Bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Mường ở Thủ đô

(PNTĐ) - Những năm qua, huyện Thạch Thất đã có nhiều chính sách cũng như hành động thiết thực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn. Điều đáng mừng là bên cạnh sự tiếp nhận những nét văn hóa mới khi về với Hà Nội, những bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường vẫn được gìn giữ, truyền dạy.

Nữ nghệ nhân miệt mài gìn giữ kho báu của người Mường

Ngày nay, cuộc sống của bà con Mường ở Thủ đô đã có nhiều thay đổi, ngoài làm ruộng họ còn nuôi bò sữa, trồng chè, có gia đình làm dịch vụ, thanh niên làm việc tại các nhà máy. Dù cuộc sống thay đổi nhưng văn hóa Mường ở Thủ đô vẫn đang được bảo tồn. Trong công cuộc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường ở Hà Nội đầy tự hào ấy, không thể không nhắc tới những đóng góp không biết mệt mỏi của nữ Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn (thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất).

Với nữ nghệ nhân đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” này, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ, mà là báu vật, là thanh âm linh thiêng trong sinh hoạt văn hóa. Riêng với bà, tiếng cồng chiêng đã ngấm vào máu, mà kỳ lạ thay, càng gắn bó lại càng say mê. “Nhà nghèo nên khi lên 8 tuổi, tôi phải đi làm thuê kiếm sống. Cả làng Đồng Dâu khi ấy chỉ có duy nhất một gia đình giàu có sở hữu dàn chiêng cổ. Để được nhìn thấy dàn chiêng quý, được nghe tiếng chiêng vang lên mỗi ngày, tôi xin vào nhà ấy trông trẻ rồi từng nốt nhạc cứ thế thấm vào tâm hồn tôi tự lúc nào”, bà kể.

Lớn lên, Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn quyết tâm đi tìm cái chữ, mở rộng cánh cửa tương lai. Năm 1974, bà trúng tuyển lớp đạo diễn sân khấu - là khóa sinh viên đầu tiên của Trường Lý luận nghiệp vụ trực thuộc Bộ Văn hóa (tiền thân của Trường Đại học Văn hóa ngày nay). Sau khi ra trường, bà đã trải qua nhiều môi trường công tác, từ Sở Văn hóa tỉnh Hà Sơn Bình, Phòng văn hóa huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), sau đó tham gia Ban Văn hoá xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất.

Bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Mường ở Thủ đô - ảnh 1
Đồng diễn tấu chiêng của người Mường ở xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất).

Tâm huyết, cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật cồng chiêng, năm 2015, bà Thìn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Với phần thưởng 10 triệu đồng, bà vay mượn thêm 8 triệu để mua đủ bộ 12 chiêng. Từ đó, không chỉ truyền dạy cho người trong thôn xã mình, bà Thìn còn dạy cồng chiêng cho người dân huyện Quốc Oai, Ba Vì và các tỉnh bạn, xa nhất là miền núi Thanh Hóa.

Một số học trò do bà Thìn truyền dạy được đi biểu diễn ở nhiều nơi, tham gia nhiều liên hoan, hội diễn, mang đến cho người xem biết bao cảm xúc. Cùng với việc truyền dạy, bà Thìn còn tự tìm tòi nghiên cứu để hoàn thiện bộ hình ảnh, tư liệu về nghệ thuật cồng chiêng, với hy vọng qua đó đồng bào cả nước có thể ghi nhận bản làng bà như một nơi lưu giữ hồn cồng chiêng của người Mường. Hiện nay, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Bích Thìn là Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Chiêng và Hát múa dân gian xã Tiến Xuân. Câu lạc bộ của xã được thành lập từ năm 2014 với 25 thành viên.

Tuy nhiên, ngay từ năm 2008, mỗi thôn đều đã thành lập đội chiêng của mình, với 84 thành viên. Ngoài việc các đội tự góp tiền mua sắm bộ chiêng để biểu diễn, huyện Thạch Thất cũng trang bị 17 bộ chiêng cho các thôn của xã Tiến Xuân và mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn đánh chiêng cho thành viên của các đội. Tiếng cồng chiêng giữa nhịp sống đương đại đã góp thêm vào bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trao truyền và tiếp nối kho tàng văn hóa Mường

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất Nguyễn Văn Nghĩa, văn hóa dân tộc Mường chứa đựng lối sống giàu chất nhân văn và đạo lý, phản ánh quá trình lao động, sáng tạo được kế tục phát huy, phát triển, là niềm tự hào của bao thế hệ người Mường. Trong quá trình vận động và phát triển, văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn đã được giao thoa, có sự tiếp thu tinh hoa văn hóa rất phong phú, đa dạng của các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhất là văn hóa dân tộc Kinh.

Hiện nay, trên địa bàn xã Tiến Xuân có 2 dân tộc anh em Kinh và Mường cùng sinh sống, trong đó người Mường chiếm gần 70%. Điều đáng mừng là bên cạnh sự tiếp nhận những nét văn hóa mới khi sáp nhập vào Hà Nội, những bản sắc văn hóa của đồng bào Mường vẫn được gìn giữ, truyền dạy. Trong đó có thể kể đến như trang phục, ẩm thực và các vật dụng trong sản xuất, sinh hoạt; hay các giá trị văn hóa phi vật thể, gồm: Ngôn ngữ, mo Mường, cồng chiêng và các làn điệu hát, múa, các môn thể thao, trò chơi dân gian dân tộc Mường… vẫn hiện hữu trong đời sống nhân dân.

Bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Mường ở Thủ đô - ảnh 2
Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn vẫn miệt mài lưu giữ “hồn” âm thanh của văn hóa Mường.

Kể từ khi hợp nhất với Thủ đô, xã Tiến Xuân được Thành phố và huyện quan tâm đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống, phát triển sản xuất. Tiến Xuân trở thành xã đầu tiên trong số các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi của thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới. Từ chỗ chỉ biết trồng cấy những loại cây đơn giản, truyền thống thì nay người dân nơi đây đã biết làm du lịch, dịch vụ dựa trên bản sắc vốn có của người Mường. Trên địa bàn hiện có 5-6 khu nghỉ dưỡng cao cấp và trên 10 khu homestay do nhà dân quản lý, thu hút nhiều du khách.

Không chỉ Tiến Xuân nói riêng mà những năm qua, huyện Thạch Thất đã có nhiều chính sách cũng như hành động thiết thực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn. Đồng thời ngoài xã Tiến Xuân, huyện cũng sát sao chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã Yên Trung, Yên Bình thực hiện tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia vào công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường.

Những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, ẩm thực dân tộc diễn ra trong ngày hội là đợt sinh hoạt quần chúng rộng rãi, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia; giúp tái hiện lại đời sống văn hóa, xã hội và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường. Như tại xã Yên Trung, mới đây, cũng tổ chức ngày hội văn hóa văn nghệ, thể thao, ẩm thực dân tộc Mường nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024. Tại ngày hội cũng đã diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường, trong đó có trò chơi ném còn.

Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường tiếp tục được huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội quan tâm, gìn giữ và phát triển. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Văn hóa truyền thống của dân tộc Mường có bản sắc riêng, rất độc đáo, chứa đựng lối sống giàu chất nhân văn và đạo lý truyền thống, phản ánh quá trình lao động, sáng tạo được kế tục phát huy, phát triển, là niềm tự hào của bao thế hệ người Mường. Gìn giữ và phát huy những nét đẹp bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc cũng giúp các hủ tục dần được đẩy lùi, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày một nâng cao.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bao-ton-va-phat-huy-ban-sac-dan-toc-muong-o-thu-do-a169811.html