Lâu lắm rồi, có lẽ là hơn chục năm, tôi mới có cơ hội gặp lại người bạn cũ. Trông dáng dấp bạn gầy gò, tóc tai bù xù, nhìn người thiếu sức sống. Tất nhiên, bạn còn độc thân. Bạn độc thân không phải vì chưa vợ, mà do hôn nhân tan vỡ. Người vợ cũ không thấu cảm được cùng bạn, nên họ quyết tâm chia tay.
Nhiều lần bạn trách cứ, rằng nếu ngày xưa không nghe lời ba mẹ, không để mất người bạn thật lòng yêu, thì mọi chuyện không đến như hiện tại. Nghe bạn kể vậy, tôi giật mình, và tự hỏi, liệu tôi có chọn lựa đúng? Hay giống như bạn, sau này sẽ hối hận vì không quyết lòng đến với người mình thực sự yêu.
Giống như tôi, đã bao nhiêu ngày nuối tiếc, vì nghĩ rằng mình sai lầm khi bỏ học đại học, vào thời điểm không nên bỏ học. Nguyên nhân là vì tôi cứ suy nghĩ theo chiều hướng đúng – sai. Điều đó bóp nghẹt tư duy, làm tôi mắc kẹt trong lối suy nghĩ thường niệm, không giúp tôi có được cái nhìn thoáng hơn, đa diện hơn.
Bạn cũng thế, chỉ nhìn vào một cuộc hôn nhân tan vỡ, và gán định mọi sự vào lối tư duy đúng – sai, một nếp nghĩ khô cứng, dẫn đến kết quả là bạn không tìm thấy hướng giải quyết vấn đề cho cuộc sống của mình. Từ đó, bạn tiêu cực, và để cho bản thân trôi đâu thì trôi.
Tôi từng vướng vào lối tư duy đó, rồi tự làm khổ bản thân, nên tôi hiểu những trải nghiệm mà bạn đã trải qua. Tuy nhiên, tôi may mắn nhận ra, rằng lối tư duy đúng – sai rất hạn chế, làm cho tôi không thể suy nghĩ khác hơn được. Nên tôi quyết tâm thay đổi bản thân, bằng cách nhìn vào hiện thực một cách đa chiều hơn.
Nếu tôi dành cả đời chỉ để hối hận vì mình từng sai lầm, khi không cố học xong đại học, thì có thể tôi sống một đời chẳng lấy gì làm tốt đẹp. Nhưng từ khi tôi không nhìn nhận rằng, việc bỏ đại học là một sai lầm, mà đó đơn giản chỉ là một chọn lựa, thì tâm tư tôi không còn vướng víu nữa.
Trong thế giới chúng ta sống, có biết bao câu chuyện thành công mà đâu cần phải có bằng đại học, hoặc có bao nhiêu người có gia đình hạnh phúc mặc dù người vợ không phải là người họ thực sự yêu thương.
Bởi giữa tình yêu và chuyện kiến lập gia đình hạnh phúc khác nhau, cũng như việc học xong đại học và việc kiến tạo một sự nghiệp thành đạt là khác nhau.
Cuộc sống luôn có nhiều ngã rẽ, có nhiều chọn lựa, tùy điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của bản thân, mà phấn đấu.
Có thể, trong hành trình sống, ta có một vài sai lầm, nhưng đừng vì điều đó mà đánh mất cơ hội của cả một đời. Với lại, nếu như bạn nhìn cái sự vụ mà bạn cứ nghĩ là sai lầm đó, với một lăng kính khác, có khi đó không phải là một sai lầm. Đôi khi, bạn lại thấy điều đó là đúng đắn nữa.
Giống như tôi, bởi vì nhiều người cứ gán định vào quyết định của tôi là sai, nên làm cho tôi luôn nghĩ mình sai. Nhưng kỳ thực, trong thâm tâm, tôi biết rõ, rằng chọn lựa bỏ học đại học, ngành đó, vào thời điểm đó, là đúng. Vì nếu theo học đến cùng, có lẽ tôi đã trở thành một con người khác, mà đó là một người tôi không thực sự muốn trở thành.
Nếu mỗi người tự xác định, sống là một hành trình nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bản thân, thì đúng hay sai cũng chỉ là những nhận định mang tính nhất thời. Bởi, suy cho cùng, mọi trải nghiệm sống dù ở dạng thức nào, đều mang lại cho ta một cơ hội nào đó để phát triển và rèn luyện.
Bởi, mỗi người sinh ra trong cuộc đời này, đâu thể nào chọn lựa được nơi mình sinh ra, thì làm sao ta có thể gán định mọi sự vào một lối tư duy mang tính một chiều, là đúng hay sai.
Cuộc sống, với bản chất đa chiều kích, đa góc nhìn, đa hệ quy chiếu, làm sao ta có thể dửng dưng ép mình vào một khuôn khổ nào đó? Mỗi vật hiện hữu đều có giá trị của riêng nó, ta không thể nào lấy hệ giá trị của vật này để gán lên vật kia.
Trong những quyết định của cuộc đời cũng vậy, nếu mọi chọn lựa đều “đúng”, thì có khi cuộc đời của ta lại chẳng có gì thú vị để kể.
Hành trình cuộc sống, nếu giả sử, ta chọn lựa mọi thứ đều theo một khuôn khổ nào đó, và cứ thế cho đến hết đời, thì khả năng đột phá bản thân, tạo ra những cái mới, có thể không đến với ta. Vậy thì, như thế nào là đúng?
Đương nhiên, đúng hay sai, ở đây tùy thuộc rất lớn vào cách nghĩ, cách sống, lý tưởng, cũng như khát vọng của mỗi người. Hẳn nhiên, để thấu cảm và sẻ chia, ta không nên gán định quan điểm, tư tưởng, lối sống của mình lên người khác, rồi từ đó phân định ra là đúng hay sai. Vì, nhiều khi có những điều, ta cho rằng đúng, nhưng người khác lại cho rằng sai. Vậy nên, sai hay đúng cũng chỉ là tương đối, và mang nặng tính chủ quan.
Với lại, trong cuộc sống muôn màu này, có những khi ta chọn lựa sai, ta nhận thức rõ rằng mình sai, nhưng kết quả sau cùng lại đúng. Ngược lại, có những điều ta chọn, cứ ngỡ rằng là đúng, là tuyệt vời, nhưng kết thúc lại nhận ra đó mới là sai lầm cốt tử.
Vấn đề ở đây không phải là do bản thân ta, mà do tính thời điểm, thời đại, và vô vàn yếu tố khách quan khác. Đôi khi, chọn lựa sai lại mang đến cho ta cơ hội để thành công lớn hơn.
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa rằng, trong cuộc sống không có những ranh giới, không có sự phân biệt phải trái. Nếu xã hội không còn những chuẩn tắc nhất định, thì cuộc sống không còn gì để phán quyết, bất cứ một vấn đề gì. Đừng nhầm lẫn giữa phạm trù đúng – sai, với những chuẩn tắc xã hội, cái mà con người gọi là đạo đức, là thiện - ác.
Sau cùng, điều cần thiết của mỗi người, là nên nhìn vận mọi vấn đề với lăng kính đa chiều, để dễ cảm, dễ thấu, dễ sẻ chia, đừng nên nhìn nhận vấn đề chỉ trên quan điểm đúng hay sai, để phán xét, để kết luận vội vàng. Vì điều đó thật tệ!
Và làm sao để ta biết rõ: Thế nào là đúng?...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/the-nao-la-dung-a168622.html