Kỳ cuối: Để di sản khảo cổ đồng hành cùng sự phát triển: Góc nhìn từ Thủ đô

(PNTĐ) - Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị-kinh tế- văn hóa lớn của nước ta, nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc, kết tinh ở hệ thống di sản phong phú, đa dạng, độc đáo. Di sản nói chung, di sản khảo cổ nói riêng chính là nguồn tài nguyên quý giúp Thành phố xây dựng các sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời khẳng định thương hiệu “Thành phố vì hòa bình” và “Thành phố sáng tạo”.

Kỳ cuối: Để di sản khảo cổ đồng hành cùng sự phát triển: Góc nhìn từ Thủ đô - ảnh 1

Từ câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ ở Hà Nội, có thể nhìn rộng ra về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở các địa phương khác trên cả nước.

Kỳ cuối: Để di sản khảo cổ đồng hành cùng sự phát triển: Góc nhìn từ Thủ đô - ảnh 2

Hà Nội là một vùng đất cổ, một trung tâm Di sản văn hóa của đất nước, trải dài về thời gian từ tiền sử, sơ sử đến lịch sử cách mạng, trải rộng về không gian từ vùng núi cao Ba Vì đến đồng bằng cao, rồi đồng thấp, lầy trũng; đặc biệt với nhiều loại hình di tích khảo cổ đặc sắc, độc đáo, riêng có. 

“Lâu nay người ta thường nhắc đến một Hà Nội nghìn năm tuổi. Đấy mới là một Thăng Long từ chiếu rời đô của nhà Tiền Lê. Nhưng, còn có một Hà Nội khác, cổ hơn thế rất nhiêu - Hà Nội vài vạn năm tuổi. Các di tích khảo cổ tiền sử Hà Nội tuy không nhiều, nhưng đại diện cho các giai đoạn phát triển chính yếu của thời tiền sử - thời kỳ chưa có chữ viết, chưa có giai cấp, chưa có Nhà nước ở các giai đoạn khác nhau...”, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Hội Khảo cổ học Việt Nam, chia sẻ.

Kỳ cuối: Để di sản khảo cổ đồng hành cùng sự phát triển: Góc nhìn từ Thủ đô - ảnh 3

Mở đầu cho lịch sử cư trú của con người ở Hà Nội là vết tích văn hóa Đá cũ được biết đến ở vùng núi Ba Vì và đồi cao Đông Anh, Hà Nội. Sau 3 vạn năm, mực nước biển bắt đầu rút xuống, Ba Vì và Đông Anh là vùng đất cao của Hà Nội lúc đó, đã được cư dân Hậu kỳ Đá cũ chuyển đến cư trú, khai phá. Họ chế tác và sử dụng công cụ cuội ghè đẽo thô sơ, tiến hành săn bắt - hái lượm, mở đầu cho lịch sử vùng đất Hà Nội hôm nay. 

Sau 1 vạn năm, các cộng đồng cư dân sơ kỳ Đá mới bắt đầu chiếm lĩnh một số hang động ở huyện Mỹ Đức, tiêu biểu là các di tích: hang Sũng Sàm, hang Sập Bon và Hang Luận. Các cộng đồng này định cư khá lâu trong các hang động đá vôi, có hang kéo dài cho đến 5.000 năm. Kết quả khai quật cho biết, cư dân ở đây đã biết đến kỹ thuật mài đá làm công cụ, chế tạo đồ gốm khá sớm và đã biết thuần hóa một số loại cây rau củ, mở đầu cho hoạt động kinh tế sản xuất nguyên thủy ở khu vực. 

Kỳ cuối: Để di sản khảo cổ đồng hành cùng sự phát triển: Góc nhìn từ Thủ đô - ảnh 4
Lịch sử cư trú của con người ở Hà Nội có vết tích rất lâu đời, từ thời văn hóa Đá cũ

Sau lần biển tiến Holocene trung (từ 7.000 đến 5.000 năm) là thời kỳ biển lùi. Một số nhóm cư dân hậu kỳ Đá mới bắt đầu vươn ra cư trú ngoài trời, khai phá đồng bằng ven biển Bắc Bộ đang trong quá trình hình thành. Trong tay họ đã có những chiếc rìu, chiếc cuốc đá mài nhẵn toàn thân, mà vết tích của họ đã tìm thấy ở các di tích Thắng Lợi (Thường Tín), Hương Sơn (Mỹ Đức), Đường Lâm (Sơn Tây) và Mả Đống (Ba Vì).

