Ai chở mùa hè của em đi đâu?

Nhắc thì lại bảo cứ hay hoài cổ, cái gì cũng... ngày xưa, ngày xưa mà như ngày nay thì chả ai gọi ngày xưa vân vân, nhưng quả là, hè về, lại cứ phải nhớ... ngày xưa.

Thực ra thì cũng chưa xa lắm, cứ hè là bao kế hoạch lại được các vị phụ huynh vạch ra cho con mình. Một trong kế hoạch đinh, kế hoạch cứng, kế hoạch đương nhiên, là về quê.

Còn trẻ em ở quê thì được đưa ra thành phố, nhà anh chị cô dì chú bác, thậm chí là người làng, đi chơi phố rồi về để học. Mỗi chuyến đi là một lần mở tầm mắt, cả về quê hay lên phố. Tất nhiên lên phố thì chỉ vài hôm rồi về, phố chật chội thế, chỗ nào mà chơi. Vậy nên, hè thì đương nhiên là quê.

Quê là gì?

Với người Việt Nam thì đấy là nơi sinh ra ông bà cha mẹ, là rơm rạ đồng quê, là đường làng ngõ xóm, cánh đồng mênh mông, là trăng sao đêm hè, là trâu bò ngan ngỗng, là ruộng lúa nương dâu, là sông là biển, là sản vật rất... quê mùa nhưng giờ thành đặc sản, mỗi chuyến xe lên phố là lặc lè quà quê, là bơi lội chạy nhảy, là diều là khăng, là ký ức là tuổi thơ, là dằng dặc những câu chuyện cổ tích hết đêm này sang đêm khác...

Thời ấy, chúng tôi quần đùi áo cộc, với cái sào gắn cục nhựa mít ở đầu, lang thang hết trưa nay đến trưa khác, đi bắt ve, bất chấp khuyến cáo của ba mẹ là nếu không ngủ trưa mà trốn đi bắt ve là sẽ ăn đòn. Và thực tế là đã nhiều lần ăn đòn.

Nó còn là nghĩa tình, là kết nối anh em dòng họ, là thảo thơm nhường nhịn, là bán anh em xa mua láng giềng gần, là lá lành đùm lá rách vân vân...

Mà xưa, con đường về quê xa lắm, tàu xe dằng dặc. Giờ, máy bay, xe chất lượng cao, xe riêng của nhà, tàu lửa... đều rất thuận tiện.

Từ nhà tôi mà suy, năm nay các cháu ngoại không về chơi với ông bà, không về ông bà ngoại cũng đồng nghĩa ông bà nội cũng đành nói chuyện với cháu qua video call.

Chúng bận học.

Tôi vẫn hay nói với bạn bè, với cả con nữa, rằng ngày xưa mà được học đều như bây giờ có khi tôi giờ đã là... thiên tài. Tiếc là ngày xưa chỉ được học chữ, không học thêm học nếm gì, chỉ học trên lớp, một buổi thôi, buổi còn lại thì làm việc giúp bố mẹ, công việc cụ thể tùy từng gia đình, đa phần là chăn trâu bò, lấy củi. Tôi cứ ước mình biết một chút nhạc, biết hát và có thể vẽ được, những thứ mà giờ tôi rất thích nhưng mù tịt.

Giờ có điều kiện. Thứ nhất là trong trường các cháu đã được học, ngoài ra nếu có năng khiếu thì đi học thêm ở ngoài, rất nhiều giáo viên hoặc các trung tâm mở dạy từ hội họa, âm nhạc, tới bơi, võ, patin...

Chưa kể học thêm về văn hóa, là học chữ ấy ạ, nước ta hay gọi học vấn là văn hóa, lý lịch có mục khai “trình độ văn hóa” trong khi thực ra nó là học vấn, tức đi học thêm kiến thức đã học, như là lẽ đương nhiên.

Đa chiều - Ai chở mùa hè của em đi đâu?

Ảnh minh họa.

Bao nhiêu năm chúng ta đã... chiến đấu với học thêm dạy thêm nhưng mà rồi nó vẫn phát triển như một tất yếu, cái tất yếu không thể bỏ được. Theo tôi muốn bỏ dạy thêm học thêm thì chúng ta phải cải tổ cách dạy và học thông thường, cải tổ chương trình, cải tổ cách thi, chứ vẫn cứ như hiện nay thì dạy thêm học thêm là... đương nhiên.

(Ngay việc lúc nào đấy chúng ta tự hỏi: tại sao trường tư, ngoài công lập, trường quốc tế mở ở Việt Nam lại không phải học thêm dạy thêm cũng thú vị phết).

Hè bây giờ, tiếng là 3 tháng, nhưng chưa được một tháng học sinh đã đi... học thêm, là nói đi học chữ. Còn nhiều môn khác cũng để dành đến hè sẽ học, bơi ư, võ ư, vẽ ư, nhạc ư, vân vân...

Thế nên, hè giờ, khổ quá. Rầm rập từ phố đến quê học trò đều náo nức… học thêm. Phượng cứ nở, ve cứ kêu mà nào có ai để ý đến. Thành phố ngột ngạt có được tí ve tí phượng thế mà rồi cũng như không, thì nói gì đến quê nội quê ngoại với cánh đồng, với đêm trăng, với những trò chơi dân gian đời này sang đời khác không nhàm không chán. Ai đấy bảo học sinh bây giờ sướng, cơm đút tận miệng, gối kê tận đầu, ngồi xẹp cả lốp xe mà bố mẹ vẫn phải đưa đón hàng ngày. Nhưng lại có người kêu chúng khổ quá, sống thế khác gì gà công nghiệp. Bởi nghĩ cho cùng, học là để sống cho sung sướng, cho thỏa mãn mình, cho niềm vui hạnh phúc của chính mình, chứ đằng này cứ như đi học thuê, lớn uỳnh uỳnh thế rồi, ngoại ngữ làu làu, múa phím như vũ công mà chưa phân biệt được con trâu với con bò, con ngan với con vịt, con rắn với con lươn…

Thế nên rốt cuộc, hè về nguyên tắc là những tháng học trò được nghỉ ngơi, được bố mẹ cho về quê, được vào thư viện đọc sách, được làm điều gì các em thích trong điều kiện cho phép của bố mẹ, đằng này các em "được" tiếp tục chiến đấu với... học kỳ ba. Một số em không phải chiến đấu với học kỳ ba thì đơn giản không phải là do các em học giỏi, mà là do gia đình khó khăn, các em phải đi... bán vé số. Vâng những ngày này, rất nhiều học sinh, có cả các cháu lớp một, đi bán vé số để lấy tiền chuẩn bị năm học mới...

Vào các quán cà phê mà xem. Mấy quán tôi hay uống, có mấy cháu học sinh đi làm thêm mấy tháng hè để giúp ba mẹ. Cháu được tính công theo giờ...

Quán ăn, quán nhậu cũng thế, đầy các cháu học sinh phổ thông, có cháu cấp 2.

Dẫu chưa lẩn thẩn để lặp lại những điều đã cũ, nhưng tôi cũng vẫn phải lẩm bẩm: Bao giờ cho tới... ngày xưa? Và lẩm bẩm tiếp mấy câu trong bài hát của ông nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ thơ Đỗ Trung Quân, nhưng là hát chệch đi, hát chế: Ai chở mùa hè của em đi đâu?

Ai cũng biết nhưng ai trả lời?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ai-cho-mua-he-cua-em-di-dau-a169977.html