Việt Nam tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu

(PNTĐ) - Mới đây, Báo cáo về “Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2024” đã được công bố bởi StartupBlink (Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu), theo đó, Việt Nam tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2024 và lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng lọt top 1000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.

Tin liên quan

Thành phố Hà Nội: Sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

“Đồng hành cùng mùa thi” với gần 500 học sinh lớp 12

Một đối tượng truy nã đặc biệt bị bắt trong vụ án “Oanh Hà“

Năm nay, cách tính tổng điểm của hệ sinh thái trong bảng xếp hạng dựa trên 3 yếu tố gồm: Điểm số lượng, điểm chất lượng và điểm kinh doanh.

Trên cơ sở đó, thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2024 đã tăng hai bậc từ vị trí thứ 58 lên 56. Xét trên khu vực Đông Nam Á, chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì vị trí thứ 5 và vị trí thứ 12 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đứng thứ 31 toàn cầu về số lượng startup.

Việt Nam tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu - ảnh 1
Việt Nam có 03 thành phố lọt top hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu

Đặc biệt, Đà Nẵng lần đầu tiên lọt vào top 1.000 thành phố có chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp cao nhất trên toàn cầu với vị trí thứ 896 cùng với TP. Hồ Chí Minh (vị trí thứ 111) và Hà Nội (vị trí thứ 157). 

Báo cáo cũng nhấn mạnh sự phục hồi tích cực của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam trong năm vừa qua. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2024 được đánh giá là đạt được nhiều thành công, với sự phát triển ở nhiều lĩnh vực.

Trong đó, các lĩnh vực trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang thu hút vốn nhiều từ nhà đầu tư bao gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ thực phẩm, giải pháp doanh nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin. Với các kỳ lân như MoMo và Sky Mavis, Việt Nam đang nổi lên như một cường quốc khởi nghiệp tại Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, các khoản đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, các ưu đãi thuế của chính phủ Việt Nam đã và đang thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài lớn. Dự kiến vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam sẽ đạt 5 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2025.

Nỗ lực xây dựng và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Mặc dù được đánh giá tích cực, tuy nhiên các thách thức mà các startup tại Việt Nam vẫn còn gặp phải đó chính là thiếu nhân lực có trình độ, thiếu các startup quy mô lớn và cải cách thể chế vẫn còn chậm. Ngoài các quỹ và khoản vay hiện có, chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào quá trình đào tạo để xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng. Việc cải cách thể chế liên tục là rất cần thiết để tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện, từ đó thu hút các doanh nghiệp công nghệ và giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp càng dễ phát triển.

Việt Nam tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu - ảnh 2

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua việc xây dựng Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC) (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để đóng góp vào các mô hình tăng trưởng dựa trên sự phát triển khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, việc triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) đã thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái của Việt Nam, giúp tăng trưởng cả về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mới và tổng doanh thu của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định 188/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Đề án 844, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ thành lập và phát triển hệ thống các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại 03 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay Bộ KH&CN tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành địa phương để thúc đẩy xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại 3 miền.

Ngoài ra, các tổ chức hỗ trợ trong nước và quốc tế như USAID, CARE, các chương trình với đối tác Đổi mới Việt Nam - Phần Lan (IPP), Chương trình khởi nghiệp Thụy sỹ (Swiss EP) tại Việt Nam,…cũng đã tài trợ, hỗ trợ, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC), mặc dù hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức nhưng tiềm năng của Việt Nam là rất lớn. Sự thay đổi tích cực trong Chỉ số Khởi nghiệp Toàn cầu 2024 chứng tỏ rằng Việt Nam đang đi đúng hướng.

“Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển và hoàn thiện hơn nữa trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Với sự hỗ trợ từ chính phủ, ngành công nghiệp tư nhân và các bên liên quan khác trong hệ sinh thái, tôi rất lạc quan về tương lai của các startup tại Việt Nam”, bà Hằng nhấn mạnh.

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/viet-nam-tang-2-bac-trong-bang-xep-hang-chi-so-he-sinh-thai-khoi-nghiep-toan-cau-a170283.html