Lễ hội Vì Hòa bình lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, tri ân các anh hùng liệt sĩ, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh. Đồng thời góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam; hướng tới xây dựng Quảng Trị thành một không gian văn hóa vì Hòa bình, là điểm đến vì Hòa bình. Lễ hội cũng hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày ký kết Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (20/7/1954 - 20/7/2024), 77 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 được thiết kế với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, âm nhạc, giải trí, thể thao, ẩm thực; được tổ chức ở nhiều không gian khác nhau, với nhiều cung bậc khác nhau, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là những người trẻ. Lễ Khai mạc sẽ diễn ra hội vào tối ngày 6/7 tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Điểm nhấn của chương trình Khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Kết nối những nhịp cầu” được kỳ vọng sẽ tạo ra cảm xúc “mang cả thế giới hòa bình đến Quảng Trị”- mảnh đất đã trở thành biểu tượng cho khát vọng hòa bình, sự hàn gắn và hồi sinh.
Trong khuôn khổ sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc cho du khách trải nghiệm. Ngày hội Đạp xe vì hòa bình (29-30/6), dự kiến có khoảng 1.000 vận động viên phong trào trong nước và quốc tế tham dự. Lễ hội Văn hóa, ẩm thực “Hương vị miền hoa nắng” (12-14/7). Ngoài ra, công chúng cũng sẽ được tham dự nhiều chương trình giao lưu âm nhạc đặc biệt xuyên suốt thời gian diễn ra Lễ hội. Ban tổ chức cũng đã mời các nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật 7 quốc gia tham dự, trong đó có không ít nghệ sĩ nổi tiếng thế giới tới từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hưởng ứng Lễ hội cũng được tổ chức dịp này như: Chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17- Khát vọng hòa bình” do Báo Nhân Dân tổ chức diễn ra vào tối 19/7 tại khu vực Kỳ đài bờ Bắc khu di tích đặc biệt Quốc gia đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải; Giải Chạy Marathon “Hành trình về đất lửa” tỉnh Quảng Trị diễn ra từ ngày 15-16/6; Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam; các giải thể thao quốc gia, Hội chợ thương mại quốc tế “Nhịp cầu xuyên Á”…
Một điểm nhấn nữa của Lễ hội là chương trình “Ước nguyện hòa bình” vào tối 26/7 tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Bao gồm các hoạt động: Lễ dâng hoa, dâng hương, thả hoa đăng, cầu nguyện. Đặc biệt, tiếng chuông cầu nguyện hòa bình diễn ra đồng thời với các hoạt động tri ân tại tất cả nghĩa trang, bia tưởng niệm, nhà thờ các Anh hùng liệt sĩ. Đáng chú ý, Lễ hội sẽ được tổ chức theo hướng “mở”, chỉ có ngày khai mạc chứ không có bế mạc. Đây là thông điệp Ban tổ chức gửi đến công chúng và du khách: Bất cứ lúc nào cũng có thể tới tận hưởng không khí lễ hội, không khí vì hòa bình tại Quảng Trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nhấn mạnh: “Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình. Trải qua những cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, chịu đựng biết bao mất mát, hy sinh, hơn ai hết, dân tộc Việt Nam nhận rõ giá trị của hòa bình… Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, Quảng Trị là nơi gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh, mất mát; chứng kiến bao cảnh tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh. Nhưng hôm nay, nơi đây “đất thiêng đã nở đóa hoa hòa bình”, Quảng Trị đã hồi sinh và vươn mình lớn dậy, khởi sắc trên tro tàn đổ nát của chiến tranh, trong thế giới hòa bình và hội nhập”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc chia sẻ, Lễ hội sẽ tạo động lực quan trọng để Quảng Trị trở thành không gian văn hóa vì hòa bình, địa chỉ đỏ vì hòa bình, nơi hội ngộ bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình. Qua đó, góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông bày tỏ mong muốn, Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 sẽ là minh chứng sống động cho khát vọng khi Quảng Trị đón nhận bạn bè quốc tế, cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình, đoàn kết và phát triển, biến quá khứ đau thương thành động lực mạnh mẽ cho những bước tiến mới.
Quảng Trị hiện có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có hai Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Trường Sơn - nơi an nghỉ của gần 60.000 Anh hùng liệt sĩ trên khắp cả nước. Cùng với gần 500 di tích lịch sử cách mạng, Quảng Trị được xem là bảo tàng sinh động về di tích chiến tranh cách mạng của Việt Nam. Tháng 7 hằng năm, dòng người từ mọi miền Tổ quốc lại về với Quảng Trị, vùng đất gánh chịu nhiều đau thương, mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc và hủy diệt của chiến tranh để tưởng nhớ và tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất non sông. |
Tuấn Sơn
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/le-hoi-vi-hoa-binh-lan-dau-tien-duoc-to-chuc-tai-quang-tri-a168396.html