Huệ thiệt thòi từ bé khi gia đình sớm không trọn vẹn. Niềm vui, tiếng cười là thứ xa xỉ xuất hiện trong nhà cô bé Huệ. Nhà ngay mặt đường thị trấn, nên mẹ Huệ đi học nghề rồi về mở một quán cắt tóc gội đầu tại nhà. Gần hai mươi năm trước, việc mở một quán cắt tóc gội đầu ở thị trấn là một việc… nhạy cảm và rất dễ rơi vào dèm pha. Quả đúng như thế thật. Khách hàng có cả nam cả nữ, nhưng chẳng hiểu sao Huệ thi thoảng lại được nghe những bà hàng xóm bàn tán xôn xao, rằng cắt tóc gội đầu chỉ là trá hình, chứ còn bên trong thì ai mà biết được? Thậm chí, có những người thẳng thừng hơn, họ bảo đấy là quán đèn mờ, mẹ của Huệ đang làm… gái!
Bố Huệ khi ấy là thợ xây, nay đây mai đó, theo đội thợ đi xây nhà khắp nơi. Vài ba tháng ông mới về nhà một lần, về cỡ nửa tháng lại đi miết. Hoàn cảnh đấy, cộng với những lời rỉ tai nhau độc địa của người ngoài, đã dần dần khiến không khí gia đình Huệ ngột ngạt, căng thẳng. Cô bé Huệ khi ấy chưa thể hiểu hết những sự dèm pha của người đời, chưa thể hiểu vì sao bố bắt đầu to tiếng với mẹ, bắt mẹ đóng cửa quán mỗi khi có khách là đàn ông đến cắt tóc. Thậm chí, lúc nào uống rượu say, bố còn đánh mẹ.
Đôi bàn tay thô kệch chỉ quen trát vữa, bê gạch nên mỗi cái tát cũng đau hơn người thường đánh. Huệ sợ lắm nên chỉ dám đứng im trong góc rồi hé mắt ra nhìn, chỉ khi nào thấy bố đánh mẹ nhiều quá mà không chịu dừng lại, cô bé mới hét to lên. Khi ấy, bố mới thôi.
Những trận đánh cứ triền miên hơn rồi đến một ngày, mẹ đóng hẳn quán và bỏ đi biệt xứ. Mẹ Huệ đi một cách lặng lẽ, vào một buổi sáng khi cô bé đã đến trường, và bố Huệ thì vô tâm không buồn để ý. Một thời gian dài sau đó, khi thấy những nguôi ngoai và nhớ mẹ của Huệ cũng dần qua đi, bố Huệ gửi con gái cho ông bà nội nuôi, rồi tiếp tục đi theo những công trình, biền biệt.
Lớn lên trong hoàn cảnh ấy, khi chưa được mẹ hay bố cho một lời giải thích vì sao nhà mình tan vỡ, mỗi người một nơi, Huệ có phần ghét mẹ. Cô cho rằng, tất cả những chuyện xảy đến là vì mẹ ích kỷ, không biết vun vén gia đình. Mẹ chỉ biết chiều bản thân mẹ, sung sướng cho riêng mình, tới khi chán thì bỏ đi nơi khác, bỏ lại cả Huệ, cả bố. Dù cho sau này, mẹ có trở về thăm Huệ, thì cô cũng khó mà tha thứ được.
Những tư tưởng ấy đè nặng khiến Huệ có phần mặc cảm và luôn thấy có lỗi. Nhất là lúc yêu Tuấn – người yêu hiện tại, lúc nào cô cũng không nỡ làm anh buồn, vì sợ anh sẽ rời xa mình, rồi cô lại phải sống trong cảnh bị bỏ rơi như hồi nhỏ. Chỉ nghĩ thế thôi Huệ đã không chịu được, nên cô luôn cố gắng làm vui Tuấn bằng mọi giá. Tuấn rủ Huệ về nhà trọ sống chung, cô cũng đồng ý. Về ở với nhau, Huệ chẳng khác gì “bảo mẫu” của Tuấn: Lo ăn, lo ngủ, khi nào Tuấn hết tiền thì đã có Huệ đưa tiền ngay. Những khi Tuấn đi nhậu say xỉn về, cô cũng không la mắng, không mặc kệ, mà vẫn nhẹ nhàng chăm sóc. Ngày lễ, ngày Tết, Huệ chưa từng quên quà cáp cho bố mẹ Tuấn. Nhà anh có việc, cô xắn tay vào làm còn hơn cả người nhà. Với Huệ, có như thế mới đảm bảo cho cô một hạnh phúc.
