Đổi mới sáng tạo mở cần sự chung tay của chính quyền địa phương

(PNTĐ) - Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có đổi mới sáng tạo mở không chỉ đơn thuần là hỗ trợ cho khởi nghiệp. Yếu tố “đổi mới sáng tạo” cần được coi trọng, bởi đây là một cách để tái cấu trúc và nâng cao hiệu suất nền kinh tế địa phương. Do đó, cần phải thay đổi tư duy lãnh đạo địa phương, đồng thời có sự tham gia của các bộ, ngành và các tổ chức cố vấn hỗ trợ cho địa phương.

Tin liên quan

Sắp diễn ra Seminar học thuật về Vật liệu nano

Thành phố Hà Nội: Sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Đổi mới sáng tạo “mở” - khởi nguồn cho những sáng tạo

Địa phương có thể trở thành "người ra đề"

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) Hoàng Minh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) cũng như các hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh, thể hiện ở chỉ số xếp hạng trong Bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu. Việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, mục tiêu là tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, tạo ra giá trị vượt trội cho kinh tế, xã hội. Vì vậy, hệ thống hỗ trợ cần thiết phải có hành lang pháp lý, chính sách và các chủ thể hỗ trợ mạnh.

Hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST ở khu vực tư nhân, khu vực công và cả các tổ chức quốc tế, dưới nhiều mô hình phong phú. Điển hình như gần 20 địa phương đã và đang hình thành các Trung tâm khởi nghiệp ĐMST, gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đã và đang hoạt động. Nhiều Trung tâm khởi nghiệp ĐMST của quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở các không gian ĐMST tại Việt Nam.

Đổi mới sáng tạo mở cần sự chung tay của chính quyền địa phương - ảnh 1

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Minh, các địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển hệ sinh thái riêng của mình trên cơ sở khai thác nguồn lực, thế mạnh của địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng. Ngoài ra, các địa phương cần nỗ lực kiến tạo hệ sinh thái ĐMST mở với sự tham gia của chính quyền, các doanh nghiệp lớn, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước để giải quyết các thách thức mới về kinh tế, xã hội, môi trường của quốc gia và toàn cầu.

Liên quan đến nội dung ĐMST mở, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cũng nhận định: Khi địa phương có tư duy mở, muốn xây dựng hệ sinh thái ĐMST mở thì sẽ có những sáng kiến về mặt chính sách. Địa phương có thể trở thành người ra đề, dẫn đường và đặt bài toán cho các DN khởi nghiệp, nhất là tạo ra những ứng dụng, sản phẩm phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.

"27,72 tỷ USD là tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2022, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Có 108 quốc gia đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022. Nhiều nhà đầu tư lớn như Apple, Goertek. Foxconn... đang có kế hoạch chuyển các hoạt động sản xuất và tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Để tận dụng thời cơ tốt này, các địa phương cần đề ra định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mở kết nối, xúc tiến chuyển giao công nghệ mới, phát triển các mô hình kinh doanh có hàm lượng công nghệ".

Trong đó, đẩy mạnh khởi nghiệp ĐMST mở thúc đẩy các dự án khởi nghiệp có hàm lượng công nghệ cao vào tỉnh qua các nguồn lực ở bên ngoài. Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ ở nước ngoài về Việt Nam gắn với xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Tạo ra kênh kết nối xúc tiến chuyển giao công nghệ mới, phát triển các mô hình kinh doanh có hàm lượng công nghệ mới từ các Làng công nghệ quốc gia đến với Huế nhằm thực hiện các mục tiêu xây dựng thành phố đổi mới sáng tạo. Tổ chức triễn lãm kết nối cung cầu công nghệ giới thiệu các công nghệ, thiết bị trong và ngoài nước; tăng cường đầu tư sàn giao dịch công nghệ của địa phương...

Đổi mới sáng tạo mở cần sự chung tay của chính quyền địa phương - ảnh 2
Liên kết để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Còn nhiều yếu tố mang tính rào cản

Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch chuyển xu hướng từ "đổi mới sáng tạo" sang xu hướng "đổi mới sáng tạo mở" là yêu cầu tất yếu giúp DN bắt kịp với xu hướng phát triển trên thế giới. "Mở" trong sự kiến tạo môi trường để phục vụ DN khởi nghiệp; "mở" để thu hút nguồn lực không chỉ các DN trên địa bàn mà còn thu hút cả nguồn lực ở ngoài địa phương và nguồn lực quốc tế. "Mở" ở đây còn để mở rộng hơn nữa các đối tượng khởi nghiệp không chỉ các DN ở địa bàn tỉnh, mà còn thu hút các đối tác có năng lực, mong muốn đồng hành để khởi nghiệp, để lan tỏa, phát triển hệ sinh thái ĐMST của địa phương, đưa hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trở thành một phần động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, từ thực tế tại các địa phương cho thấy còn không ít rào cản trong quá trình thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST nói chung, ĐMST mở nói riêng. Như tại tỉnh Hà Nam, nguồn vốn cho chương trình khởi nghiệp ĐMST với tỉnh vẫn còn hạn hẹp. Đặc biệt, hiện chưa có cơ chế đủ hấp dẫn để hướng hoạt động khởi nghiệp sang những lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Các dự án, mô hình khởi nghiệp quy mô còn nhỏ, hàm lượng khoa học công nghệ thấp (kể cả với sản phẩm OCOP). Tính liên kết, bền vững không cao. Với DN khởi nghiệp tính rủi ro cao, thiếu vốn, thiếu công nghệ, thị trường, khó cạnh tranh…

Từ góc độ chuyên gia, ông Lý Đình Quân - Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp ĐMST quốc gia cho hay: Hầu hết khi thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của các địa phương, điểm khó nhất là tư duy lãnh đạo. Nhiều lãnh đạo các địa phương cho rằng, thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST là chỉ hỗ trợ cho khởi nghiệp. Tuy nhiên, ĐMST là một cách để tái cấu trúc và nâng cao hiệu suất, phát triển nền kinh tế địa phương.

Khi tầm nhìn lãnh đạo xem ĐMST là đòn bẩy, nền tảng để phát triển khoa học công nghệ, cũng như đòn bẩy để giải quyết tất cả các vấn đề của tư duy truyền thống, lúc đó khởi nghiệp ĐMST sẽ trở nên mạnh mẽ và có lực đẩy đi rất nhanh. Một khó khăn khác là các địa phương không biết làm cách nào để thực hiện ĐMST, nhất là ĐMST mở. Dựa trên các văn bản của Bộ KH&CN để lập kế hoạch, nhưng khi thực hiện lập kế hoạch hành động và đưa qua các sở thì không nhận được sự đồng thuận. Vì vậy, cần phải có sự tham gia của bộ ngành và các tổ chức cố vấn hỗ trợ cho địa phương.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/doi-moi-sang-tao-mo-can-su-chung-tay-cua-chinh-quyen-dia-phuong-a170327.html