Kỳ 1: Mong manh số phận di sản khảo cổ học

(PNTĐ) - Di sản khảo cổ là thuật ngữ chỉ một bộ phận trong di sản văn hóa vật thể do tổ tiên để lại, bao gồm tất cả các dấu tích về sự tồn tại của con người và bao gồm các địa điểm liên quan đến tất cả các biểu hiện của hoạt động của con người, các cấu trúc bị bỏ hoang và dấu tích của mọi thứ (bao gồm cả các địa điểm dưới đất và dưới nước), cùng với tất cả các di vật văn hóa liên quan. Di sản khảo cổ có đặc điểm là có thể bị phá hủy, tác động, xóa sổ vĩnh viễn... nếu không được bảo vệ kịp thờ...

Kỳ 1: Mong manh số phận di sản khảo cổ học - ảnh 1
Kỳ 1: Mong manh số phận di sản khảo cổ học - ảnh 2
Kỳ 1: Mong manh số phận di sản khảo cổ học - ảnh 3
Kỳ 1: Mong manh số phận di sản khảo cổ học - ảnh 4

Di tích, di vật khảo cổ là nguồn tài liệu góp phần làm sáng tỏ lịch sử của dân tộc, đồng thời cho thấy các giá trị văn hóa đặc trưng của thời đại, vùng miền, tộc người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, khẳng định bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam. Song, đáng tiếc, thời gian qua, vì nhiều lý do mà không ít di tích, di sản khảo cổ đã bị cưỡng bức, xâm hại, phá hủy, thậm chí xóa sổ mà không thể tái sinh, thay thế.

Kỳ 1: Mong manh số phận di sản khảo cổ học - ảnh 5

Theo định nghĩa của Hội đồng sáng kiến châu Âu và Công ước Valleta năm 1992 di sản khảo cổ học là: “Tất cả hài cốt và đồ vật và bất kỳ những dấu vết khác của loài người từ thời xa xưa được coi là những yếu tố của di sản khảo cổ học. Khái niệm di sản khảo cổ học bao gồm các công trình kiến trúc, công trình, nhóm công trình, di tích, vật di chuyển, di tích các loại cũng như bối cảnh của chúng, dù nằm trên đất liền hay dưới nước”.

Kỳ 1: Mong manh số phận di sản khảo cổ học - ảnh 6

Khi còn là Phó Giám đốc Bảo tàng Nhân học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Bùi Hữu Tiến đã dành nhiều tâm huyết, thời gian để nghiên cứu và có các bài viết về di tích khảo cổ học. Theo ông Tiến, di tích khảo cổ học rất phong phú, đa dạng về loại hình như: các di tích cư trú, công xưởng, khu mộ táng, thành quách, đình, chùa, đền, tháp, lăng tẩm… Tuy nhiên, không giống như một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể (như quan họ, chầu văn, nhã nhạc cung đình Huế…) khi chủ thể của những di sản này vẫn đang tồn tại nên có thể tương tác, đối thoại trực tiếp với con người hiện tại, chủ thể của di sản khảo cổ học không còn nên không thể tương tác trực tiếp và đặc biệt là không thể biểu lộ xúc cảm khi có sự tác động từ bên ngoài (môi trường tự nhiên hoặc con người/xã hội). 

Ông Bùi Hữu Tiến đánh giá, di sản khảo cổ học dễ bị đe dọa, xâm hại, phá hủy nhất, dễ bị biến đổi, cưỡng bức nhất và tốc độ xâm phá cũng là mạnh mẽ nhất, nhanh nhất, đặc biệt trong bối cảnh, những di tích khảo cổ học đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực, mạnh mẽ từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa... cũng như sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra với cường độ ngày càng nhanh và mức độ tác động ngày càng lớn và nặng nề hơn. Ngoài ra, nhận thức, trách nhiệm của xã hội còn chưa cao, một bộ phận không nhỏ con người còn thờ ơ, vô cảm trước sự cưỡng bức, phá hủy di sản, thêm vào đó là sự quan tâm chưa đúng mức của các cơ quan quản lý và năng lực của đội ngũ cán bộ còn nhiều yếu kém... cũng góp phần làm cho nhiều di sản khảo cổ học bị xâm hại.

