Lê nhìn đi nhìn lại mấy lần, đúng là tiền từ tài khoản của mẹ cô gửi tới. Nhưng cô không hiểu bà đang nhắn gì. Lê vội gọi về cho mẹ thì thấy bà thoáng chút lúng túng. Rồi bà vội bảo Lê: “Là mẹ gửi nhầm. Con gửi lại giúp mẹ được không? Mẹ đang có việc phải tiêu đến tiền”.
Điện thoại tắt rồi, nhưng Lê hãy còn băn khoăn. Cô tự nhủ, mẹ làm gì mà cần đến số tiền lớn như vậy. Bỗng, Lê chợt nhớ lại hôm Chủ nhật tuần trước cô về mẹ chơi, trong bữa cơm, Linh, cháu gái là con anh trai, chị dâu Lê nói với mẹ: “Con muốn đi học thêm tiếng Anh để lấy bằng IELTS”. Chị dâu của Lê đáp: “Để mẹ tính đã nhé”. Lúc đó, Lê chỉ nghe qua loa. Lẽ nào, số tiền này là mẹ cho cháu nội đi học IELTS?
Mẹ Lê không phải dư dả gì. Lương hưu của mẹ Lê chẳng được mấy đồng. Vậy thì, để có được 30 triệu đồng cho cháu, chắc hẳn mẹ đã phải trích ra từ số tiền dưỡng già hay phòng lúc ốm đau rồi.
Nghĩ đến đây, Lê thấy xót xa và cũng... giận mẹ. Mẹ quyết định cho cháu tiền học tiếng Anh, tại sao lại không nói luôn lúc đó. Sao mẹ lại âm thầm gửi vào tài khoản Lê là của anh trai hoặc chị dâu Lê để rồi gửi nhầm sang tài khoản của cô. Từ trước tới nay, đã có bao nhiêu lần mẹ giúp anh chị đó mà không cho Lê biết?
Nghĩ mãi, Lê càng ấm ức. Vợ chồng Lê nếu giàu có thì không nói làm gì, Lê sẵn sàng mở lòng với người thân. Đằng này, cả hai đều chẳng kinh doanh buôn bán mà chỉ trông vào đồng lương hàng tháng. Lê cũng phải tiết kiệm, co trước giật sau, nhiều lúc muốn chi tiêu cho bản thân, hay là đưa cả nhà đi chơi, nghỉ dưỡng đây đó để xả stress mà sợ tốn tiền nên Lê lại thôi. Vợ chồng Lê bảo nhau, mình nghèo, không có tiền báo hiếu mẹ thì cũng không để bà phải lo cho mình.
Vì vậy, hai vợ chồng đều tự lập, ít khi than khó với mẹ. Lê đã từng nghĩ vợ chồng anh trai mình cũng vậy. Hai anh chị đều khỏe mạnh, có công ăn việc làm. Vậy can cớ gì anh chị lại... âm thầm nhận sự trợ giúp của mẹ như vậy.
Lê lại nhớ nhiều lần về nhà, chị dâu hay gọi Lê lên phòng cho Lê quần này, áo nọ. Cái tủ quần áo của chị dâu to lắm, phải gấp rưỡi tủ nhà Lê. Hai chị em vốn hợp gu, lại bằng cân nặng, dáng người cũng dong dỏng nên mặc đồ của nhau... chuẩn luôn. Đến giờ thì Lê đã hiểu rồi, chị dâu có tiền thì làm đẹp, ăn diện, mốt này mốt nọ còn lại thì xin mẹ chồng tiền. Lê quả là không chấp nhận được cách sống và suy nghĩ đó của anh chị.
Lê cầm điện thoại, chuyển trả mẹ tiền nhưng lòng không yên. Lê thấy mẹ hình như đang đối xử bất công với hai chị em. Mẹ yêu cháu nội hơn cháu ngoại ư? Chẳng lẽ, con của anh trai Lê cần học tiếng Anh còn con Lê thì không? Cháu nội không có tiền thì mẹ cho, nhưng mẹ có biết vợ chồng Lê cũng phải vất vả mới có tiền đóng học phí cho con? Mẹ nỡ nào lại làm vậy?
Dù không nói ra nhưng Lê giận lắm, Chủ nhật đó cô gọi về cho mẹ nói bận, không về thăm mẹ được. Thực ra Lê không muốn thấy anh chị, nhất là sẽ càng tức hơn khi chị dâu cứ xinh tươi đi lại, mặc thì đẹp, lại còn ăn nói vô tư kiểu như không gây ra tội lỗi gì. Rồi Lê đoán già đoán non, nhà anh chị đã sắm sửa được tivi, xe máy... vậy trong số đó, có đồ đạc nào là do mẹ Lê âm thầm cho con trai mua không? Hay là nhờ có bà nuôi con hộ mà anh chị mới có tiền sắm sửa?
