Học cách yêu thương, chăm sóc, bảo vệ trẻ em

(PNTĐ) - “Học làm cha mẹ để lan tỏa yêu thương” và “Yêu thương, chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của cả cộng đồng” là những thông điệp ý nghĩa được đưa ra tại Diễn đàn làm cha mẹ do Hội LHPN Việt Nam và Cụm thi đua Hội LHPN các tỉnh Đông Nam Bộ tổ chức vừa qua nhằm hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động vì trẻ em năm 2024.

Cha mẹ dẫn dắt các con trong hành trình lớn lên

Đây là lần đầu tiên một diễn đàn đề cập đến nội dung giáo dục làm cha mẹ, được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu của 64 tỉnh/thành và đơn vị trực thuộc trên cả nước. Đồng thời diễn đàn còn là một trong những nội dung hoạt động trọng tâm của Đề án 938 Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027 nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ.

Bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chia sẻ: “Làm cha mẹ được ví như một “nghề” vô cùng đặc biệt, một công việc hết sức thiêng liêng, hạnh phúc nhưng cũng chứa đựng không ít khó khăn, thách thức. Trong hành trình này, chắc chắn không ít lần chúng ta - những người đã và đang làm cha mẹ đã rất bối rối, hoang mang. Bởi trong thực tế, chưa có một trường lớp nào “dạy” phương pháp/kỹ năng làm cha mẹ một cách bài bản, khoa học. Chỉ sau khi có con, các bậc phụ huynh mới bắt đầu hành trình học làm cha mẹ”.

Theo khảo sát ban đầu được thực hiện tại 27 xã thuộc 9 huyện ở 3 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên và Kon Tum) tham gia Chương trình Làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF hỗ trợ những năm 2018-2021, chỉ có 28,2% phụ huynh có trẻ từ 0-8 tuổi tin rằng, việc nuôi dạy trẻ đáp ứng theo nhu cầu của trẻ và không bạo lực là tốt nhất cho con cái của họ và 7,3% trẻ em từ 0-3 tuổi được cha mẹ/ người chăm sóc cung cấp dinh dưỡng phù hợp với tuổi.

Học cách yêu thương, chăm sóc, bảo vệ trẻ em  - ảnh 1
Bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.

Theo bà Tôn Ngọc Hạnh, trong thực tế, không ít các bậc phụ huynh vẫn đang phó mặc việc giáo dục con cái, giao phó hết cho nhà trường, lơ là việc liên hệ phối hợp khi con cái xảy ra vấn đề và luôn đùn đẩy hết trách nhiệm cho nhà trường, dẫn đến trường hợp các em có những suy nghĩ chưa chín chắn và hành động thiếu suy nghĩ, mất kiểm soát gây tổn hại cho bản thân, gia đình, bạn bè, thầy cô, nhà trường.

Mặt khác, cơ chế thị trường đã và đang tạo ra một số tác động tiêu cực, dẫn đến tình trạng biến chất, lệch lạc trong mối quan hệ giữa giáo viên, học sinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của người thầy giáo và sự phát triển, rèn luyện của các con. Các bậc cha mẹ cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng đủ để phát huy vai trò là cầu nối, dẫn dắt, định hướng các con trong hành trình trưởng thành, lớn lên.

Là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam luôn coi trọng và thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em thông qua vai trò của người mẹ và gia đình. Nhiều hoạt động, phong trào, cuộc vận động, Đề án, mô hình tập trung vào các nội dung của giáo dục làm cha mẹ đã và đang mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận như: Đề án 704 “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”, Đề án 938 “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, trẻ em”; Chương trình Mẹ đỡ đầu…

Năm 2023, TƯ Hội phối hợp với tổ chức UNICEF tại Việt Nam triển khai Chương trình Làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ tại một số tỉnh, thành nhằm góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ… tạo điều kiện để trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện, tự tin vững bước vào tương lai.

Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội

Tuy nhiên, yêu thương, chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em là trách nhiệm không chỉ của riêng mỗi gia đình, tổ chức nào mà còn là nhiệm vụ của cả cộng đồng xã hội. Tại diễn đàn các chuyên gia đã thông tin và trao đổi nhiều kiến thức kỹ năng cần thiết giúp các gia đình bảo vệ và giáo dục trẻ em.

Chia sẻ tại diễn đàn, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng chi hội Luật sư Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình xâm hại trẻ em thời gian qua diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội; công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt việc phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức; để xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận. Thủ phạm xâm hại thường là người quen của gia đình, trẻ em…

Có thể kể đến như vụ: bé gái 3 tuổi ở huyện Thạch Thất, Hà Nội bị đối tượng NTH. (nhân tình của mẹ) cắm 9 chiếc đinh vào đầu hay như bé trai 5 tuổi ở Bình Dương bị cha dượng bạo hành đánh đập; vụ việc cha dượng có hành vi xâm hại với con riêng tại tỉnh Tuyên Quang…

Khi phát hiện con bị xâm hại, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đưa ra lời khuyên cha mẹ cần ra cơ quan công an tố giác hoặc đến Hội Phụ nữ địa phương để các cán bộ hướng dẫn, tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ các em. Việc giám định càng sớm thì càng kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng đòi lại công bằng cho các em.

Học cách yêu thương, chăm sóc, bảo vệ trẻ em  - ảnh 2
Tiết mục văn nghệ tại diễn đàn.

TS Phạm Thị Thúy, Phó khoa Quản lý kinh tế xã hội (Học viện Hành chính Quốc gia đại học TP Hồ Chí Minh) cho rằng, với thông điệp “Phụ nữ hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, quốc gia hạnh phúc”, tổ chức Hội Phụ nữ thời gian tới cần phối hợp các bộ, ngành, triển khai lớp tiền hôn nhân, kỹ năng làm vợ, làm chồng, kỹ năng làm cha mẹ; tiếp tục các chương trình, đề án giúp phụ nữ tự tin, tham gia phát triển kinh tế, nâng cao quyền năng kinh tế, giúp họ tự tin khẳng định vai trò, vị thế của mình đối với gia đình, xã hội. 

Để công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời gian tới được làm tốt hơn nữa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh đề nghị các cấp Hội Phụ nữ trong cả nước: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng cho cha mẹ, những người chăm sóc trẻ về quyền trẻ em, cách chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Quan tâm tới việc tổ chức các diễn đàn dành cho cha mẹ, trẻ em, các cơ quan, tổ chức để chia sẻ, trao đổi thông tin liên quan; tổ chức các lớp tập huấn và hướng dẫn thực hành kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; tập huấn kiến thức, kỹ năng trước khi kết hôn/giáo dục làm cha mẹ cho nam nữ trong độ tuổi kết hôn; xây dựng, phát hành và số hóa tài liệu giáo dục làm cha mẹ phù hợp với độ tuổi, đối tượng, vùng miền, dân tộc…

Thứ hai, căn cứ điều kiện thực tiễn, triển khai hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội, đội ngũ cộng tác viên Chương trình Làm cha mẹ; chú trọng việc rà soát, đánh giá, duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp hiện có tại cộng đồng về giáo dục cha mẹ (nhóm cha mẹ, CLB kết nối mẹ - con độ tuổi vị thành niên, CLB cha mẹ nuôi dạy con tốt…); tổ chức đánh giá, rút nghiệm và nhân rộng; biểu dương, khen thưởng, vinh danh các cá nhân, tập thể điển hình, các mô hình hiệu quả, phù hợp.

Thứ ba, trong phạm vi nhiệm vụ của mình, tích cực nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cha mẹ thực hành tích cực trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ, bao gồm cả việc huy động các nguồn lực xã hội.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/hoc-cach-yeu-thuong-cham-soc-bao-ve-tre-em-a170510.html