Kỳ 1: Mong manh số phận di sản khảo cổ học - ảnh 7
Các nhà khảo cổ và nhân viên làm việc tại hố khai quật Vườn Chuối. Khu vực di chỉ Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức có một phần thuộc công trình Đường vành đai 3.5 và những mảnh di vật phát lộ khi xe công trình đang thi công

PGS.TS Nguyễn Giang Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết: Số lượng các di tích khảo cổ học thuộc thời đại Kim khí được phát hiện và nghiên cứu tính đến tháng 12 năm 2000 là gần 1000; số lượng các di tích khảo cổ học thuộc thời đại đá là hơn 950 di tích. Tuy nhiên, đến nay, nhiều di tích khảo cổ học đã bị phá hủy, xâm hại và hiện chỉ còn tồn tại trên... giấy.

Phú Thọ là địa phương hội tụ nhiều di tích khảo cổ thuộc các nền văn hóa Tiền Đông Sơn từ Phùng Nguyên đến Gò Mun. Từ năm 2013, một số chuyên gia đã tiến hành phúc tra lại hệ thống các di tích văn hóa Tiền Đông Sơn trên địa bàn các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông và thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Kết quả, hệ thống các di tích văn hóa Phùng Nguyên, Gò Mun đã bị phá hủy một phần hoặc xóa sổ hoàn toàn nhằm lấy đất xây dựng nhà ở của dân hoặc thực hiện các mục đích khác như canh tác lúa nước, xây trường học, lập trại chăn nuôi...

Tại tỉnh Quảng Ninh, các cuộc khai quật đã cho thấy tại khu vực Sơn Hào, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn có nhiều di tích có giá trị kéo dài từ thời kỳ Đá mới cho tới thời Lê Trung hưng. Tuy nhiên, do tác động của quá trình phát triển, với sự xuất hiện của nhà máy và việc mở đường đã ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường của di tích; nhiều dấu vết kiến trúc xuất lộ trong các cuộc khai quật năm 2016, 2017 cũng bị làm biến dạng, di tích Giếng Tiền cũng bị lấp và theo các chuyên gia, tới nay, rất khó để tìm thấy dấu vết...

Kỳ 1: Mong manh số phận di sản khảo cổ học - ảnh 8
Công tác khai quật khảo cổ đã được tiến hành tại Hạ Long từ những năm 1930 cho đến nay (Nguồn Bảo tàng Quảng Ninh)

Tại thành phố Hồ Chí Minh, di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi có khung niên đại thời kỳ hình thành đô thị Sài Gòn. Năm 1998, di tích Lò gốm đã được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, sau hàng chục năm kể từ khi được công nhận, di tích ngày càng bị xuống cấp, rơi vào cảnh hoang tàn và bị người dân lấn chiếm, san lấp, thay đổi hiện trạng. Đáng buồn hơn, nhiều người dân sống ngay sát di tích không hề biết về sự tồn tại của di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia này. Cuối cùng, di tích đã vĩnh viễn mất đi, mang theo lịch sử của một làng nghề gốm nổi tiếng ở Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh về với dĩ vãng.

Và còn nhiều di tích khác như di tích khảo cổ học Bình Đa ở tỉnh Đồng Nai, từng được khai quật, phát hiện nhiều công cụ đá, đồ gốm, đặc biệt là bộ đàn đá Bình Đa cổ cũng đã bị biến mất trong quá trình đô thị hóa.

Có thể thấy, so với nhiều loại di sản khác, di sản khảo cổ học vừa “mong manh” vừa “lép vế” hơn và dường như còn bị coi như “kỳ đà cản mũi” sự phát triển. 

Kỳ 1: Mong manh số phận di sản khảo cổ học - ảnh 9

Kỳ 1: Mong manh số phận di sản khảo cổ học - ảnh 10
GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung thu thập hiện vật khảo cổ tại khu khai quật di tích khảo cổ học Cái Bèo (Hải Phòng) 

GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội từng rất xót xa khi trong nhiều cuộc khảo cổ, các nhà khảo cổ, chuyên gia đến nơi thì di tích đã bị đối tượng “cổ tặc” đào xới, cày nát, lấy đi rất nhiều cổ vật, di vật khảo cổ học quý hiếm.

