Phân cấp triệt để trong quản lý tài nguyên nước

(Chinhphu.vn) - Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong 2 Nghị định, 3 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước nhằm chỉ rõ những điểm mới, trách nhiệm thực hiện của các cấp, ngành trong quản lý tài nguyên nước tại 3 miền, Hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Thành phố Hải Phòng ngày 21/6 với sự tham gia của 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành, đánh dấu bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là còn nhiều thách thức.

Bốn nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước và Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra được thể hiện xuyên suốt trong Luật tại các quy định về: Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; Điều tra cơ bản tài nguyên nước, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; Quy định về bảo vệ, phục hồi nguồn nước; Điều hoà, phân phối tài nguyên nước; Khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra; Công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; Hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; Thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước và Quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, tiếp nối công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước nhằm chỉ rõ những điểm mới, trách nhiệm thực hiện của các cấp, ngành trong quản lý tài nguyên nước. Hội nghị sẽ được tổ chức tại 3 miền, Hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Thành phố Hải Phòng ngày hôm (21/6) với sự tham gia của 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ.

"Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó Luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...)", Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết.

Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong 2 Nghị định, 3 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước (đều có hiệu lực thi hành cùng với Luật Tài nguyên nước ngày 1/7/2024).

Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, quá trình xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước nhận được sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của nhiều tổ chức quốc tế, qua đó thúc đẩy hợp tác quốc tế về tài nguyên nước, hướng tới bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn nước xuyên biên giới, hệ sinh thái nước ngọt có liên quan theo hướng bền vững và tối ưu hóa lợi ích cho các quốc gia có chung nguồn nước.

Ông Vĩnh cũng chia sẻ, việc đảm bảo an ninh nguồn nước và thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới được xem là một trong những chính sách ưu tiên của chính phủ Việt Nam hướng tới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân.

Thông tin về những điểm mới của Luật, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, Luật có 9 điểm mới nổi bật, trong đó đưa ra nhiều quy định mới nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, góp phần phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra cũng như phục hồi các dòng sông chết.


Luật Tài nguyên nước ưu tiên phục hồi những dòng sông 'chết'

Theo ông Ngô Mạnh Hà, Luật quy định dự án có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước mặt không còn khả năng chịu tải phải có giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước.

Luật cũng quy định, dự án có sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước được xem xét giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, đồng thời có ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

UBND cấp tỉnh quyết định kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước tại khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xác định các ưu đãi cho các dự án đó theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, phục hồi và sống lại các dòng sống "chết" là điểm mới nổi bật của Luật Tài nguyên nước sắp có hiệu lực. Theo ông Ngô Mạnh Hà, đã đến lúc việc phục hồi, làm sống lại các "dòng sông chết" phải xem là vấn đề cần được ưu tiên triển khai trong những năm tới nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái và các giá trị của nguồn nước đã mất đi do quá trình phát triển kinh tế.

Để có hành lang pháp lý cụ thể, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung nhiều quy định, chính sách liên quan đến phục hồi các dòng sông như quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các "dòng sông chết" như đang được bắt đầu thực hiện đối với sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy thông qua việc xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy.

Luật cũng quy định cho các địa phương triển khai nhiều nội dung như kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Tổ chức quan trắc, công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp với Bộ TNMT, các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần phục hồi, xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thu Cúc


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/phan-cap-triet-de-trong-quan-ly-tai-nguyen-nuoc-a170718.html