Tin liên quan
Phát động Cuộc thi viết “Ký ức tự hào” nhân 70 năm Giải phóng Thủ đô
Làm báo trong kỷ nguyên số: Chất lượng nội dung đi đôi với công nghệ
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925/- 21/6/2024), sáng 12/6, Nhà xuất bản Hà Nội phối hợp với Thư viện Hà Nội đã tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Người trên đường đời” của nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi.
Tới dự lễ ra mắt sách có ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội; lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo cùng đông đảo đồng nghiệp và bạn đọc.
"Người trên đường đời" là cuốn sách mới nhất của nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi. Tác phẩm gồm 50 bài viết, được chia thành 4 chương, bao gồm 4 chủ đề lớn: Người giữa phong ba; Phẩm cách; Chở bao nhiêu đạo; Ánh sáng của lương tri.
Khác với 9 cuốn sách đã xuất bản trước hầu hết thuộc thể loại chính luận về thời cuộc vốn là sở trường của tác giả Hồ Quang Lợi, cuốn sách “Người trên đường đời” được dành để viết về những con người đã tạo những dấu ấn rất sâu sắc trong cuộc đời cầm bút gần 45 năm của tác giả, trong đó có nhiều người là lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và của các nước trên thế giới.
Nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết, ông muốn dành một món quà cho bạn bè, đồng nghiệp yêu quý nhân kỷ niệm 99 Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam thông qua cuốn sách này.
“Tôi đã trải qua gần 45 năm cầm bút, trong đó, chủ yếu tôi viết về đề tài chính luận, bình luận quốc tế và các vấn đề đối ngoại của Việt Nam. Các cuốn sách đã xuất bản trước đây tập trung vào vấn đề như vậy.
Nhưng lần này, tôi quyết định viết một cuốn sách về những con người mà tôi may mắn gặp mặt, làm việc và thậm chí là sống cùng với họ trong suốt gần 45 năm qua. Những người này đã để lại cho tôi những ấn tượng vô cùng sâu sắc”.
Những con người với vai trò, sứ mệnh, hoàn cảnh đặc biệt khác nhau đã tác động mạnh mẽ tới dòng chảy của lịch sử Việt Nam trong suốt thế kỷ qua. Những nhân vật trong cuốn sách còn là những con người có những sắc thái đặc biệt trên nhiều lĩnh vực - cả trong nước và nước ngoài - mà những bước đường đầy gian truân, thử thách và những cống hiến của họ là những ánh lửa đẹp nhân lên niềm tin về những giá trị đích thực trong cuộc sống.
"Thông qua những nhân vật, tôi muốn gửi gắm thông điệp nhân văn đến độc giả. Nhìn vào số phận những nhân vật đã có đóng góp cho đất nước, cho nhân dân; chúng ta phải biết tri ân sự dấn thân và cống hiến của họ. Đồng thời, chúng ta cần sống nhân văn, nỗ lực trong công việc riêng của mình để đóng góp cho xã hội'', nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi cũng tâm huyết chia sẻ thêm: "Cây bút quá nhẹ so với búa nhưng rất nặng về trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm về đạo đức. Chúng ta làm nghề chính trực và nhân văn, và chỉ có chính trực và nhân văn thì ngòi bút của chúng ta mới có ích cho xã hội. Đây là điều tôi luôn tâm niệm và tôi nghĩ rằng các đồng nghiệp của tôi cũng suy nghĩ giống tôi, nên tôi vẫn tiếp tục cầm bút, vẫn tiếp tục phục vụ, để cho ánh sáng của lương tâm, của chính nghĩa, của sự thật, của sự tử tế vẫn tiếp tục trên cuộc đời này".
Với trái tim và nhiệt huyết này, nhiều đại biểu tham dự sự kiện ra mắt cuốn sách “Người trên đường đời” đều có chung nhận xét, nhà văn- nhà báo Hồ Quang Lợi đã viết bằng một tình cảm vô cùng trong sáng, nhân văn và đầy đam mê, nhiệt huyết.
Giáo sư Ahn Kyong Hwan, người đã dịch “Truyện Kiều” và “Nhật ký trong tù” sang tiếng Hàn Quốc, một người bạn thân thiết hiểu và cảm mến nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi chia sẻ, thông qua các bài viết trong cuốn sách “Người trên đường đời”, ông thấy nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi là nhân chứng của sự thật và khách quan.
Đọc cuốn sách, nhà thơ Bằng Việt cho biết, các bài viết của nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi đều thể hiện những suy nghĩ của anh về thế giới, về cuộc sống. “Anh Hồ Quang Lợi đặt mình trong vị trí là một công dân thế giới hiện đại để quan sát và viết”- nhà thơ Bằng Việt nhận định- “Mỗi con người trong cuốn sách đều được Hồ Quang Lợi viết rất kỹ và chân thành, đó là kết quả của sự chiêm nghiệm, quan sát kỹ”.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bày tỏ, cuốn sách của nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi có nhiều chi tiết rất xúc động, đáng suy ngẫm và nên đọc với tài năng của một người đam mê dựng chân dung và quan sát chi tiết rất giỏi.
“Năng lượng sáng tạo của nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi xuất phát từ sự lạc quan, đắm đuối với nghề viết. Có nhiều nhân vật trong cuốn sách, nhiều người cũng đã tiếp xúc, nhưng đẻ viết được chi tiết và hay như anh Lợi thì chỉ có bằng sự đam mê”- nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói.
Tác giả Hồ Quang Lợi hiện là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Romania, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam. Ông sinh 1956 tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An; tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài, chuyên ngành Văn học Pháp, Đại học Tổng hợp Bucharest (Romania); Đại tá, nguyên Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân; nguyên Tổng biên tập Báo Hànộimới, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội; nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nguyên Phó Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam; nguyên Tổng Thư ký Liên đoàn các Nhà báo ASEAN.
Ông đã từng đạt 9 Giải Báo chí Quốc gia và Toàn quốc (trong đó có 5 Giải A).
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nguoi-tren-duong-doi-cuon-sach-viet-bang-dam-me-va-nhiet-huyet-voi-nghe-lam-bao-a170008.html