Cũng như các tộc người và các dân tộc khác, người Hà Nội từ xưa đã chung sống thành gia đình. Các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau hết sức bền chặt, nghĩa nặng tình sâu. Song, hiện nay, dưới tác động nền kinh tế thị trường, của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, gia đình Hà Nội đang có những biến đổi sâu sắc.
Điều này thể hiện chủ yếu ở mấy điểm sau:
Thứ nhất, trước đây, trong một gia đình thường có sự xuất hiện của ông bà, bố mẹ, con cái, theo kiểu "Tam đại đồng đường" hay "Tứ đại đồng đường", điều đó là chuyện rất bình thường ở mỗi ngôi nhà Việt. Điều kiện khó khăn, việc thoát ly ra khỏi tổ ấm dường như rất ít, con cái lớn lên, cưới vợ gả chồng rồi sinh con vẫn cố gắng để ở bên, phụng dưỡng cha mẹ. Ngược lại, việc sống cùng người già giúp các cặp vợ chồng trẻ giữ được nền nếp, thói quen, gia phong của gia đình, đồng thời biết lễ nghĩa, kính trên, nhường dưới.
Ngày nay, những cặp vợ chồng trẻ thường thích sự tự do, muốn thể hiện được cái tôi và khả năng độc lập cao, có điều kiện kinh tế. Những lý do đó khiến nhiều người quyết định sống riêng, gây dựng một gia đình nhỏ chỉ có hai thế hệ. Không những thế, người phụ nữ ngày càng bình đẳng, không muốn sống cảnh "làm dâu" tại nhà chồng. Vì thế họ lựa chọn việc "ra ở riêng".
Thứ hai, gia đình Hà Nội là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, lý tưởng sống, ứng xử cho con cái, nhưng hiện nay chức năng đó đang dần bị nhạt phai. Nhiều người trẻ tuổi cho rằng những giá trị truyền thống là cổ hủ, lỗi thời. Những phong tục đẹp trong ngày tết cổ truyền của gia đình Hà Nội cũng bị xem nhẹ. Sự biến đổi từ mô hình gia đình truyền thống sang kiểu gia đình hiện đại đang phải đối diện với những hiện tượng như bạo lực gia đình, ly hôn, sống thử,…
Thứ ba, lối sống trong các gia đình người Hà Nội đang biến đổi nhanh do các nhu cầu mưu sinh về kinh tế, mọi thành viên trong gia đình đều muốn khẳng định vị trí của mình. Khi sống trong gia đình "tứ đại đồng đường", mọi nền nếp, gia phong đều được người già giữ gìn và duy trì.
Dưới tác động của kinh tế thị trường nhiều giá trị truyền thống gia đình đã có sự vận động và biến đổi phức tạp, những giá trị đạo đức, nếp sống văn hóa gia đình truyền thống có nguy cơ bị mai một đi, thậm chí một số giá trị bị đảo lộn.
Không ít gia đình quá đề cao chức năng kinh tế, đề cao quyền lực vật chất, xem nhẹ quan hệ tình cảm, buông lơi việc giáo dục ý thức trách nhiệm, lối sống lành mạnh cho các thành viên; các thành viên trong gia đình ít được quan tâm, chăm sóc, do đó độ cố kết trong gia đình lỏng lẻo hơn; lối sống thực dụng xuất hiện ngày càng tăng gây nên những mâu thuẫn lớn giữa các thế hệ.
Sự du nhập ồ ạt của các sản phẩm văn hóa nước ngoài, những mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường thời mở cửa đem lại những giá trị văn hóa trái với thuần phong mỹ tục của chúng ta, dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng tăng, nghiện hút, mại dâm, ngoại tình, nạo phá thai tùy tiện… tất cả những thứ đó đang trực tiếp tàn phá mạnh mẽ đời sống kinh tế và đời sống văn hóa, tinh thần của các gia đình. Các mối quan hệ đạo đức truyền thống trong gia đình như kính trên nhường dưới, hiếu thảo, thủy chung... đã và đang bị xem nhẹ. Vì vậy chúng ta cần giữ gìn các giá trị truyền thống của gia đình Hà Nội.
Từng gia đình mỗi chúng ta, những công dân Thủ đô phải có trách nhiệm bảo tồn các giá trị truyền thống, tinh hoa bản sắc của Hà Nội đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, văn minh, hiện đại mang đậm nét nhân văn của người Hà nội trong thời kỳ mới: Xây dựng gia đình văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu. Thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới – đô thị văn minh; thực hiện quy chế “Văn hóa ứng xử nơi công cộng”, nhất là ở quận Hoàn Kiếm phải “Giữ gìn nét đẹp, văn hóa ứng xử của người dân phố cổ”: Phụ nữ gìn giữ mái ấm gia đình với phẩm chất năng động, sáng tạo, tự tin, tự trọng, trung thực đảm đang, thanh lịch.
Để thực hiện các quan điểm chủ trương trên của Đảng và Nhà nước ta, khắc phục các xu hướng biến đổi đạo đức gia đình truyền thống một cách lệch lạc, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là: Phải tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức của mọi thành viên trong gia đình và xã hội về vị trí, vai trò của gia đình và những giá trị tích cực của đạo đức văn hóa gia đình truyền thống, làm cho mọi người hiểu rõ gia đình là cái tồn tại bền vững trong mọi hình thái kinh tế - xã hội, là một tế bào của xã hội, gia đình phải mãi mãi là cái nôi nuôi dưỡng, bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn con người từ nhỏ đến lúc trưởng thành.
Hai là: Kế thừa và phát huy có chọn lọc những chuẩn mực đạo đức tích cực của gia đình truyền thống và tiếp thu những tiến bộ của gia đình hiện đại trong xây dựng gia đình mới ở Việt Nam hiện nay. Ngăn chặn sự xâm lấn của văn hóa không lành mạnh, lối sống ngoại lai. Trong gia đình mọi thành viên cần phải dựa vào nhau, an ủi, khuyến khích, động viên nhau, sẻ chia với nhau mọi nỗi đau buồn và niềm vui sướng.
Ba là: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá, phải cụ thể hóa hơn các tiêu chí để đánh giá khách quan, đúng thực chất các gia đình văn hoá. Việc đánh giá xếp loại gia đình văn hóa phải được gắn chặt chẽ với việc đánh giá xếp loại cơ quan văn hoá; đánh giá tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, chính quyền, đoàn thể vững mạnh; đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm. Cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cấp cơ sở cần đi sâu nắm bắt tình hình cụ thể của từng hộ gia đình, thường xuyên động viên giúp đỡ các gia đình, bảo đảm xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
Bốn là: Tăng cường kết hợp vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức gia đình, nhằm giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống; tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ.
Năm là: Cần quan tâm giải quyết tốt các chính sách gia đình, quan tâm đến các gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trước hết, phải giải quyết từng bước các điều kiện tồn tại của gia đình như nhà ở, việc làm, đồng thời xây dựng các quan hệ ứng xử sao cho thích hợp với mọi lứa tuổi, với vai trò và trách nhiệm của mỗi thành viên.
Khi từng tế bào gia đình vững mạnh, chúng ta sẽ đóng góp vào một Thủ đô văn hiến, văn minh, hòa bình, sáng tạo.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chung-tay-giu-gin-gia-tri-truyen-thong-cua-gia-dinh-thu-do-a168664.html