Để quản lý tốt các bãi tắm biển trên địa bàn, ngày 19/2/2024, UBND Tp.Hải Phòng ban hành Quyết định 04/2024/QĐ-UBND (có hiệu lực từ 1/3/2024) thay thế Quyết định số 26/2018/QĐ-UBND.
So với quyết định cũ, Quyết định 04/2024/QĐ-UBND trao quyền quản lý các bãi tắm biển cho chính quyền các địa phương thay vì phối hợp như trước. Cụ thể, trách nhiệm của UBND các quận, huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các bãi tắm trên địa bàn.
Bên cạnh đó, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị khai thác bãi tắm, giám sát đơn vị khai thác bãi tắm tổ chức các hoạt động tại bãi tắm và công bố danh sách các bãi tắm trên địa bàn.
Quyết định 04/2024/QĐ-UBND cũng quy định rõ hơn về bãi tắm công cộng, nơi người dân và du khách được tự do tiếp cận sử dụng với mục đích tắm biển, vui chơi giải trí phù hợp với quy định của pháp luật và quy chế quản lý bãi tắm biển của Tp.Hải Phòng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số đơn vị được giao quyền quản lý, khai thác, vận hành các bãi tắm biển công cộng trên địa bàn Tp.Hải Phòng, một số quy định tại Quyết định 04/2024/QĐ-UBND hiện vẫn khiến địa phương gặp một số khó khăn.
Theo đó, đối với các bãi tắm biển, Tp.Hải Phòng yêu cầu đơn vị quản lý, khai thác, vận hành phải bố trí 1 nhân viên cứu nạn, cứu hộ trong khoảng cách 30 m chiều dài bãi tắm.
Thực tế, bãi tắm khu II Đồ Sơn có chiều dài 600 m. Theo quy định, UBND quận Đồ Sơn phải bố trí 20 nhân viên cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, do khó khăn về nhân lực vì thiếu kinh phí, hiện địa phương chỉ bố trí được 5 nhân viên.
Đối với bãi tắm 295 Đồ Sơn có chiều dài khoảng 1,2 km, hiện địa phương cũng chỉ bố trí được 3 nhân viên cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài ra, theo quy định, Tp.Hải Phòng yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý phải bố trí phương tiện (ca nô, xuồng, mô tô nước) cứu hộ đặt thường trực tại vị trí bảo đảm thuận lợi cho công tác cứu hộ, khoảng cách giữa các xuồng cứu hộ tối đa là 150m.
Tuy nhiên, đến nay cả bãi tắm khu II và 295 Đồ Sơn, mỗi bãi tắm chỉ được bố trí 1 ca nô cứu hộ cũ do địa phương chưa bố trí được kinh phí mua sắm ca nô mới.
Cũng theo quy định, các địa phương, đơn vị quản lý bãi tắm phải bố trí các điểm tắm tráng nước ngọt (nam, nữ riêng biệt), khoảng cách giữa các điểm tắm tráng tối đa là 150m.
Tuy nhiên, hầu hết các bãi tắm biển công cộng trên địa bàn Tp.Hải Phòng hiện chưa đáp ứng được yêu cầu này. Trong đó, các bãi tắm 295, khu II Đồ Sơn, hiện chưa có điểm tắm tráng nước ngọt. Người dân, du khách tắm biển tại đây phải sử dụng dịch vụ tắm tráng nước ngọt của các hộ kinh doanh trong khu vực.
Đối với bãi tắm biển công cộng Vụng Hương ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, theo ghi nhận của Người Đưa Tin, mặc dù đã có các điểm tắm tráng nước ngọt công cộng, nhưng hiện người dân, du khách chưa thể sử dụng (các vòi tắm tráng đều chưa có nước). Họ buộc phải sử dụng dịch vụ tắm tráng trả phí.
Không chỉ có các bãi tắm công cộng ở khu du lịch Đồ Sơn, mà các bãi tắm công cộng ở khu du lịch Cát Bà (các bãi tắm Cát Cò 1, 2, 3 và bãi tắm Tùng Thu) ở huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, cũng gặp những khó khăn tương tự.
Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện lãnh đạo đơn vị được giao quyền quản lý, khai thác, vận hành bãi tắm biển công cộng ở quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, cho biết, những quy định về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, nhân lực… được quy định tại Quyết định 04/2024/QĐ-UBND, hiện đơn vị và địa phương cơ bản đáp ứng.
Tuy nhiên, vì thiếu kinh phí mua sắm mới, trả lương, nên khó khăn liên quan đến bố trí nhân lực cứu nạn, cứu hộ, điểm tắm tráng nước ngọt, ca nô cứu nạn, cứu hộ… hiện vẫn chưa được khắc phục.
“Đối với các bãi tắm thu phí, chủ đầu tư có thể đáp ứng đầy đủ theo quy định của Thành phố bởi họ có nguồn kinh phí dành cho việc này. Tuy nhiên, với các bãi tắm công cộng, đơn vị quản lý rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Thành phố cũng như chính quyền địa phương để quản lý, khai thác, vận hành các bãi tắm tốt hơn cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn cho du khách tắm biển”, vị này nói.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/hai-phong-dia-phuong-gap-kho-trong-quan-ly-bai-tam-bien-a168208.html