Có thể lấy dẫn chứng tại tỉnh biên giới Lạng Sơn, ghi nhận cho thấy, các lực lượng chức năng đã trao lại cho Bảo tàng tỉnh hàng nghìn cổ vật như tượng cổ, đồ gốm sứ, đồ kim khí, tiền cổ... trong đó có nhiều cổ vật quý đại diện cho các nền văn hóa, minh chứng cho lịch sử phát triển nghìn năm của dân tộc... thu giữ từ các đối tượng trộm cắp, buôn bán trái phép trước khi số cổ vật này bị đưa ra nước ngoài. Nhiều di chỉ khảo cổ học như Óc Eo (An Giang), Cát Tiên (Lâm Đồng)... cũng phải hứng chịu nạn cày xới, tìm kiếm cổ vật trái phép. Sau khi lấy được các cổ vật, các đối tượng còn công khai rao bán bất chấp quy định pháp luật.

Khoảng thời kỳ năm 2006, tin đồn một người đào được cặp tượng cổ có giá trị hàng trăm triệu đồng đã làm xuất hiện cơn lốc “đào trộm” cổ vật tại di chỉ Làng Vạc (Nghệ An). Có những ngày, hàng trăm người kéo tới đây đào hầm, khoét đất... săn tìm cổ vật khiến những quả đồi bị cày xới nham nhở. Còn tại các huyện Krông Năng, Krông Pách (Đăk Lăk), giai đoạn năm 2007, hàng chục trống đồng, biểu trưng cho lịch sử các dân tộc Tây Nguyên xưa đã bị bọn đào trộm mang ra khỏi địa bàn tỉnh để bán cho giới sưu tập cổ vật. 

Kỳ 1: Mong manh số phận di sản khảo cổ học - ảnh 11
Quang cảnh di tích Làng Vạc, Nghệ An (Nguồn: khaocohoc.gov.vn)

Khu mộ cổ Đống Thếch (Hòa Bình) cho chúng ta biết về các phong tục, cuộc sống… của người Mường đặc biệt trong tầng lớp lang đạo ngày xưa cũng chịu chung số phận. Nhiều ngôi mộ bị bọn đào trộm mang theo máy dò kim loại tới đào bới, mang đi nhiều cổ vật quý, khuân cả các cột đá có khắc chữ...   

Kỳ 1: Mong manh số phận di sản khảo cổ học - ảnh 12
Khu mộ cổ Đống Thếch (Hòa Bình)

Với Hà Nội, đây cũng là thực trạng từng xảy ra tại Khu di chỉ Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức mà chúng tôi ghi nhận qua cuộc trò chuyện với ông Phạm Văn Hùng, nguyên Phó trưởng thôn Lai Xá, nguyên Trưởng công an xã Kim Chung. Ông Hùng cho biết, giai đoạn những năm 2009-2014, khi Khu di chỉ Vườn Chuối đang được khai quật, phát lộ nhiều chứng tích quan trọng về các giai đoạn văn hóa Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn và hậu Đông Sơn, có niên đại cách đây hơn 3.000 năm và kéo dài tới hơn 1.000 năm, nhiều đối tượng từ các nơi đã kéo đến, rình rập, chọn lúc vắng người như buổi trưa, trong đêm, mang theo công cụ săn tìm cổ vật, giả danh cán bộ khảo cổ đang làm nhiệm vụ để đánh lừa người dân hoặc thậm chí sẵn sàng mua chuộc bằng tiền để được cho vào đào cổ vật. Chính ông Hùng và lực lượng dân quân, người dân đã 3 lần phục kích, bắt được các đối tượng trộm cổ vật, tịch thu tang vật và báo cáo với chính quyền địa phương. Song, ông xót xa thừa nhận thực tế đáng buồn là đã có rất nhiều di vật khảo cổ quý bị bọn trộm cổ vật lấy trộm, mang đi trót lọt khỏi khu Di chỉ.

Kỳ 1: Mong manh số phận di sản khảo cổ học - ảnh 13
Hố đào trộm cổ vật (ảnh trái) và các đối tượng đào trộm cổ vật tại Khu di chỉ Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức bị người dân phục kích chụp lại (ảnh: NVCC)
  
Kỳ 1: Mong manh số phận di sản khảo cổ học - ảnh 14

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ky-1-mong-manh-so-phan-di-san-khao-co-hoc-a169378.html