Xuất khẩu cá ngừ, thị trường tiềm năng nhưng còn nhiều thách thức
Theo báo cáo của VASEP, lũy kế tới hết tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 388 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng 44%, đóng túi tăng 24%, cá ngừ loin/phile đông lạnh tăng 7% và cá ngừ nguyên con đông lạnh tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu cá ngừ sang hầu hết các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, hai thị trường lớn nhất là Mỹ, EU chiếm lần lượt 37% và 22% trong xuất cá ngừ của Việt Nam và ghi nhận tăng trưởng 30% và 37% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ sang Israel tăng mạnh nhất, với 64%; sang Nga tăng 58%, Hàn Quốc tăng 66%...
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ năm 2021 trở lại đây xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ mức 169 triệu USD năm 2021 lên 255 triệu USD năm 2023, tăng 51%.
Đặc biệt bước sang năm 2024, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh hơn qua từng tháng. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam đã tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đã tiếp cận được hơn 65 thị trường. Trong đó, Mỹ, EU và Israel là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất. Xuất khẩu sang các thị trường này đều tăng trưởng cao, lần lượt là 88%, 35% và 141%.
Riêng thị thị trường EU, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang các nước trong khối phần lớn đều tăng. Đức, Ba Lan và Hà Lan là 3 thị trường dẫn đầu về nhập khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam.
Nút thắt nguyên liệu
Trao đổi với báo Đại Biểu Nhân Dân chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP Nguyễn Hà, hiện nay ngành cá ngừ vẫn bị kìm hãm bởi nút thắt thiếu nguyên liệu, vì sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải tăng nguồn cung từ nhập khẩu. Trong khi đó, các quy định của thị trường EU và các quy định mới của Việt Nam về việc “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu” tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP và quy định xử phạt vi phạm hành chính cho hành vi này tại Nghị định số 38/2024/NĐ-CP đang khiến cho nút thắt này thêm tắc nghẽn.
Ngoài những khó khăn này, xuất khẩu cá ngừ cũng gặp áp lực cạnh tranh mới khi EU và Thái Lan đã bước sang vòng đàm phán tiếp theo và có thể tiến tới ký kết ETFTA.
VASEP phân tích, sau khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU tăng trưởng liên tục. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 136 triệu USD năm 2020 lên 176 triệu USD năm 2023, tăng 30%. Bước sang năm 2024, xuất khẩu sang khối thị trường này vẫn tiếp tục tăng trưởng khả quan. Tính đến hết tháng 4.2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang EU đạt gần 67 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 7 cho thị trường EU sau Ecuador, Seychelles, Papua New Guinea, Mauritius, Philippines và Trung Quốc. Trong khi Thái Lan đứng thứ 17, nhưng so với Thái Lan, năng lực sản xuất của Việt Nam còn thấp hơn.
Cách đây 10 năm, Việt Nam chỉ đứng thứ 8 trên bản đồ xếp hạng các quốc gia xuất khẩu cá ngừ thế giới, nhưng tới năm 2023 Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 5 xét về kim ngạch, chỉ sau Thái Lan, Ecuador, Tây Ban Nha và Trung Quốc.
Năm 2022, Việt Nam ghi nhận cột mốc kỷ lục khi kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt 1 tỷ USD, cho thấy tiềm năng phát triển của ngành chế biến và xuất khẩu. Song song đó, doanh nghiệp Việt có các nhà máy chế biến cá ngừ có công nghệ cao, kinh nghiệm, kỹ năng - sản phẩm có uy tín ở cả trăm thị trường.
Mong muốn chính sách hỗ trợ
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Đầu Tư bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) nhận định, trong cơ cấu giá trị xuất khẩu cá ngừ những năm gần đây, có tới hơn 50% giá trị được tạo ra từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu do nguồn cung trong nước không ổn định, khai thác không đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến xuất khẩu.
Trước những lợi thế có được các doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng, năm 2024 cá ngừ Việt Nam sẽ có cơ hội quay lại mốc 1 tỷ USD nếu những bất cập về vấn đề nguyên liệu được tháo gỡ.
“Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành cá ngừ, tôi tin rằng tiềm năng và dư địa cho ngành cá ngừ Việt Nam còn lớn hơn nhiều nếu như chúng ta nỗ lực vượt qua những thách thức nội tại và giải quyết được những khó khăn với sự quan tâm và hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước”, bà Kim Lan chia sẻ.
Để phát triển ngành cá ngừ bà Lan mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét sửa đổi quy định để có thể cấp giấy xác nhận nguyên liệu S/C ngay cho doanh nghiệp khi đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu cá có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng… tại cảng cá; có hướng dẫn, chỉ đạo việc giải quyết giấy S/C cho những trường hợp tàu cá bị mất kết nối do lỗi của nhà cung cấp dịch vụ được xác nhận
“Chúng tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết lập số hóa hệ thống dữ liệu đầu vào nguyên liệu, liên thông từ cảng cá đến trung ương. Đây là việc rất quan trọng cho công tác quản lý, là thông tin cơ bản để Chính phủ, Bộ ngành có các chỉ đạo, quyết sách phù hợp. Chúng tôi đang hy vọng, phần mềm hệ thống Truy xuất nguồn gốc điện tử mà Cục Thủy sản đang hướng dẫn cho các tỉnh sử dụng sẽ hỗ trợ được đáng kể vấn đề này”, bà Lan chia sẻ.
Xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu 10 tỷ USD năm 2024
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hiệp hội và các doanh nghiệp không ngừng cố gắng để vượt qua khó khăn đưa ngành thủy sản ngày càng phát triển.
Theo số liệu trên báo Nhân Dân năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD.
Với mục tiêu hướng đến xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2024 và 12 tỷ USD và năm 2030, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường.
Trong đó, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để tránh sự phụ thuộc, tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, cập nhật thông tin từ các thị trường đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Theo VTV nhận định của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, ngành tôm đang hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, các mặt hàng hải sản còn lại dự báo thu về khoảng 3,6-3,8 tỷ USD. Thị trường sẽ phục hồi dần và khả quan hơn vào nửa cuối năm.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/xuat-khau-ca-ngu-2024-thi-truong-tiem-nang-nhung-nhieu-thach-thuc-a169296.html