Nhưng phải sau 4.000 năm, khi mà đồng bằng Bắc Bộ cơ bản đã hình thành xong, cư dân sơ kỳ Kim khí bắt đầu vươn xuống chiếm lĩnh và khai phá đồng bằng. Người ta tìm thấy hàng chục di tích văn hóa của cư dân mang đặc trưng Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun ở hầu khắp các huyện thị thành phố Hà Nội, tập trung nhất vẫn là vùng cao các huyện Ứng Hòa, Hoài Đức, Đông Anh, Tây Đằng, Phú Xuyên, Mỹ Đức. Đây là những cư dân khai phá đồng bằng, trồng lúa nước, luyện kim, chế tác kim loại và phát triển đỉnh cao kỹ thuật chế tạo gốm và công cụ lao động bằng đá. Những cư dân Tiền Đông Sơn ở Hà Nội định cư lâu dài, kế tiếp nhau, tiêu biểu là di tích Đình Chàng (Đông Anh). Đây là lớp cư dân tiền Đông Sơn, đóng góp vào hình thành văn hóa Đông Sơn văn minh Việt cổ ở lưu vực sông Hồng, cơ tầng quốc gia Văn Lang Âu Lạc.

Kỳ cuối: Để di sản khảo cổ đồng hành cùng sự phát triển: Góc nhìn từ Thủ đô - ảnh 5
Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long-nơi ghi dấu lịch sử nghìn năm của Thủ đô Hà Nội
Kỳ cuối: Để di sản khảo cổ đồng hành cùng sự phát triển: Góc nhìn từ Thủ đô - ảnh 6
 

Tuy nhiên, hiện nay, theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử, trong quá trình đô thị hóa vùng nông thôn rộng lớn và tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng cho Thủ đô, nhiều di tích khảo cổ đã phát hiện trước đây do chưa xếp hạng, không có chỉ giới bảo vệ cụ thể, hoặc các di tích mới phát hiện ngẫu nhiên trong quá trình thi công cơ giới, sẽ không tránh khỏi bị xóa xổ. Đó là trường hợp phổ biến ở nhiều khu đô thị. 

Kỳ cuối: Để di sản khảo cổ đồng hành cùng sự phát triển: Góc nhìn từ Thủ đô - ảnh 7
Quá trình đô thị hóa khiến nhiều di tích khảo cổ học bị ảnh hưởng

 

Lâu nay, Hà Nội cũng đang chú trọng đến các di tích lịch sử, văn hóa trên mặt đất hoặc các di tích kiến trúc tôn giáo tâm linh, còn các di tích khảo cổ tiền sử hầu như chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức. Hầu hết các cuộc khai quật di tích tiền sử chỉ tập trung thu thập thông tin hố đào, thu thập hiện vật lưu kho hoặc trưng bày bảo tàng. Sau đó, hố khai quật lấp lại và cũng không có chỉ giới thông báo phạm vi di tích cần bảo vệ. 

Kỳ cuối: Để di sản khảo cổ đồng hành cùng sự phát triển: Góc nhìn từ Thủ đô - ảnh 8
Thành Dền và nhiều di chỉ khảo cổ khác vẫn đang chờ một quy hoạch khảo cổ của Hà Nội

Quyền sở hữu đất đai là của người dân, mà tình trạng thay tên đổi chủ, mua bán diễn ra liên tục khiến công tác quản lý di tích khảo cổ đã biết trở nên khó khăn. Hầu hết các cuộc khai quật khảo cổ tiền sử ở Hà Nội đều chưa có dự án bảo tồn và phát huy di sản đi kèm. Do vậy, những thông tin khoa học về di sản nổi bật của từng di tích hầu như khó đến được với công chúng Thủ đô. Đó là chưa kể nhiều di tích chỉ mới phát hiện, thám sát nhỏ, đã đi vào lãng quên, nhiều di tích bị xóa xổ. 

Trong một số khu di tích khảo cổ lớn của Hà Nội như ở Ba Vì, Lai Xá (Hoài Đức), Cổ Loa (Đông Anh)..., các di tích khảo cổ dưới lòng đất chưa được đưa vào qui hoạch bảo tồn, tôn tạo và khai thác du lịch. Việc đặt các di tích khảo cổ tiền sử ra ngoài qui hoạch là mất bình đẳng, không công bằng với di sản văn hóa dân tộc.

Nói đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ, GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã liên tưởng tới Di sản văn hóa thế giới Hội An, tỉnh Quảng Nam- nơi tập trung đậm đặc nhất các di tích văn hóa Sa Huỳnh (được biết cho tới nay).