Trong một lần công ty kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhân viên, ngoài những danh mục khám được công ty chi trả, có một phần khám ngoài mà nhân viên phải tự bỏ tiền ra khám nếu muốn, đó là kiểm tra về khả năng sinh sản. Ban đầu, Huệ cũng định bỏ qua phần khám này, vì cô nghĩ mình còn trẻ, chắc chắn việc sinh nở sẽ rất thuận lợi. Nhưng rồi Huệ cứ lấn cấn mãi. Cô muốn có một hạnh phúc chắc chắn với Tuấn, thậm chí, cô còn muốn có con với anh từ rất lâu rồi. Vậy là Huệ quyết tâm bỏ ra một số tiền tương đối để làm xét nghiệm.
Thật không may, kết quả đến tay khiến Huệ rơi vào buồn bã. Trong kết luận của bác sĩ, nồng độ AMH (sẽ cho biết khả năng sinh sản và dự trữ buồng trứng của phụ nữ) của Huệ khá thấp so với tuổi, khiến khả năng có con là không cao. Cầm tờ giấy trong tay, Huệ bàng hoàng. Cô không có đủ khả năng tài chính để có thể làm các phương pháp hiện đại giúp có con. Nhưng nếu cứ để thế này, có lẽ hạnh phúc của cô sẽ tuột khỏi tầm tay.
Nhưng rồi như được trời thương, sau một thời gian chịu khó ăn uống, tẩm bổ, một ngày, Huệ thấy trong người khang khác. Cô hay mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn. Chẳng hề nghĩ mình có thai nên Huệ cứ cố đi làm. Chỉ tới khi ngất xỉu, được đưa đến bệnh viện khám thì mới biết, mình có thai rồi. Huệ sung sướng không nói nên lời. Giống như một phép màu vừa đến với cô vậy.
Huệ cầm tờ giấy báo có thai về đưa cho Tuấn xem. Cả hai quyết định sẽ về xin bố mẹ Tuấn làm đám cưới. Trên chuyến xe khách về quê Tuấn, lòng Huệ rộn ràng. Cô nghĩ đến một tương lai mình sẽ có một gia đình đầy ắp tiếng cười, sẽ bù đắp cho chính mình ngày nhỏ. Cô sẽ là một người mẹ hiền lành, luôn yêu thương các con còn Tuấn là một bờ vai vững chãi chở che cho cả gia đình. Đáp lại những mong mỏi của Huệ, bố mẹ Tuấn đón cô bằng sự lạnh lùng. Họ cho rằng, nếu muốn về làm dâu, thì trong ngày cưới, Huệ phải đi cửa sau, và không có lễ lạt gì hết. “Chẳng hay ho gì cái việc chửa trước. Đấy là còn chưa kể lấy vợ xem tông, mà cái nhà cô này vốn đã chẳng ra gì”, mẹ Tuấn nói.
Huệ nhìn sang Tuấn, chờ một lời bênh vực của anh. Nhưng Tuấn không nói gì cả, anh cũng không quay qua nhìn lại Huệ. Không ai đứng về phía Huệ, giống như ngày bố mẹ bỏ nhau, cũng chẳng ai nhìn Huệ.
Suốt một thời gian dài, Huệ tự mình đi tìm hạnh phúc. Yêu Tuấn và hy sinh cho anh, cô chưa một lần kêu ca, than vãn. Nhưng trước thử thách lớn hơn là gia đình anh, bỗng Huệ thấy sao mà kiệt sức quá. Nếu bây giờ không đồng ý với yêu cầu đó, có thể cô và Tuấn sẽ không đến được với nhau, đứa con Huệ sinh ra sẽ lại sống trong sự không trọn vẹn như cô ngày nhỏ. Còn nếu đồng ý, nghĩa là phải cúi đầu. Cúi đầu, để tìm thấy hạnh phúc.
Chuyến xe trở lại thành phố chỉ còn mình Huệ. Tuấn ở lại nhà, anh sẽ đi sau. “Hay cứ đồng ý với bố mẹ, dù gì cũng chỉ là thủ tục thôi mà”, Tuấn nói khẽ với Huệ. Không còn những mộng tưởng về gia đình hạnh phúc, lần này, trong chuyến xe chòng chành đưa Huệ về thành phố, chỉ có những mông lung.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/cui-dau-tim-hanh-phuc-a169442.html