanh Hồ Tây. Việc đưa vào vận hành, khai thác điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy Dó thể hiện rõ quyết tâm của phường Bưởi và quận Tây Hồ trong việc xây dựng, phát triển kinh tế địa phương, là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy ngành dịch vụ, du lịch, tạo ra những thay đổi đột phá.
Tại lễ khai trương, các đại biểu và du khách được tham quan, khám phá về quy trình, các công đoạn sản xuất giấy Dó truyền thống của vùng Bưởi xưa; tìm hiểu các dụng cụ sản xuất giấy Dó; hình ảnh tư liệu về nghề làm giấy Dó; trải nghiệm hoạt động in tranh, khắc bản in…
Phường Yên Thái ở Thăng Long xưa (vùng Bưởi) gồm nhiều làng: Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái, Nghĩa Đô. Vùng Bưởi làm ra nhiều loại giấy: giấy sắc (để viết sắc của vua ban), giấy lệnh (để viết các lệnh chỉ của vua), giấy bản (phục vụ dân dụng), giấy quỳ... Cho tới những năm 90 của thế kỷ 20, nghề làm giấy Dó tại vùng Bưởi vẫn còn được lưu giữ, sản xuất bởi các hợp tác xã; đầu những năm 2000, các hợp tác xã giải thể thì nghề làm giấy Dó mới mất hẳn tại vùng Bưởi. Giấy Dó truyền thống ở vùng Bưởi đã được người Pháp mô tả trong cuốn “Kỹ thuật của người An Nam”, là loại giấy xốp nhẹ mà bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt. Độ bền có thể lên tới hàng trăm năm do đặc tính của xơ sợi và quy trình làm hoàn toàn bằng thủ công, không có sự tác động của hóa chất. Chính vì điều này, người xưa đã dùng giấy Dó để in kinh sách, viết chữ, in tranh dân gian. Các triều đại phong kiến Việt Nam cũng dùng giấy Dó cho việc viết sắc phong; đến nay, nhiều đình, chùa và làng xã vẫn còn lưu giữ được những sắc phong này. |
Tuấn Sơn
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/khai-truong-diem-du-lich-van-hoa-nghe-truyen-thong-lam-giay-do-quan-tay-ho-a167628.html