Cho đến giữa tuần sau đó, Lê cũng quyết không gọi về nhà. Chị dâu thì vẫn vô tư nhắn tin vào nhóm zalo của gia đình rủ rê: “Cô Lê tuần rồi không về thì cuối tuần này tụ tập nhé. Chị nấu món gì ngon ngon đãi vợ chồng cô”. Lê đọc xong, mãi mới trả lời: “Để em xem đã, nếu rảnh thì nhà cháu mới về. Nhưng bận đi làm thì thôi. Dạo này thóc cao gạo kém nên cứ phải làm thêm ca kíp để kiếm tiền”. Lê cố tình nhắn vậy để “đánh động” cho anh chị đọc mà nghĩ ngợi. Ai chẳng phải vất vả kiếm tiền nuôi con. Lê là con đẻ cũng nào đã dám lấy tiền của mẹ.
Hình như, đoán là Lê giận, trưa đó, mẹ chủ động gọi zalo cho Lê. Mẹ bảo Lê ra chỗ nào đó kín đáo để tranh thủ nói chuyện với mẹ một lúc trước khi vào làm. Qua điện thoại, mẹ xin lỗi vì không cho Lê biết việc mẹ cho cháu tiền đi học tiếng Anh. Rồi mẹ nói để Lê biết, thực ra hai anh chị Lê mất việc đã mấy tháng nay rồi. Anh trai Lê thì bị giảm biên chế, còn chị dâu thì do làm ở công ty quá vất vả, tới hơn 10 tiếng một ngày mà lương chỉ được nhận có hơn 6 triệu đồng. Chị dâu Lê vừa rồi đi khám bệnh bị lao lực nên đã quyết định nghỉ làm để tìm việc mới. “Hiện cả hai anh chị đều khó khăn. Anh con đang đi ship đồ thuê cho người ta, còn chị dâu con thì phụ bán quán cafe. Mẹ bảo để mẹ nuôi ăn hai đứa trong thời gian này nhưng anh chị không đồng ý, mỗi tháng vẫn đóng cho mẹ 4 triệu...”.
Lê càng nghe mẹ nói, càng giật mình. Anh chị bị thất nghiệp như vậy mà Lê không biết gì cả. Chị dâu thì vẫn cười nói vui vẻ chẳng than thở gì khiến Lê cũng chẳng đoán ra tình cảnh của anh chị.
Mẹ Lê lại nói tiếp: “Cháu Linh năm nay lên lớp 12. Cô giáo nói cháu nên đi học tiếng Anh để thi lấy bằng quốc tế, sau này dễ trúng tuyển vào đại học. Cháu đã xin bố mẹ cho đi học từ lâu nhưng anh chị không có tiền nên cứ động viên con tự học. Mẹ thương lắm, không muốn làm lỡ mất cơ hội của cháu nên mẹ cho tiền.
Mẹ nói mãi anh chị cũng mới nhận. Mẹ nói thật, đây là lần đầu mẹ cho anh chị thôi, còn lại anh chị không lấy của mẹ thứ gì. Mẹ cũng nghĩ rồi, hai vợ chồng con dù sao vẫn còn đi làm, thu nhập ổn định và khá hơn anh chị, vì vậy, con chia sẻ với anh chị lúc này nhé. Mẹ hứa, sau này các cháu ngoại cần gì, giúp được đến đâu là mẹ giúp”.
Nghe mẹ nói, tự nhiên, Lê lại thấy mình sao mà nhỏ nhen thế, chỉ vì 30 triệu mà giận dỗi cả mẹ và nghi ngờ anh chị mình. Lại còn phải để mẹ gọi điện nửa thanh minh, nửa mong mỏi con gái mở lòng thấu cảm.
Lê rưng rưng nói để mẹ yên tâm, Lê không suy nghĩ gì đâu. Rồi Lê hứa sẽ tìm cho cháu gái một cô giáo tiếng Anh tốt để dạy cho cháu.
Tối chị dâu lại nhắn tin riêng cho Lê: “Cô Lê cuối tuần về lấy thêm ít đồ của chị mà mặc. Giờ, chị không cần mặc đẹp nữa. Chị đổi gu rồi. Cô Lê cứ dùng nhé, đừng ngại, cũng đừng sợ chị tốn kém. Giờ chị mới nói thật, mấy đồ này của chị là đồ second hand thôi, có 100k một chiếc mà đẹp phết. Nếu cần, chị lại lấp đầy tủ sau”.
Trời ạ, đến giờ, chị dâu mới chịu nói ra, khiến Lê cứ tưởng lâu nay chị ăn chơi sành điệu, tiêu tốn nhiều tiền cho khoản ăn mặc lắm. Lê tự trách mình và thấy thương anh chị, thương cháu quá. Lê liền nhắn tin lại: “Để cuối tuần vợ chồng em đưa các cháu về chơi rồi mình tính. Mà để em mua đồ về nấu cơm, chị không cần đi chợ đâu nhé...”.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/so-tien-bi-gui-nham-a168476.html