Niềm tin, nên đặt đúng chỗ?

Làm thế nào để một người có thể vươn lên trên những khó khăn để làm chủ số phận, vượt qua muôn vàn trở ngại để đạt được ước mơ, khát vọng?

Tôi có một bà chị, hay cúng sao giải hạn, mỗi khi Tết đến, xuân về. Tôi không biết việc cúng sao giải hạn có từ bao giờ? Việc chị tôi hành động như thế có mang lại hiệu quả gì hay không? Bởi điều đó thuộc về niềm tin cá nhân. Một người duy khoa học, tin vào tâm linh, nhưng cực kỳ phản đối những hình thức như xem bói, cúng sao, hay tín một cách cuồng mê thì khó đồng cảm được. 

Làm thế nào để một người có thể vươn lên trên những khó khăn để làm chủ số phận, vượt qua muôn vàn trở ngại để đạt được ước mơ, khát vọng? Chắc chắn rằng, người đó không thể nào tin vào một "vị thần" nào đó một cách máy móc, phiến diện. Một niềm tin mang nặng tín chấp lễ nghi, mà không thực sự hiểu rõ được bản chất của hiện thực.

Đành rằng, việc phấn đấu của một người, và việc thành công hay thất bại, lại chịu sự chi phối bởi rất nhiều những nhân tố khác, từ thực tế khách quan dẫn đến, không do chính cá nhân đó làm chủ. Và thực tế, có nhiều người không phải nỗ lực nhiều mà vẫn có thành công do may mắn mang đến. Chỉ vì khoảng mong manh giữa thành bại đó, nên nhiều người dựa vào đó để tin vào những đấng siêu hình, tin vào những gì không lý giải được.

Cá nhân tôi là một người có niềm tin tâm linh, nhưng niềm tin đó được tôi đặt trong sự trường kỳ cố gắng của chính mình, để mong sao hữu duyên, có sự hội tụ giữa ơn trên và sự nỗ lực cá nhân, mà thành công việc.

Mặc dù tin vào Phật, nhưng tôi hiếm khi đến Chùa, thay vào đó là tôi tự cầu nguyện thường xuyên, và niệm Phật. 

Đa chiều - Niềm tin, nên đặt đúng chỗ?

Ảnh minh họa.

Mỗi năm, cứ vào dịp thi cử, tôi thấy rất nhiều người đến Văn miếu Quốc Tử Giám để “đảnh lễ”, cầu mong con mình thi đỗ đạt. Xét ở khía cạnh tinh thần, việc cầu trợ từ một đấng siêu hình, để mong vững tin mà ôn và thi cho tốt, thì là điều tốt. Xét ở khía cạnh văn hóa, việc đến những nơi thờ phụng những bậc tiền bối xưa để tri ân và cầu mong những điều tốt đẹp, thì không có gì là sai.

Tuy nhiên, khi nhìn vào sự “thành tín” của mọi người, từ phụ huynh cho đến học sinh, đâu đó trong tôi dấy lên nhiều cảm nghĩ. Vấn đề ở đây, không còn nằm ở việc tin hay không tin vào “thế giới siêu hình” nữa, mà nó mang một thông điệp khác.

Việt Nam, với lịch sử trải dài hàng ngàn năm, đương nhiên, thế hệ sau có sự tích lũy và kế thừa từ thế hệ trước. Nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế, rằng xã hội Việt Nam dù trải qua hàng ngàn năm, nhưng nền nông nghiệp vẫn là chủ đạo, đến cuối thế kỷ XX, đất nước chúng ta chưa phải là một nước công nghiệp hiện đại.

Trong khi đó, ở những quốc gia tiên tiến trên thế giới, lịch sử phát triển có nhiều khác biệt. Đặc biệt, như ở châu Âu, sự hình thành và phát triển công nghiệp, cách đây trên ba trăm năm, kèm với đó là sự lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản, đã chuyển đổi cách thức lao động, phương thức sản xuất, biến họ thành những quốc gia giàu có và thịnh vượng.

Hay như ở Mỹ, một lục địa có “sự kiến tạo” cũng chỉ vài trăm năm, nhưng họ đã bắt kịp đà tiến triển của châu Âu, biến họ trở thành một quốc gia hùng mạnh, mang tính “dẫn đầu” thế giới hiện nay.

Nếu dùng lối tư duy thực dụng đến Việt Nam, và nhìn thấy những cảnh người dân chen chúc nhau đến cầu xin “thần linh phù trợ” để con mình thi đỗ đạt, thì không biết họ nghĩ gì? Hoặc nếu người châu Âu, dùng lối tư duy thực nghiệm khoa học, để nhìn vào cảnh huống đó, liệu họ có hiểu chăng?

Mặc dù mỗi quốc gia có một nền văn hóa riêng, ta không nên so sánh sự khác biệt về văn hóa, để có định kiến về hiện thực. Tuy nhiên, trong diễn trình phát triển chung của xã hội, ta không thể không so sánh, để nhìn thấy sự khác biệt, sự tốt và chưa tốt, nhằm điều chỉnh hoạt động của chúng ta, sao cho phù hợp với sự phát triển chung của nhân loại.

Xã hội của thế kỷ XXI, là xã hội của khoa học, công nghệ, phát minh. Nếu như một nền văn hóa còn mang nặng tư tưởng cũ kỹ, tín mê, cầu xin “thần, thánh” mà thiếu đi tư duy khoa học, thiếu đi sự nỗ lực tự thân để kiến tạo nên những giá trị mới, thì sẽ trì kéo sự phát triển của cá nhân nói riêng, và xã hội nói chung, là rất lớn.

Như việc chị tôi đi cúng sao giải hạn mỗi năm, mà thiếu đi sự cố gắng vươn lên, không ngừng nỗ lực để nâng cao tri thức và kỹ năng của bản thân, nhằm thích nghi với sự phát triển chung của xã hội, thì dẫu có đi cúng bao nhiêu năm, hiện thực vẫn không có gì thay đổi.

Việc có niềm tin tâm linh, và thực hành niềm tin đó, là điều hết sức riêng tư, và không ai cấm. Nhưng nên đặt niềm tin vào đâu, và thực hành như thế nào, là điều mỗi người cần phải cân nhắc thận trọng. Để tránh tình trạng mê tín, bởi giữa niềm tin tâm linh và mê tín, đôi khi ranh giới rất mong manh.

Như chuyện cúng sao giải hạn, hay chăm về Chùa, hoặc năng đến Văn miếu Quốc Tử Giám cầu xin lộc học, mà không biết tự tu dưỡng bản thân, không có thực học, thì cũng chẳng giúp ích gì cho bản thân. Mỗi người, ai cũng có niềm tin, nhưng cần nên đặt đúng chỗ. Thay vì đặt niềm tin vào đâu đó, sao ta không đặt niềm tin nơi bản thân mình?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/niem-tin-nen-dat-dung-cho-a169219.html