Theo GS.TS Dung, công tác bảo tồn di sản ở Hội An được thực hiện khá bài bản. Dự báo được mức độ đô thị hóa, ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX, những người làm công tác quản lý và nghiên cứu di sản ở Hội An đã sớm “đi trước một bước” khi xây dựng bản đồ phân bố các di tích khảo cổ, cắm mốc di tích và khoanh vùng, xác định vùng lõi cần bảo vệ của di tích. Những khu vực không khoanh vùng bảo vệ nhưng vẫn thuộc phạm vi di tích, nếu triển khai các công trình an sinh sẽ phải tiến hành nghiên cứu, khai quật trước. Có thể nói, ít nơi nào làm được một quy hoạch khảo cổ cụ thể và đầy đủ như Hội An.

Kỳ cuối: Để di sản khảo cổ đồng hành cùng sự phát triển: Góc nhìn từ Thủ đô - ảnh 9
Cán bộ bảo tàng Quảng Nam tiến hành điều tra, khảo sát tại TP. Hội An nhằm nắm bắt hiện trạng di tích/địa điểm khảo cổ đã được phát hiện, khai quật trước đây và tìm kiếm các địa điểm khảo cổ mới. (ảnh: Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An-tháng 5/2024)

 

Bên cạnh đó, Hội An còn có một hệ thống các bảo tàng được xây dựng ngay trên những tuyến du lịch quan trọng của đô thị cổ, tạo thành những điểm tham quan quan trọng trên chuỗi các điểm du lịch tham quan phố cổ. Có thể kể tới bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh hiện trưng bày các chum mộ và những di vật chôn theo phát hiện từ các khu mộ chum thuộc văn hóa Sa Huỳnh, các di vật từ địa điểm Tiền Sa Huỳnh Bãi Ông Cù Lao Chàm có niên đại cách đây trên 3.000 năm. Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch Hội An lại trưng bày các hiện vật về các hoạt động buôn bán ở Hội An từ thời cổ, trung đến cận đại. Hay như bảo tàng Hội An, phần trưng bày các di sản khảo cổ học chiếm một tỷ trọng lớn trong không gian trưng bày lịch sử - văn hóa, phản ánh diễn trình lịch sử văn hóa Hội An qua 3 thời kỳ Tiền - Sơ sử (từ thế kỷ III TCN - thế kỷ I CN); thời kỳ Champa (thế kỷ II - thế kỷ XV) và thời kỳ Đại Việt - Đại Nam - Việt Nam (từ cuối thế kỷ XVI - giữa thế kỷ XIX).

Đối chiếu với Hà Nội, TS Lâm Thị Mỹ Dung cho rằng, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Hà Nội sẽ khó hơn so với Hội An, dù đây đều là hai đô thị và đều đang đối mặt với rất nhiều thách thức và nguy cơ từ đô thị hóa, gia tăng dân số, quá tải du lịch, toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu. Đó là diện tích của Hà Nội lớn hơn nhiều so với Hội An, nhất là sau khi sát nhập địa giới hành chính với tỉnh Hà Tây. Hà Nội hiện nay giống như một siêu đô thị với nhu cầu rất lớn về xây dựng chung cư cao tầng, các khu công nghiệp, các khu trường đại học... Trong khi đó, Hà Nội lại chưa có một bản đồ tổng thể về khảo cổ nên sẽ khó để đưa quy hoạch khảo cổ vào quy hoạch phát triển của Thành phố và thiếu cơ sở để đánh giá mức độ, phạm vi ảnh hưởng tới di tích khảo cổ khi tiến hành xây dựng các công trình dân sinh, hạ tầng... 


Kỳ cuối: Để di sản khảo cổ đồng hành cùng sự phát triển: Góc nhìn từ Thủ đô - ảnh 10

 

Tuy nhiên, phải khẳng định, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều điểm sáng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ với quyết tâm giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hiến Thăng Long không chỉ cho các thế hệ tương lai của Thủ đô mà còn cho cả quốc gia. Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long là một trong số những địa điểm hấp dẫn, hàng năm thu hút đông đảo Nhân dân tới thăm quan, tìm hiểu lịch sử. Trong khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, nhiều dấu tích khảo cổ quan trọng của cố đô nghìn năm tuổi sau khai quật đã được bảo tồn tại chỗ, trong nhà có mái che và được bảo trì thường xuyên. Hay tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám bước đầu áp dụng công nghệ hiện đại như: trí tuệ nhân tạo (AI), kính thực tế ảo, màn hình tương tác, trình chiếu 3D mapping trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Thủ đô.

Từ đó cho thấy, hoàn toàn có thể nhân rộng việc khai quật đi liền với xây dựng bảo tàng tại chỗ và kết hợp với công nghệ số tiên tiến hỗ trợ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, kể cả di tích tiền sử ở Thủ đô.

