Thế là từ lúc nào, bà đóng đinh trong đầu rằng cháu ngoại mới là cháu “xịn”. Còn hàng ngày, hễ cứ nhìn thấy cháu nội qua lại, lòng bà lại cồn lên một nỗi thất vọng. Có lần, bà buột miệng nói ra với cháu nội: “Cháu phải nhìn vào chị mà phấn đấu chứ. Chị làm gì cũng giỏi giang, tương lai sáng ngời. Còn cháu cứ như thế này thì chỉ bình bình, nếu không muốn nói là đứng ở cuối bảng xếp hạng”.
Cũng vì nghĩ thế nên bà không tiếc tiền đầu tư cho cháu ngoại. Thi thoảng cháu gọi về, nghe cháu kể ở nước ngoài phải tiết kiệm ăn uống, bà lại lần dở ví, lấy ra mấy triệu rồi đưa cho mẹ cháu, bảo là “tìm cách gửi sang bên kia cho cháu nó tiêu thêm. Con đừng bảo cháu nó kham khổ quá lại gầy yếu, không có sức để học”. Rồi thi thoảng trong nhà, có ai đến biếu bà đồ này thức nọ, có gì giữ lại được là bà âm thầm cất vào tủ, bụng bảo dạ là “đợi lúc nào cháu ngoại về thì cho cháu uống tẩm bổ”. Mỗi lần cháu ngoại gọi về là bà mặt mày rạng rỡ, rồi phấn khởi dặn dò: “Cháu là tương lai của cả nhà nên cố gắng nhé. Bà sẽ sống đợi tới này cháu công thành danh toại trở về”.
Ngược lại, với cháu nội, thì bà có phần khắt khe hơn. Từ lúc nào, việc cháu nội không thi đỗ được vào cấp 3 mà phải đi học trường nghề khiến bà mất niềm tin vào cháu. Rồi bà nghĩ, nó là cháu trai duy nhất của cả gia đình, sau này nó như vậy thì liệu có ai cậy nhờ, nương tựa được vào cháu không. Giống như cháu gái, bà cũng muốn cho cháu trai thêm tiền để chi tiêu, nhưng bà cũng lại lo, liệu nó có dùng tiền vào mục đích đúng đắn không, hay là lại nướng cả vào quán games. Mẹ con, bà cháu ở chung nhà, nhưng những lời bà nói với cháu nội thường là sự càm ràm, nhắc nhở cháu phải thế này, thế kia.
Rồi tới hôm đó, trong nhà chỉ còn bà và cháu nội. Bà vừa hoàn thành bài tập thể dục thì bị cơn choáng, sa sẩm mặt mày. Ngoài nhà, thấy bà loạng choạng, cháu nội vội lao vào, rất nhanh để giúp bà hồi sức. Thao tác của nó rất nhanh, giống như một nhân viên y tế thực thụ, cho đến khi cơn choáng qua đi, bà hồi tỉnh thì đã thấy mình an tọa trên giường.
Có lẽ, nếu hôm đó cả nhà đều đi vắng cả thì chắc bà còn gặp nhiều vấn đề nguy kịch hơn về sức khỏe. Và hôm đó, nếu cháu bà không có chút kiến thức về hồi sức cấp cứu, chắc bà sẽ không sớm bình phục được như thế này.
Nằm trên giường, bà nghĩ đến cháu nội mà cảm động. Thế mà lâu nay, bà cứ mặc nhiên coi cháu là hư hỏng, kém cỏi. Bà cứ nghĩ là phải được ra nước ngoài học đại học mới là giỏi giang, tốt đẹp. Bây giờ, bà sẽ không phân biệt “cháu xịn”, cháu “thường” nữa. Bà nghĩ rồi, cháu nào thì cũng đều là cháu của bà. Mỗi cháu có một con đường đi vào đời riêng, chỉ cần các cháu làm người tử tế, suy nghĩ chân chính, lương thiện thì tất cả đều là... cháu “xịn” của bà.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chau-xin-a169398.html