Kỳ cuối: Để di sản khảo cổ đồng hành cùng sự phát triển: Góc nhìn từ Thủ đô - ảnh 11
Di tích Văn Miếu Quốc tử giám bước đầu áp dụng nhiều công nghệ hiện đại

Song, để Hà Nội làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ, để "quá khứ" có thể góp phần đáng kể vào sự phát triển "hiện tại và tương lai" của Thủ đô, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử đề xuất, đã đến lúc, Hà Nội cần có các chương trình điều tra cơ bản, thiết lập bản đồ chi tiết các di tích khảo cổ tiền sử, sơ sử và lịch sử trên địa bàn toàn Thành phố. Một số di tích tiêu biểu cần được khai quật, thám sát, đánh giá giá trị lịch sử văn hóa của chúng trong bức tranh chung di sản của Thủ đô, của đất nước. Cần thiết lập một mạng lưới thông tin kỹ thuật số trong quản lý các di tích này. Hệ thống đó thực sự là cơ sở khoa học cho việc quản lý, bảo vệ và xử lý khoa học khi đụng chạm đến qui hoạch xây dựng, kiến thiết Thủ đô. Đối với các di tích khảo cổ tiền sử nằm trong dự án giải tỏa cho các công trình khác của Thủ đô, của quốc gia, cần tuân thủ Luật Di sản văn hóa đã ban hành.  

Kỳ cuối: Để di sản khảo cổ đồng hành cùng sự phát triển: Góc nhìn từ Thủ đô - ảnh 12
Hà Nội cần đầu tư kinh phí chấn hưng văn hóa cho các di tích khảo cổ một cách hợp lý

Hà Nội cũng cần đầu tư kinh phí chấn hưng văn hóa cho các di tích khảo cổ một cách hợp lý, nhất là các di tích khảo cổ trong lòng đất. Với các di tích này cần thiết lựa chọn khai quật, nghiên cứu có hệ thống, đi liền với bảo tồn tại chỗ, gắn với du lịch trải nghiệm, liên kết các chuỗi các di tích, các đại diện tiêu biểu, điển hình cho một giai đoạn văn hóa cổ xưa của Thủ đô.

Việc bảo tồn và khai thác di sản khảo cổ ở Thủ đô không thể chỉ có các nhà chuyên môn, mà cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân sở tại và sự tham gia của các doanh nghiệp. Trong các nhân tố ấy, sự đồng thuận và tham gia tự giác của người dân là yếu tố quan trọng nhất, đúng với tinh thần bảo vệ di sản mà tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa Liên hợp quốc UNESCO đã khởi xướng. Do vậy cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức giá trị di sản khảo cổ cho người dân và tạo cho họ được hưởng lợi chính đáng từ khai thác di sản, có như vậy người dân mới tham gia tự nguyện và sáng tạo ra các hình thức bảo vệ phù hợp, khai thác bền vững. 

Kỳ cuối: Để di sản khảo cổ đồng hành cùng sự phát triển: Góc nhìn từ Thủ đô - ảnh 13
Nguồn tài nguyên di sản khảo cổ hứa hẹn sẽ đóng góp hữu hiệu vào phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô. (Khu Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa- ảnh: Fanpage Thành Cổ Loa)

GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng, nguồn tài nguyên di sản khảo cổ hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích, đóng góp hữu hiệu vào phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô. Có thể kể tới giá trị về kinh tế như phát triển du lịch, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho cộng đồng bản địa, tạo ra nhiều ngành nghề liên quan đến di sản; giá trị về tinh thần (giúp con cháu hiểu về cuộc sống của bậc tiền nhân) hay giá trị về thẩm mỹ. 

Vì thế, Hà Nội cần khẩn trương đánh giá tổng thể hiện trạng các di tích khảo cổ, đặc biệt là đánh giá nguy cơ tác động để từ đó lập kế hoạch để vừa làm tốt công tác bảo tồn nguồn tài nguyên quý của cha ông vừa đảm bảo mục tiêu phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể tham khảo kinh nghiệm bảo vệ, bảo tồn và phát huy các di sản khảo cổ của một số quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc... và luôn dựa trên các cơ sở khoa học, pháp lý cùng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý với các bên liên quan (nhà khoa học, nhà đầu tư, cộng đồng, truyền thông...), cùng đưa ra những giải pháp khả thi để "bảo tồn là phát triển và phát triển là bảo tồn". Hai vế này sẽ hỗ trợ, đồng hành chứ không đối trọng nhau.

Những đề xuất giải pháp cho Hà Nội cũng có thể được tham chiếu cho các địa phương khác để chúng ta cùng làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ của dân tộc.

Kỳ cuối: Để di sản khảo cổ đồng hành cùng sự phát triển: Góc nhìn từ Thủ đô - ảnh 14

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ky-cuoi-de-di-san-khao-co-dong-hanh-cung-su-phat-trien-goc-nhin-tu-thu-do-a170152.html